Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Chính thức thông qua Hiệp định về Biển cả nhằm bảo vệ các vùng biển quốc tế

29/06/2023

    Từ ngày 19-20/6/2023 tại New York (Mỹ), Hội nghị Liên Chính phủ của Liên hợp quốc đã chính thức thông qua Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả. Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại.

Ảnh theo TTXVN

    Hiệp định về Biển cả là hiệp định thứ ba thực thi UNCLOS (sau Hiệp định về đàn cá di cư và Hiệp định nhằm thực thi Phần XI của Công ước), góp phần củng cố hơn nữa Công ước Luật Biển - bản Hiến pháp về đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển. Đây được coi là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững và thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.

    Về nội dung chính của Hiệp định, trên cơ sở nguyên tắc “nguồn gene biển là di sản chung của nhân loại”, Hiệp định về Biển cả thiết lập khuôn khổ, phương thức chia sẻ lợi ích giúp cho các nước đang phát triển được chia sẻ công bằng lợi ích từ nguồn gene biển, bao gồm cả chuỗi thông tin số hóa nguồn gene biển (DSI). “Chia sẻ lợi ích” không chỉ đề cập đến lợi ích tài chính, mà còn mở ra cho các nước đang phát triển thêm cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học biển, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ. Hiệp định về Biển cả cũng quy định về biện pháp phân vùng bảo tồn biển (ABMT), nhằm cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng bền vững những khu vực cần được bảo vệ. Bên cạnh đó, các quy định về đánh giá tác động môi trường cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cân bằng giữa nhu cầu phòng ngừa tác hại do các hoạt động trên biển cả gây ra đối với đa dạng sinh học biển với nhu cầu khuyến khích nghiên cứu khoa học biển. Hiệp định còn thành lập và vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính…

    Hiệp định về Biển cả sẽ mở ký trong vòng 2 năm tính từ ngày 20/9/2023 tại trụ sở Liên hợp quốc, New York (Mỹ). Hết thời hạn này, quốc gia có thể trở thành thành viên thông qua thủ tục gia nhập. Hiệp định sẽ có hiệu lực 120 ngày sau khi có 60 nước gia nhập, phê chuẩn, phê duyệt hoặc chấp thuận.

Đức Anh

Ý kiến của bạn