Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 12/02/2025

Ủy ban Thường trực CITES quyết định không ban hành lệnh đình chỉ buôn bán loài khỉ đuôi dài từ Campuchia

05/02/2025

   Ngày 14/1/2025, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đưa ra xem xét lệnh cấm hoàn toàn việc bán loài khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) có nguy cơ tuyệt chủng tại Campuchia và Ban Thư ký CITES khuyến nghị đình chỉ hoạt động buôn bán loài này cho đến khi chính quyền Campuchia đề ra các biện pháp ngăn chặn tình trạng “rửa tiền” qua các cơ sở nhân giống khỉ hoang dã. Riêng việc buôn bán khỉ đuôi dài từ các nước khác, bao gồm Lào, Việt Nam và Philippines thì cần được cân nhắc thêm.nhấn mạnh rằng số lượng khỉ sinh ra được báo cáo tại 5/6 cơ sở nhân giống khỉ được đăng ký “cao hơn nhiều so với những gì được coi là có thể về mặt sinh học”. Chính quyền Campuchia cũng được yêu cầu thực hiện ghi chép đầy đủ về tất cả các trường hợp khỉ sinh và chết, cũng như xét nghiệm gen để theo dõi tỷ lệ sinh sản. Thời hạn phản hồi của CITES Campuchia là ngày 30/1/2026 và Ủy ban thường trực CITES sẽ quyết định có thông qua lệnh đình chỉ thương mại tại cuộc họp CITES tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 4/2/2025 hay không.

    Khuyến nghị đình chỉ buôn bán được đưa ra sau khi chính quyền Campuchia trả lời các câu hỏi do Ủy ban động vật CITES đặt ra vào tháng 7/2024 liên quan đến sự khác biệt giữa dữ liệu thương mại được báo cáo và tỷ lệ sinh cao đáng ngờ ở những cá thể khỉ được nuôi nhốt. Tỷ lệ sinh của loài khỉ đuôi dài nuôi nhốt tại 5/6 cơ sở của Campuchia được ghi nhận là 0 cá thể/2 năm đối với mỗi con cái trong khi tỷ lệ sinh điển hình của loài này chỉ là 1 cá thể/1 - 2 năm. Trường hợp Ủy ban thường trực ban hành lệnh đình chỉ buôn bán thì tất cả 184 quốc gia thành viên CITES sẽ không thể nhập khẩu khỉ đuôi dài từ Campuchia hoặc tái xuất các mẫu vật có nguồn gốc từ Campuchia.

Khỉ đuôi dài được IUCN liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay)

    Theo dữ liệu thương mại của CITES, từ năm 2004 - 2023, Campuchia xuất khẩu hơn 300.000 cá thể khỉ đuôi dài còn sống và gần 125.000 mẫu vật, bao gồm 1.620 hộp sọ. Hoa Kỳ từ lâu đã là điểm đến chủ yếu của loài khỉ Campuchia, nhập khẩu hơn 30.000 cá thể khỉ đuôi dài còn sống chỉ riêng trong năm 2022. Nghiên cứu năm 2022 của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã cho thấy tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Keo Seima, một khu rừng được bảo vệ ở phía đông Campuchia gần biên giới với Việt Nam, quần thể khỉ đuôi dài hoang dã đã giảm 49 - 55% trong 12 năm trước.

    Ngày 5/2/2025, Hiệp hội Nghiên cứu Y sinh Quốc gia (NABR) hoan nghênh quyết định của Ủy ban Thường trực CITES về việc không ban hành lệnh đình chỉ buôn bán loài khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) từ Campuchia. Quyết định này khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với một quy trình đánh giá công bằng, chính xác và dựa trên khoa học, cung cấp thời gian cần thiết để xem xét các dữ liệu thực tế và phản bác thông tin sai lệch do các tổ chức hoạt động cực đoan đang tiếp tục đẩy khoa học giả vượt lên trên chính sách hợp pháp và dựa trên bằng chứng.

    Nhật Bản đã chính thức yêu cầu Ủy ban Thường vụ hoãn mọi hoạt động cần quyết định ngay cho đến cuộc họp tới đây của CITES. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường trực CITES tại Geneva, Thụy Sĩ, không một quốc gia nào lên tiếng ủng hộ khuyến nghị của Ban Thư ký về việc đình chỉ các hoạt động thương mại dựa trên những tuyên bố sai lệch về việc xuất khẩu khỉ đuôi dài của Campuchia. Thay vào đó, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Canada và Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh cần phải xem xét thông tin mới do Campuchia đệ trình trước khi triển khai bất kỳ hành động nào. Quyết định của Ủy ban sẽ cho phép Ban thư ký CITES tiến hành đánh giá toàn diện và cử một phái đoàn chính thức đến Campuchia, đảm bảo quá trình này vẫn được thực hiện một cách minh bạch và dựa trên bằng chứng khách quan. Ngoài ra, cách tiếp cận thận trọng nói trên cũng tạo điều kiện giúp Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên của Hạ viện Hoa Kỳ có thời gian để hoàn tất việc xem xét và giám sát vấn đề này.

    Chủ tịch NABR Matthew R. Bailey cho biết, NABR hoan nghênh việc Ủy ban Thường trực công nhận rằng cần thiết phải cân nhắc kỹ lưỡng và dựa trên dữ liệu thực tế khi đưa ra các quyết định có tầm quan trọng như thế này. Y sinh học dựa vào sự sẵn có của loài khỉ đuôi dài để tiến hành các nghiên cứu có khả năng cứu sống sinh mạng, trong đó có các công trình thúc đẩy phương pháp điều trị các bệnh truyền nhiễm, ung thư và các thách thức sức khỏe quan trọng khác. Quyết định của cộng đồng quốc tế bác bỏ lệnh đình chỉ thương mại vô căn cứ là một chiến thắng lớn đối với sự toàn vẹn khoa học và sức khỏe cộng đồng.

    NABR tiếp tục cam kết bảo vệ các chính sách dựa trên khoa học và đảm bảo các quyết định về buôn bán động vật hoang dã quốc tế sẽ hỗ trợ nghiên cứu y sinh có đạo đức và tiến bộ y tế. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan trên toàn thế giới để duy trì sự minh bạch, sự chính trực khoa học và việc sử dụng động vật nghiên cứu một cách có trách nhiệm trong những tiến bộ y khoa có khả năng cứu người" - Chủ tịch NABR Matthew R. Bailey nhấn mạnh.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn