30/11/2023
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW (được ban hành tại Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 và Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng và ban hành các văn bản để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực GTVT.
1. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của đảng trong Nghị quyết
Theo đó, Bộ đã thực hiện lồng ghép bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong xây dựng và sửa đổi, bổ sung 04 Luật chuyên ngành GTVT (Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Đường sắt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa).
Nghiên cứu, đề xuất tham gia 05 điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường của Tổ chức Hàng hải quốc tế (Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra; Công ước quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu).
Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 văn bản, bao gồm: Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Nghị định số 82/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/05/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu; Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành: 20 thông tư quy định về công tác bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong GTVT và quy định việc kiểm tra, chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với phương tiện GTVT; 19 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định mức tiêu chuẩn khí thải và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tàu biển, phương tiện thủy nội địa, tàu bay và 03 tiêu chuẩn cơ sở.
Ban hành 03 chỉ thị về chủ động ứng phó BĐKH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành (Chỉ thị số 02/CT-BGTVT ngày 18/02/2014 về chủ động ứng phó BĐKH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành GTVT; Chỉ thị số 07/CT-BGTVT ngày 03/8/2016 về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường GTVT; Chỉ thị số 10/CT-BGTVT ngày 07/10/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động GTVT).
2. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH
2.1. Về ứng phó với biến đổi khí hậu:
Thực hiện lồng ghép yếu tố ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Bảo vệ môi trường.
Phối hợp với các nhà tài trợ thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH trong một số dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao độ cao trình bến cảng; nâng dự phòng tĩnh không cầu đường bộ; hạn chế tối đa tác động thay đổi dòng chảy, chống sạt lở, sụt trượt, cản lũ trên một số đoạn, tuyến quốc lộ.
Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại đến 9 chỗ ngồi; dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện; quy định về quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng; quy định về hiệu quả năng lượng đối với tàu biển; sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng trong khai thác cảng hàng không, cảng biển, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nhiên liệu trong khai thác tàu bay; thúc đẩy phát triển vận tải ven biển.
Các tỉnh, thành phố đã thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và xe taxi; tại thời điểm báo cáo tổng kết, cả nước có 9.471 xe ô tô khách thành phố (trong đó có 683 xe sử dụng nhiên liệu sạch khí tự nhiên nén (CNG) chiếm 7,2%, 213 xe điện, 8.575 xe sử dụng nhiên liệu diesel); có 1723 xe taxi điện.
Tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, kết nối mạng lưới giao thông hiện đại, tiện lợi và đô thị văn minh
Thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong ngành GTVT định kỳ 02 năm một lần; nghiên cứu xây dựng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong GTVT đến năm 2030.
Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế với GIZ, JICA, WB, ADB, UNDP để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH và xây dựng các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong GTVT.
2.2. Về quản lý tài nguyên:
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý sử dụng đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông lĩnh vực đường bộ, sắt, hàng không.
hỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện việc kiểm tra, sắp xếp xử lý diện tích nhà đất các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh/thành phố.
Rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong lĩnh vực giao thông giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 và tham gia thẩm định các quy hoạch sử dụng đất các tỉnh/thành phố.
Hướng dẫn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, điều chỉnh diện tích đất sử dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.
Triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách pháp luật về khoáng sản; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác nguyên vật liệu xây dựng trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Quy định về công tác quản lý các dự án nạo vét, duy tu thường xuyên trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa có liên quan tới các thủ tục về khoáng sản tận thu cát, sỏi.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, vật liệu mới có khả năng thích ứng với BĐKH; nghiên cứu sử dụng vật liệu tái chế (xỉ thép làm móng mặt đường; phụ gia tái chế từ nhựa sử dụng trong hỗn hợp BTN nóng), tái sử dụng đất đào, bùn cát nạo vét trong đầu tư xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên vật liệu trong công trình giao thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình giao thông.
2.3. Về bảo vệ môi trường:
- Bảo vệ môi trường trong xây dựng chiến lược, quy hoạch và dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông:
Bộ đã lập, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho các chiến lược, dự án quy hoạch phát triển GTVT do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch cấp ngành khác đã được lồng ghép nội dung đánh giá môi trường chiến lược trong hồ sơ quy hoạch theo quy định pháp luật.
Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đều được lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2013-2022, Bộ GTVT đã thẩm định, phê duyệt 216 báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền.
Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2017, hàng năm, Bộ GTVT đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ dự án và các nhà đầu tư tuân thủ công tác bảo vệ môi trường theo các nội dung đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Kiểm soát phát thải từ hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới: (i) Kiểm tra, chứng nhận về khí thải đối với xe cơ giới theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg, số 49/2011/QĐ-TTg và số 16/2019/QĐ-TTg); xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3, mức 4, mức 5 đối với xe mô tô hai bánh, xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; (ii) rà soát, cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm đối với tàu biển, phương tiện thủy nội địa; thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu, nước thải, rác thải, chất lỏng độc hại và khí thải đối với các phương tiện này theo quy định pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận về khí thải động cơ tàu bay, tiếng ồn tàu bay theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế; (iii) kiểm tra, chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với đầu máy, toa xe theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017.
- Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ GTVT: (i) Chỉ đạo xử lý dứt điểm 08 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong ngành GTVT theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ; (iii) Hướng dẫn các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, công nghiệp và y tế GTVT tổ chức thu gom, phân loại, lưu giữ và đã ký hợp đồng với các tổ chức có chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; vận hành hệ thống xử lý nước thải và tổ chức quan trắc môi trường định kỳ; (iv) Giám sát hoạt động tiếp nhận, chuyển xử lý dầu thải, nước lẫn dầu từ tàu biển tại các cảng biển, qua đó bước đầu đảm bảo công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại các vùng nước cảng biển; (v) Thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền 24 đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho các cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa và cơ sở y tế GTVT.
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW kết quả đạt được như sau: (i) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác môi trường GTVT được ban hành đã đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác môi trường GTVT; (ii) Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, sử dụng tài nguyên trong GTVT đã được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật liên quan; (iii) Cơ bản đã lồng ghép các yếu tố BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, dự án đầu tư trong các lĩnh vực ngành GTVT; (iv) Bước đầu thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường; việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới ngày càng được tăng cường, mức tiêu chuẩn khí thải áp dụng ngày càng nâng cao. (v) Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong công tác môi trường đã tiếp tục được quan tâm, phát triển. Tích cực triển khai thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới, kết quả nghiên cứu trong công tác xây dựng, bảo trì công trình giao thông; (vi) Nhận thức về công tác môi trường của toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT đã được nâng lên; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên của các cơ quan, đơn vị đã được nâng cao.
2.4. Bài học kinh nghiệm:
Qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đội ngũ cán bộ, công chức ngành GTVT.
Hai là, chủ động, kịp thời xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật liên quan để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Ba là, huy động sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị bao gồm cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ Trung ương tới địa phương tạo khối đoàn kết và phát huy sức mạnh tập thể.
Bốn là, thường xuyên nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
3. Đề xuất, kiến nghị về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian tới
Về mục tiêu
Về ứng phó với biến đổi khí hậu: (i) Lồng ghép ứng phó với BĐKH trong cập nhật, xây dựng mới 100% quy hoạch phát triển GTVT; từng bước nâng cao khả năng chống chịu BĐKH đối với kết cấu hạ tầng GTVT, nhất là tại khu vực miền núi và đồng bằng sông Cửu Long; (ii) Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động GTVT, góp phần vào mục tiêu giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) của quốc gia. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm từng bước thực hiện cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Về quản lý tài nguyên: Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong các hoạt động của ngành GTVT; tiếp tục thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng trong GTVT theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng điện, năng lượng xanh.
Về bảo vệ môi trường: (i) 100% quy hoạch phát triển GTVT được đánh giá môi trường chiến lược theo quy định; 100% dự án đầu tư, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định; (ii) Kiểm soát cơ bản được nguồn gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải, hàng không.
Nhiệm vụ, giải pháp:
Tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đội ngũ cán bộ, công chức ngành GTVT; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ công chức tham mưu, thực thi chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với BĐKH tại Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm soát phát thải các loại chất thải từ hoạt động của phương tiện, thiết bị GTVT trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành GTVT.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với kết cấu hạ tầng GTVT; nâng cao năng lực quản lý, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành GTVT.
Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong GTVT.
Tăng cường bảo vệ môi trường trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển và bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong các hoạt động của ngành GTVT; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc kết hợp phổ biến, tuyên truyền thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công tác ứng phó với BĐKH trong hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ GTVT.
Tiếp tục tăng cường hợp tác, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực, trao đổi thông tin, thiết lập mạng lưới đối tác song phương và đa phương về BĐKH trong giao thông vận tải; trên cơ sở đó tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế để xây dựng năng lực và triển khai áp dụng các giải pháp ứng phó với BĐKH.
Thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ GTVT xanh.
Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, để thực hiện được việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính theo đúng mục tiêu đề ra tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương liên quan và nguồn lực tài chính rất lớn từ trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân; do đó, đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai.
Hai là, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những biện pháp ưu tiên để giảm phát thải khí nhà kính; do đó, đối với các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là biện pháp "khuyến khích" cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét để ban hành theo hình thức "bắt buộc" và bổ sung các quy định mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi.
Ba là, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức các cấp để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước mới về ứng phó với BĐKH đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải ròng khí nhà kính của Việt Nam bằng "0" vào năm 2050.
Bốn là, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh, phát triển giao thông phi cơ giới tại địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn; TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển phương thức vận tải hành khách công cộng nhanh, khối lượng lớn.
Trần Ánh Dương
Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo số 90-BC/BCSĐ ngày 25/5/2023 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI)