Những cơ hội và thách thức đối với chất thải điện tử
15/09/2015
Chất thải điện - điện tử, gọi tắt chất thải điện tử (CTĐT), là nhóm chất thải được xếp vào Danh mục chất thải nguy hại (CTNH) cần được quản lý, theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý CTNH.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, thể hiện cách nhìn đúng đắn của cơ quan quản lý đối với nhóm CTĐT (được xếp vào nhóm sản phẩm thứ hai trong danh mục các nhóm sản phẩm phải thu hồi và xử lý), thông qua việc nới lỏng các yêu cầu thủ tục có liên quan đến việc thải bỏ, thu gom, vận chuyển và xử lý CTĐT (vốn phải tuân thủ theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT). Cụ thể là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu nếu thiết lập điểm thu hồi để tiếp nhận sản phẩm thải bỏ là CTNH thì được miễn đăng ký chủ nguồn thải CTNH (Khoản 2, Điều 6) và nếu trực tiếp thu hồi và vận chuyển sản phẩm thải bỏ là CTNH thì được miễn đăng ký hành nghề quản lý CTNH nếu đáp ứng được một số điều kiện kèm theo (Khoản 3, Điều 6). Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết chu trình luân chuyển của CTĐT đều bị chi phối bởi các bên liên quan phi chính quy, kể từ hệ thống thu gom, vận chuyển, tháo dỡ, phân loại và xử lý, tái chế nên việc áp dụng cơ chế thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ đối với nhóm CTĐT sẽ gặp khó khăn và thách thức khi lộ trình thu hồi của nhóm sản phẩm này bắt đầu vào năm 2015.
Chu trình luân chuyển của CTĐT
Tại Việt Nam, CTĐT được phân ra thành các nguồn chính: Thiết bị điện tử gia dụng thải từ các hộ gia đình; Thiết bị điện tử thải từ các văn phòng; CTĐT công nghiệp từ các nhà máy sản xuất điện - điện tử. Cho đến nay, không có một thống kê chính thức nào để xác định lượng của các dòng thải này, tuy nhiên, một số nghiên cứu được công bố đã xác định sự tồn tại của chúng và khẳng định xu hướng đang gia tăng CTĐT tại thời điểm này. Nhìn chung, dòng CTĐT công nghiệp từ các nhà máy sản xuất điện - điện tử được quản lý tương đối chặt chẽ theo các quy định hiện hành đối với chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Nhưng các dòng thải thiết bị điện tử gia dụng thải từ các hộ gia đình và thiết bị điện tử thải từ các văn phòng thì gần như không được kiểm soát và chúng được bán lại ngay khi thải bỏ cho đội ngũ thu gom tư nhân hoặc cho các cửa hàng dịch vụ. Sau đó, tùy theo chất lượng và mức độ hỏng hóc mà chúng có thể được tái sửa chữa, lắp ráp và đưa trở lại người tiêu dùng, hoặc tháo dỡ thành các bộ phận, linh kiện để tiếp tục đưa đến các làng nghề tái chế, các đầu mối thu gom xuất khẩu hay thải bỏ vào dòng thải sinh hoạt chung. Điều cần lưu ý là hiện nay, ở Việt Nam, khâu tái chế vật liệu từ CTĐT được thực hiện chủ yếu bởi khu vực tư nhân và mới chỉ tái chế được một số loại vật liệu cơ bản, như kim loại (đen, màu) hoặc một số loại nhựa. Các bộ phận khác như bóng hình ti vi (chứa chì), nhựa chống cháy, bảng mạch điện tử thì đa phần được thu gom xuất khẩu chứ chưa được tái chế, cho dù ở quy mô nhỏ.
Ngoại trừ chủ nguồn thải (các hộ gia đình và khu vực văn phòng), các bên liên quan chủ yếu trong chu trình luân chuyển chất thải điện tử ở Việt Nam đều thuộc lĩnh vực tư nhân, bao gồm: Hệ thống thu gom, từ các cá nhân nhỏ lẻ đến các đại lý thu gom cấp cao; Các cửa hàng sửa chữa, buôn bán thiết bị điện tử đã qua sử dụng; Các cá nhân hộ gia đình thực hiện tháo dỡ, phân loại chất thải điện tử; Cơ sở tái chế vật liệu từ CTĐT, chủ yếu là kim loại; Các cá nhân, đại lý thu gom vật liệu, linh kiện từ CTĐT để xuất khẩu; Các cơ sở xử lý cuối cùng CTĐT (đối với chất thải công nghiệp điện tử). Nhìn chung, hoạt động của các nhóm này đều không chịu sự quản lý của Nhà nước nên tiềm ẩn rất nhiều vấn đề có liên quan đến môi trường, sức khỏe con người và bên cạnh đó, có những mối liên hệ nhất định với dòng CTĐT xuyên biên giới.
Trước năm 2013, Việt Nam không có quy định hay pháp lệnh cụ thể về quản lý CTĐT. Tất cả các thiết bị điện tử bị thải bỏ và bộ phận/linh kiện của chúng đều được coi là CTNH được quy định trong Thông tư số 12/2011/TT- BTNMT. Tuy nhiên, việc Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg được ban hành cho thấy nhận thức đúng đắn của cơ quan quản lý trong việc nhìn nhận lại bản chất loại chất thải này và nỗ lực xây dựng một hệ thống quản lý phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên từ nhóm chất thải này. Quyết định này đã xây dựng cơ sở pháp lý cho việc áp dụng hệ thống quản lý CTĐT mới dựa trên cơ chế Trách nhiệm nhà sản xuất kéo dài (EPR), là cơ chế mà theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình được mở rộng đến cả giai đoạn hậu tiêu dùng (thải bỏ) trong vòng đời sản phẩm. Theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg, nhà sản xuất/nhập khẩu có trách nhiệm thu hồi và xử lý các sản phẩm thải bỏ, cụ thể là có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình, vận chuyển và xử lý các sản phẩm thải bỏ đã được thu hồi, đồng thời báo cáo, công bố và chia sẻ thông tin có liên quan đến điểm thu hồi, cơ sở xử lý và lượng sản phẩm đã được thu hồi và xử lý. Quyết định cũng quy định rõ ràng trách nhiệm của người tiêu dùng phải mang sản phẩm thải bỏ tới các điểm thu hồi. Ngoài ra, lần đầu tiên, chất thải điện tử có thể được coi là một loại chất thải không phải là CTNH, khi miễn đăng ký hành nghề quản lý CTNH nếu như doanh nghiệp thỏa mãn một số điều kiện như có đăng ký kinh doanh sản phẩm, có trang thiết bị và giải pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và BVMT tại các điểm thu gom, có phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu hồi và vận chuyển sản phẩm thải bỏ.
Các khó khăn và thách thức đối với hệ thống thu hồi CTĐT
Thời điểm áp dụng Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg đối với nhóm CTĐT là ngày 1/1/2015, tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một số bất cập trong cả công tác quản lý lẫn cơ sở hạ tầng phục vụ cho hệ thống thu hồi sản phẩm thải bỏ.
CTĐT là nhóm chất thải được xếp vào Danh mục CTNH cần được quản lý
theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT
Trong quan điểm về CTĐT, các loại thiết bị điện tử gia dụng thải bỏ vẫn được người dân coi là một nguồn lợi nhuận hơn là một dạng chất thải, vì chúng vẫn được thu gom với mức giá cao bởi hệ thống thu gom tư nhân. Gần như mọi khâu trong chu trình luân chuyển của CTĐT đều phát sinh lợi nhuận dưới sự chi phối của khu vực tư nhân. Điều này tác động không nhỏ đến yêu cầu thu gom sản phẩm thải bỏ ngay cả khi có một mạng lưới thu hồi, bởi lợi ích mà hệ thống này mang đến cho các bên liên quan sẽ thấp hơn nhiều so với lợi ích mà khu vực tư nhân đem lại.
Đối với mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng cho việc xử lý sản phẩm điện tử được thu hồi hiện nay cho thấy khả năng tái chế và xử lý CTĐT ở Việt Nam rất thấp, mới chỉ dừng lại ở việc thu hồi một số kim loại và xử lý như CTNH trong các lò đốt. Trong số các công ty được cấp phép xử lý CTĐT, chỉ có 3 đơn vị (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Môi Trường Xanh; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Môi trường Việt Xanh; Công ty CP Xử lý và Tái chế Chất thải Công nghiệp Hòa Bình) được đánh giá là có dây chuyền xử lý đầy đủ (tái chế/xử lý/thải bỏ các kim loại từ CTĐT) tại 3 địa phương: Hải Dương, Bình Dương và Hà Nội. Do đó, khi thiết lập hệ thống thu gom sản phẩm thải bỏ, có một vấn đề là sản phẩm thu gom sẽ không được xử lý đúng cách do năng lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặt khác, khung pháp lý về quản lý CTĐT vẫn còn thiếu những quy định pháp luật cần thiết hỗ trợ cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ hiệu quả, đặc biệt là tiêu chuẩn về vật liệu tái chế và sản phẩm tái chế. Lĩnh vực tái chế CTĐT đang bị kiểm soát bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ phi chính quy, sử dụng công nghệ lạc hậu và không có các giải pháp BVMT, vì thế rất khó khăn cho công tác quản lý CTĐT.
Đề xuất cải thiện hệ thống thu hồi CTĐT
Việc áp dụng trách nhiệm nhà sản xuất kéo dài là một bước đi đúng đắn và phù hợp với các quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam, theo đó, nhà sản xuất và cơ quan quản lý tham gia trực tiếp vào khâu quản lý sản phẩm sau thải bỏ. Trách nhiệm đối với các sản phẩm bị thải bỏ cần được chia sẻ giữa các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng. Trách nhiệm này không chỉ bao gồm trách nhiệm tài chính mà còn bao gồm trách nhiệm xã hội và hoạt động thu hồi;
Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản pháp luật quy định việc thực hiện và hướng dẫn thực hiện hệ thống quản lý chất thải mới, trong đó có các tiêu chuẩn về vật liệu và sản phẩm tái chế, đặc thù cho CTĐT;
Các cơ sở tháo dỡ và tái chế chính thức sẽ được Chính phủ hỗ trợ về chính sách và ưu đãi tài chính thông qua các cơ quan quản lý có liên quan, và được nhà sản xuất hỗ trợ về mặt công nghệ để đảm bảo năng lực xử lý/tái chế chính thức đáp ứng đầy đủ số lượng sản phẩm thu hồi;
Nhà sản xuất và nhà tái chế/tháo dỡ chính thức phải là nhân tố chính có trách nhiệm chi trả cho các hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế và tháo dỡ những sản phẩm của họ, đặc biệt là các sản phẩm kích thước lớn;
Cơ chế báo cáo và trao đổi thông tin cần phải được thực hiện bởi nhà sản xuất, các trung tâm/điểm thu hồi, các cơ sở tháo dỡ và tái chế, và cơ chế này cần được đặt dưới sự giám sát của Chính phủ và các bên liên quan khác.
Huỳnh Trung Hải, Nguyễn Đức Quảng
Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014