15/01/2025
Trước những năm 2010, hầu hết tại các xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng, rác thải sinh hoạt không được xử lý mà đổ thải bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND ngày 15/7/2010 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ, giải pháp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2020, theo đó giao nhiệm vụ cho các xã chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung phải tiến hành xây dựng bãi chôn lấp tạm thời tại các địa điểm thích hợp đến năm 2015 nhằm giải quyết từng bước khắc phục những mặt còn tồn tại, yếu kém hiện nay, ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở nông thôn.
Thời gian qua UBND thành phố Hải Phòng đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và lĩnh vực quản lý chất thải rắn nói riêng, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Đề án số 07/ĐA-UBND ngày 25/6/2022 về tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó năm 2022-2023 thực hiện đóng cửa 85 bãi rác tạm trên địa bàn các huyện Kiến Thụy (22 bãi), An Lão (25 bãi), Thủy Nguyên (11 bãi), Cát Hải (3 bãi), Vĩnh Bảo (19 bãi), Tiên Lãng (5 bãi).
Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 21/11/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, có chỉ tiêu đến năm 2025 “tỷ lệ các bãi chôn lấp tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 100% và tỷ lệ các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất đạt 95%”.
Nhằm thực hiện kế hoạch đóng cửa các bãi rác tạm quy mô cấp xã tại các huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025,
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt Quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 08/05/2023 về việc phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu đề xuất một số mô hình xử lý các bãi rác tạm phải đóng cửa đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng” để đánh giá thực trạng tình hình ô nhiễm môi trường tại các bãi rác tạm tại Hải Phòng, bao gồm hiện trạng về quy mô, vị trí, thành phần, tính chất vật lý, hóa học của rác thải, các tác động môi trường của các bãi rác tạm này để từ đó đưa ra các giải pháp mô hình công nghệ xử lý cải tạo, phục hồi môi trường, thu hồi tài nguyên từ bãi chôn lấp tạm thời một cách hợp lý nhất với tình hình thực tế hiện nay của Hải Phòng.
Theo đó, đơn vị chủ trì thực hiện Đề tài là Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Hải Phòng (chủ nhiệm đề tài là thạc sỹ Đỗ Thị Hương, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường), đơn vị phối hợp là Trưởng Đại học Thủy lợi và một số doanh nghiệp tham gia (Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Hải Phòng, HTX Môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh và Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Suối Hai).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề tài là thực nghiệm 01 mô hình cải thiện môi trường tại bãi rác tạm có thời gian sử dụng dưới 10 năm. Ban chủ nhiệm Đề tài đã phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Hải Phòng để thực hiện thử nghiêm mô hình cải tạo bãi rác tạm, đề tài đã lựa chọn Bãi rác thử nghiệm nằm tại thôn Tam Cường, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng. Lý do đây là bãi có mức độ ô nhiễm nhất cao nhất, thuộc nhóm 4 (bãi có tuổi bãi dưới 10 năm, gần khu dân cư, ruộng lúa, ven sông) và là bãi có diện tích tương đối lớn (3.000 m2) so với diện tích trung bình (2.346 m2) của các bãi rác tạm nói chung tại Hải Phòng. Bãi rác thực nghiệm hoạt động từ năm 2017 là bãi rác tạm chôn lấp nửa chìm nửa nổi, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại của toàn bộ xã Quyết Tiến.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Hình ảnh bãi rác tạm xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng
Trước khi triển khai mô hình thực nghiệm, qua kết quả quan trắc mẫu nước mặt và nước ngầm cách bãi rác khoảng 410m thì cho kết quả chỉ số permanganat là 42 mg/l vượt gấp 10 lần so với QCVN 09:2023/BTNMT, thông số NH4+ là 0,103 mg/l chỉ số này vượt tiêu chuẩn 0,003 mg/l. Các thông số NO-3 và NO2- đều không vượt giá trị giới hạn cho phép. Như vậy, có thể kết luận là nước ngầm khu vực bãi rác Quyết Tiến đã bị ảnh hưởng bởi nước rỉ rác. Do vậy, mô hình xử lý, cải tạo bãi rác này là xử lý tại chỗ, khai thác lại tài nguyên rác sau khi tách cơ học rác thải.
Thời gian qua các công việc xử lý, cải tạo bãi rác đã được tiến hành theo quy trình như sau:
Bước 1: Chuẩn bị mặt bằng để máy móc, thiết bị, lập hàng rào bao quanh bãi rác, xây dựng nhà bảo vệ, điều hành, lắp đặt hệ thống điện, nước.
Bước 2: Lắp đặt và kiểm tra thử nghiệm hoạt động của thiết bị, bao gồm máy xúc, máy ủi, máy xé túi rác, băng tải, hệ thống sàng lồng, máy phóng và máy nghiền rác.
Bước 3: Khai đào bãi rác theo từng ô và phơi giảm độ ẩm. Trong quá trình khai đào, rác được phun chế phẩm vi sinh nhằm tiêu độc, khử mùi.
Bước 4: Bê tông, gạch, đá và những loại rác thải quá thể tích quy định được nghiền nhỏ và hoàn thổ trở lại bãi rác (tạo lớp lót). Rác thải được đi qua máy xé/phá túi rác để đưa vào dây chuyền một cách ổn định và đạt tiêu chuẩn. Ở công đoạn này sẽ lọc được chăn màn, vải, cao su và một số vật liệu khác có thể tích lớn cháy được mang đi đốt.
Bước 5: Những phần còn lại được đi qua hệ thống sàng lồng để được phân loại rác hữu cơ.
Bước 6: Sau khi phân loại rác hữu cơ thì rác hỗn hợp tiếp tục qua băng tải để vào máy phóng không và máy nghiền rác để thu được rác hữu cơ và rác vô cơ.
Bước 7: Các loại rác hữu cơ thu được sẽ được thực hiện gom lại vào 1 vị trí ở bãi rác xã Quyết Tiến thực hiện ủ phân hữu cơ tại bãi rác Quyết Tiến nhằm làm đất trồng cây xanh và hoàn thổ trở lại bãi rác (tạo lớp lót).
Bước 8: Các loại rác vô cơ tiếp tục được phân loại thành rác tái chế gồm ni lông, nhựa… sẽ thực hiện gom lại vào 1 vị trí ở bãi rác xã Quyết Tiến nhằm phục vụ cho các bước băm rác, đóng bao ở giai đoạn sau.
Tổng khối lượng rác thải được khai đào và phân loại lên tới 7.965 tấn, vượt 225 tấn so với dự tính ban đầu, cho thấy quy mô và tính phức tạp của công tác xử lý rác. Trong đó, rác thải vô cơ và hữu cơ khó phân hủy (bao gồm vải vụn, da, nilon, cùng các loại rác vô cơ khác) chiếm 4.388 tấn, tương đương 55,1%. Lượng rác/mùn hữu cơ thu hồi được là 3.577 m³, chiếm 44,9% tổng số rác thải. Đặc biệt, quá trình phân loại đã giúp thu hồi 1.716 tấn ni lông có thể tái chế, cùng với 1.501 tấn rác có khả năng cháy để thu hồi nhiệt, bao gồm nylon vụn, vỏ ni lông tráng bạc, tã lót đã qua sử dụng và một số vật liệu khác.
Việc cải tạo bãi rác Quyết Tiến, bước đầu được đánh giá đã mang lại một số hiệu quả về mặt môi trường như sau:
Giảm ô nhiễm: Như đã đề cập ở trên, nước mặt khu vực bãi rác bị ô nhiễm chất hữu cơ, TSS, dinh dưỡng. Mẫu nước ngầm được lấy có vị trí cách xa bãi rác khoảng 410 m đo được chỉ số của permanganat là 42 mg/l vượt gấp 10 lần so với QCVN 09:2023/BTNMT, thông số NH4+ là 0,103 mg/l chỉ số này vượt giá trị tiêu chuẩn là 0,003 mg/l. Như vậy, việc cải tạo, xử lý bãi rác tạm đã ngăn ngừa và giảm các tác động bất lợi của chất thải đối với các môi trường thành phần như nước mặt, nước ngầm, đất, không khí, từ đó, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Quản lý rác bền vững: Việc tái chế nilong và ủ mùn thu hồi từ bãi rác giúp giảm lượng rác chôn lấp, hạn chế phát thải khí metan và giảm tác động đến biến đổi khí hậu.
Phục hồi đất đai: Việc sử dụng mùn hữu cơ sau khi ủ để cải tạo đất hỗ trợ trồng cây và tăng năng suất nông nghiệp. 100% diện tích đất bãi rác được khai đào và xử lý. Trong đó, khoảng 1.300 m2 diện tích được cải tạo, đóng bãi, chờ phục vụ trồng cây xanh sau này. Phần diện tích còn lại (khoảng 1.700 m2) sẽ lắp đặt dây chuyền xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho từ 5-10 xã trên địa bàn huyện Tiên Lãng khi đủ điều kiện pháp lý.
Bảo vệ đa dạng sinh học: Việc giảm phơi nhiễm nước thải bãi rác giúp bảo vệ hệ thực vật và động vật địa phương, góp phần cải thiện cân bằng sinh thái của địa phương.
Đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường, vì một thành phố xanh - sạch - đẹp.
Việc cải tạo bãi rác mang lại nhiều lợi ích kinh tế như sau:
Chuyển đổi rác thải thành tài nguyên: Việc tách rác/mùn hữu cơ (1.683 tấn) để sử dụng trong nông nghiệp và tái chế nylon (3.577 tấn) giúp giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thô, góp phần tiết kiệm chi phí và phát triển kinh tế bền vững.
Tạo việc làm: Dự án này tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực xử lý rác thải, tái chế và sản xuất phân compost, mang lại lợi ích cho người lao động địa phương.
Giảm chi phí quản lý rác trong tương lai: Việc tái sử dụng rác thải giúp giảm sự phụ thuộc vào các bãi chôn lấp mới và chi phí xử lý rác.
Tạo nguồn thu nhập tiềm năng: Việc bán các vật liệu tái chế như nhựa và phân compost mang lại nguồn thu nhập bổ sung cho hệ thống quản lý rác địa phương.
Hiệu quả về mặt xã hội như sau:
Hiện tại, nhiều bãi rác tạm của Hải Phòng đã quá tải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bức xúc của nhân dân kéo dài qua nhiều năm. Hằng năm có đến vài chục bài báo đưa tin về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác tạm và cơ quan chính quyền thì nhận được nhiều ý kiến kiến nghị từ nhân dân tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội. Do vậy, việc cải tạo bãi rác tạm đã góp phần vào việc phục hồi môi trường cho khu vực này, qua đó đảm bảo tình hình an sinh xã hội, yên tâm sinh sống, lao động và sản xuất của nhân dân.
Cải thiện sức khỏe cộng đồng: Việc loại bỏ rác thải không hợp vệ sinh giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, kiểm soát các tác nhân gây bệnh liên quan đến chất thải, bảo vệ sức khoẻ người và súc vật trong vùng, tránh các bệnh tật lây nhiễm do bãi chôn lấp rác thải gây ra.
Nâng cao chất lượng sống: Việc dọn dẹp bãi rác giúp giảm mùi hôi, côn trùng và ô nhiễm thị giác, làm đẹp cảnh quan môi trường, cải thiện điều kiện sống sinh hoạt cho nhân dân khu vực nông thôn.
Tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng: khuyến khích sự tham gia của người dân vào các hoạt động quản lý rác bền vững.
Như vậy, có thể nói rằng, việc triển khai đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố với đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số mô hình xử lý các bãi rác tạm phải đóng cửa đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng” là sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác giảm thiểm ô nhiễm môi trường từ các bãi rác tạm nói riêng trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Việc triển khai mô hình thực nghiệm cải tạo phục hồi môi trường bãi rác điển hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao sẽ làm cơ sở để từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi rác tạm cấp xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Hoàng Đàn