Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Việt Nam cần có những giải pháp khả thi hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu

15/09/2015

     Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng vẫn chưa thựt sự bền vững. Vai trò, giá trị của tài nguyên thiên nhiên chưa được nhận thức đầy đủ, đánh giá đúng tầm nên việc khai thác, sử dụng chưa đạt hiệu quả cao và còn lãng phí. Mặt khác, các vấn nạn ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gia tăng, đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp khả thi cũng như những công cụ mới để có thể biến những thách thức thành cơ hội hướng đến phát triển bền vững (PTBV) đất nước.      Thách thức và cơ hội       Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, phát triển kinh tế mà không quan tâm đến các vấn đề môi trường sẽ đưa ra hiệu quả kinh tế thấp và chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm cũng cao hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.  Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu về tổng thiệt hại của nền kinh tế trong thời gian qua do ô nhiễm môi trường gây ra tối thiểu chiếm từ 1,5 - 3% GDP. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, Việt Nam còn phải chịu thiệt hại tới 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, để BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh tại Quyết định 403 ngày 20/3/2014.      Phân tích chính sách phát triển "Kinh tế xanh" và BVMT tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT cho rằng, muốn thực hiện "Nền kinh tế xanh", Việt Nam sẽ gặp phải nnhiều thách, trước hết là về nhận thức, hiểu được thế nào là một "Nền kinh tế xanh” đầy đủ. Đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân. Về cách thức tiến hành, so với nền kinh tế truyền thống “Nền kinh tế nâu”, xây dựng mô hình mới “Nền kinh tế xanh”, thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, là vấn đề lớn đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách để xây dựng lộ trình thực hiện.       Bên cạnh đó, với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chính. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi sinh kế của người dân Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Phát triển “Kinh tế xanh” phải gắn với xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội cũng là thách thức không hề nhỏ. Cộng với huy động nguồn vốn cho việc thực hiện mục tiêu "Nền kinh tế xanh" trong khi tích lũy quốc gia còn quá thấp. Ngoài ra, cơ chế chính sách hướng tới thực hiện “Nền kinh tế xanh” của Việt Nam mới chỉ là chủ trương, chiến lược và ban hành kế hoạch hành động, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận “Nền kinh tế xanh” từ năm 2012. Do vậy, việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới “Nền kinh tế xanh” là thách thức rất lớn.           Tuy vậy, Việt Nam vẫn có những cơ hội đáng kể khi thực hiện “Nền kinh tế xanh”, bởi sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế là BĐKH. Nhằm giảm thiểu và thích ứng, các quốc gia đang có nhiều nỗ lực, trong đó phát triển kinh tế “các bon thấp”, “Tăng trưởng xanh” và đây là lộ trình tiến tới “Nền kinh tế xanh”. Do đó Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế.       Sau 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong môi trường chính trị ổn định, là cơ hội tốt để triển khai thực hiện “Nền kinh tế xanh”.  Hiện ,Việt Nam đang đẩy mạnh “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng”, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển 2016 - 2020. Đây là cơ hội để hướng tới “Nền kinh tế xanh”, trong đó việc thực hiện “Tăng trưởng xanh” - trụ cột hướng tới PTBV.      Với lợi thế tiềm lực con người, lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh… sẽ giúp Việt Nam tham gia các chương trình mục tiêu thiên nhiên kỷ, để hướng tới “Nền kinh tế xanh” và thực hiện thành công Chiến lược “Tăng trưởng xanh” đang trong quá trình hoàn thiện.      Định hướng thực hiện       Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Patrica, Đại học Copenhagen Đan Mạch, Việt Nam hiện có 36% đất nông nghiệp, 38% khoáng sản và các thành phần khác chiếm 26%. Trong đó, 9 triệu ha đất nông nghiệp thuộc loại tốt hàng đầu thế giới. Ngoài đồi núi bao la, Việt Nam còn có bờ biển dài trên 3.200 km cùng hàng nghìn, hàng triệu ha diện tích mặt nước sông ngòi, tạo thành nguồn lực “trời cho” hiếm có so với nhiều nước trên thế giới. Hướng tới “Nền kinh tế xanh”, nếu biết phát huy lợi thế, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu PTBV từ thực hiện “Nền kinh tế xanh” mà còn rút ngắn được khoảng cách phát triển, tạo ra thế ổn định về mặt chính trị, góp phần xóa đói giảm nghèo.       Về cơ chế, chính sách thực hiện “Nền kinh tế xanh”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đề xuất, trên cơ sở cương lĩnh định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, Việt Nam cần tập trung vào điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, phát thải các bon thấp; Công nghệ thân thiện với môi trường; Sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; Tái sử dụng, tái chế chất thải; Không gây ô nhiễm môi trường; Phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái… Bên cạnh đó, cải cách lại hệ thống thuế tài nguyên, xem xét lại thuế môi trường hướng đến phát triển “Nền kinh tế xanh” được điều chỉnh, thông qua công cụ kinh té và cơ chế tài chính, thuế khóa nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm. Đối với chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cần có sự đổi mới, xem xét lại và hoàn thiện chỉ tiêu GDP xanh; cải tiến hệ thống SNA phản ánh đủ các chỉ tiêu tính toán môi trường trong hạch toán môi trường trong hạch toán cân đối tài khoản quốc gia. Cùng với quá trình này, xây dựng hệ thống hạch toán tài nguyên, trước mắt là tài nguyên rừng, nước, khoáng sản với những tài khoản vệ tinh, tiến tới hệ thống tài khoản đầy đủ với sự trợ giúp của quốc tế.  Đồng thời, tích cực hợp tác quốc tế trong nỗ lực xây dựng “Nền kinh tế xanh” ở Việt Nam; Huy động các nguồn lực hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển “Kinh tế xanh”;  Các cơ chế tài chính khác cho phát triển rừng như REDD, CDM...   Trung Thảo  
Ý kiến của bạn