09/09/2024
Hiện nay, phát triển nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) được coi là hướng đi mang tầm chiến lược trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt; ô nhiễm môi trường gia tăng; biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khi Việt Nam đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26). Trong hành trình chung đó, Thái Bình là địa phương có thế mạnh và đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), nhưng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển nông nghiệp, do đó, NNTH được xem là xu thế tất yếu để tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (PTBV).
1. Khái niệm và sự cần thiết phải áp dụng nông nghiệp tuần hoàn
NNTH là mô hình kinh tế được thiết kế để tối đa hóa việc sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giảm thiểu chất thải thông qua tái sử dụng, sửa chữa, tái chế, tái tạo sản phẩm và nguyên liệu. Khác biệt cơ bản so với mô hình nông nghiệp truyền thống “sản xuất, sử dụng và vứt bỏ”, NNTH tập trung vào việc giữ cho nguồn lực ở trong một vòng lặp tuần hoàn, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và tạo ra giá trị bền vững cho xã hội.
Theo Van Bodegom và cộng sự (2019), khái niệm NNTH được phát triển dựa trên ý tưởng từ khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH), sử dụng lý thuyết và nguyên tắc của sinh thái công nghiệp (tìm cách giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm phát thải ra môi trường bằng cách đóng vòng lặp sử dụng vật liệu và chất liệu). Mục đích của NNTH là không sử dụng nhiều diện tích hoặc tài nguyên hơn mức cần thiết bằng cách sản xuất theo các vòng lặp tài nguyên đóng kín. Trong NNTH, chất thải được xem như nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm mới. Van Bodegom và cộng sự (2019) cũng cho rằng, một số hệ thống sản xuất nông nghiệp có thể được mô tả toàn bộ hoặc một phần là NNTH và những hệ thống này có nguồn gốc lâu đời, dựa trực tiếp vào việc “bắt chước” các quá trình sinh thái. Nguyễn Thị Minh Hiền và cộng sự (2021) thì đưa ra định nghĩa, NNTH là mô hình sản xuất nông nghiệp dựa trên áp dụng mô hình KTTH. NNTH tập trung vào sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hiệu quả cao trên cơ sở tận dụng, tái sử dụng tối đa các phế phụ phẩm và giảm tới mức thấp nhất lượng chất thải ra môi trường hoặc không có chất thải.
Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau về NNTH, nhưng các quan niệm trên đều dựa trên nguyên tắc “3R” (Reduce - Giảm sử dụng hàng hóa và tiêu thụ tài nguyên; Reuse - Tái sử dụng sản phẩm, tài nguyên; Recycle - Tái chế, tuần hoàn tài nguyên). Từ đó có thể đưa ra khái niệm “NNTH chính là việc áp dụng KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là mô hình sản xuất theo hướng khép kín, thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhằm biến các loại chất thải, phụ phẩm tái chế thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất tiếp theo, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả về KT - XH và môi trường, thoả mãn nhu cầu của xã hội ở hiện tại cũng như trong tương lai”.
Tổng hợp các nghiên cứu khác nhau, theo Van Bodegom và cộng sự (2019), sự cần thiết của việc thay thế nông nghiệp tuyến tính sang NNTH vì những lý do sau: (i) Hệ thống lương thực toàn cầu hiện nay có tác động về mặt môi trường rất lớn, thải ra 1/4 tổng số khí nhà kính, gây ra nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học, ô nhiễm nguồn nước ngọt, nước biển, đồng thời chiếm 40% diện tích đất không có băng và sa mạc của thế giới (De Boer & van Ittersum, 2018). (ii) Thách thức chính trong những thập kỷ tới là sản xuất đủ thực phẩm an toàn, bổ dưỡng cho thế hệ tương lai mà không làm cạn kiệt tài nguyên hoặc phá hủy hệ sinh thái của Trái đất (Jurgilevich và cộng sự, 2016). (iii) Nhu cầu tiếp tục và ngày càng tăng đối với những sản phẩm (vẫn đang được sản xuất tuyến tính), gây áp lực trực tiếp lên các nguồn lực (Rood và cộng sự, 2017). (iv) Dự trữ các nguyên tố dễ chiết xuất quan trọng đối với sản xuất thực phẩm (như phốt phát, kali) đang khan hiếm và giảm dần, vì vậy, điều quan trọng là phải đẩy mạnh thực hiện tái chế, tái sử dụng chúng (Burgo và cộng sự, 2019). (v) Hệ thống nông nghiệp hiện tại dựa trên chuỗi cung ứng, các tác nhân tham gia chuỗi đều hướng tới việc thu được lợi ích kinh tế lớn nhất, nên đã tích cực sử dụng nguồn nguyên liệu thô và chế biến chúng với chi phí thấp nhất, năng suất cao nhất chứ không tính đến việc tiết kiệm nguyên liệu. Đây là lỗ hổng nghiêm trọng vì hệ thống chứa nhiều rò rỉ, lãng phí, kém hiệu quả (MoA, 2018).
2. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh Thái Bình
Thái Bình là tỉnh có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, với diện tích đất tự nhiên 158.635 ha, trong đó 67,9% là đất nông nghiệp; 88,2% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, chiếm 27% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trên tổng số lao động của tỉnh (Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, 2022a). Với 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, hệ thống sông ngòi đan xen, bồi đắp, nên nguồn tài nguyên đất đai phù sa, màu mỡ, phì nhiêu và bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Vì vậy, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều khẳng định nông nghiệp là thế mạnh, cần phải phát huy theo chiều sâu, chất lượng và tăng giá trị sản xuất. Đặc biệt, những năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; giá vật tư nông nghiệp tăng cao; diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp giảm để thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ; sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu… Nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của bà con nông dân, nhiều chỉ tiêu của ngành vẫn đạt và vượt kế hoạch, thể hiện rõ vai trò nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, tạo thế “kiềng 3 chân” vững chắc, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 tăng 2,5%/năm; trồng trọt tăng 1,3%/năm, chăn nuôi tăng 1,6%/năm, thủy sản tăng 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDRP) toàn tỉnh là 24,5% (giai đoạn 2015 - 2020). Riêng năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 29.782 tỷ đồng, gấp 1,1 lần so với năm 2020, trong đó giá trị sản xuất trồng trọt đạt 12.254 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm 2022; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 10.426 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2022; giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 5.938 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2022; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 2,4%/năm.
Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và có cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, nhằm “Đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, NNTH gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với BĐKH; kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh và toàn cầu, tạo sức bật, mang lại sự đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp”. Ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các địa phương xây dựng thành công 33 mô hình phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Bên cạnh đó, Thái Bình đã hình thành các mô hình tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản, thu hút sự tham gia tích cực của khoảng 2.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung đạt trên 8.000 ha, bình quân 4,08 ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đáng chú ý, thực hiện chủ trương này, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp đó, ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn đến năm 2028, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý như điều kiện về thời gian, diện tích tích tụ được hỗ trợ có sự điều chỉnh so với Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND. Đến nay, qua rà soát đã có trên 1.511 hộ thực hiện tích tụ quy mô dưới 5 ha; 324 hộ tích tụ được từ 5 - 10 ha và 133 hộ tích tụ được diện tích hơn 10 ha... Hầu hết các mô hình đều được đánh giá đạt hiệu quả cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa thực hiện tích tụ, tập trung.
Nông nghiệp ở Thái Bình đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương, nhất là trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã được công nhận NTM kiểu mẫu và đang phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm 10 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có từ 3 xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng thu được nhiều kết quả quan trọng, với 179 sản phẩm được công nhận OCOP (48 sản phẩm đạt 4 sao, 131 sản phẩm xếp hạng 3 sao) trên tổng số 91 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP (trong đó có 32 doanh nghiệp (DN), 36 hợp tác xã và 23 hộ kinh doanh). Giá trị kinh tế của các sản phẩm tăng từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%. Vì vậy, để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 tiếp tục xác định “nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”, nhằm đưa Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng.
3. Hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song nông nghiệp của tỉnh Thái Bình vẫn chưa đi đúng định hướng PTBV, đặc biệt là dưới tác động của BĐKH, ô nhiễm môi trường. Vẫn còn hiện tượng người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; đốt rơm, rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, gây lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường và mất trật tự xã hội... Vì vậy, đẩy mạnh thực hiện nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với BĐKH; kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh cũng như toàn cầu; tạo sức bật và mang lại sự đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những mục tiêu của địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025, nhằm phát triển một nền NNTH, xanh và bền vững.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung tổ chức sản xuất lúa, gạo theo hướng giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, NNTH, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu về an ninh lương thực, vừa góp phần giảm thiểu khí nhà kính, BVMT. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất lúa, gạo theo mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn và liên kết tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí cũng như yêu cầu của Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND. Ngoài ra, khuyến khích DN, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tích cực tham gia liên doanh, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm lúa gạo; cân đối lợi nhuận giữa các khâu sản xuất, bảo đảm quyền lợi cho nông dân trong liên kết bền vững; sử dụng và phát triển các nhãn hiệu tập thể về lúa gạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa, gạo của DN; đầu tư khu công nghệ cao sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo cao cấp có mã vùng trồng… từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản bền vững toàn cầu, phấn đấu đến năm 2030, GRDP nông nghiệp đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 9,1% vào GRDP toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 2,2%/năm; 60% diện tích canh tác được liên kết sản xuất có bao tiêu sản phẩm.
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của địa phương cho phát triển NNTH, nhất là những chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất nông nghiệp... Nghiên cứu, lồng ghép chính sách phát triển KTTH trong nông nghiệp vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển KTTH trong nông nghiệp thông qua việc lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển KT - XH của địa phương; gắn kết phát triển mô hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp với các mô hình KTTH của các ngành khác, trên từng vùng để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn gắn kết trong chuỗi sản xuất NNTH, từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể, tích hợp đa giá trị; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển NNTH... Các chính đưa ra cần phải có nội dung phù hợp, đồng bộ, kịp thời; trong quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Thứ hai, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, DN và chính quyền các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, lợi ích, tiêu chí... trong thực hiện NNTH thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đài phát thanh, truyền hình, báo tỉnh... giúp người dân, DN hiểu biết và dễ dàng tiếp cận thông tin, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình, mô hình sản xuất nông nghiệp theo chu trình tuần hoàn khép kín, phụ phẩm được tái sử dụng tại chỗ, không thải chất thải ra môi trường, từ đó tạo sự đồng thuận trong triển khai, nhân rộng các mô hình NNTH. Ngoài ra, đào tạo cho người nông dân cách tiếp cận với thị trường để quảng bá sản phẩm NNTH, tích hợp đa giá trị không những về kinh tế mà còn mang giá trị về môi trường, xã hội.
Thứ ba, đẩy mạnh chuyển giao, hỗ trợ người dân, DN ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi (giống kháng bệnh, chống chịu; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; chế phẩm sinh học phòng, trừ bệnh, dinh dưỡng đất, thức ăn chăn nuôi thủy sản; chế phẩm xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tái chế, xử lý phụ phẩm; chế phẩm trong bảo quản, chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm…); giảm sử dụng tài nguyên đầu vào; kéo dài vòng đời sản phẩm; tái sử dụng và tái chế chất thải. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ gen, công nghệ số... vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng kế hoạch và lộ trình hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin ngành nông nghiệp để có thể sử dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình sản xuất NNTH.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển NNTH. Xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nguồn nhân lực sản xuất NNTH gắn với các chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục các cấp, bảo đảm gắn giữa lý thuyết và thực tiễn triển khai, phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Xây dựng chương trình đào tạo, giải pháp kỹ thuật cho nông dân, phục vụ nhu cầu chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển NNTH, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, tái chế, tái sử dụng phụ phẩm, tạo sản phẩm đa giá trị. Đồng thời, có chính sách thu hút lao động, nhà khoa học có trình độ cao, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, tăng cường liên kết “5 nhà” trong phát triển NNTH, cụ thể là thúc đẩy liên kết sản xuất, gắn nhà khoa học, nhà nông, DN, Nhà nước, ngân hàng trong sản xuất. Việc làm này phải được tiến hành bắt đầu từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ và tái chế theo một quá trình khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao và BVMT. Cùng với đó, thực hiện chuyển giao, nhân rộng các mô hình KTTH hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững bằng nhiều cách, như: Tổng kết, đánh giá thực tiễn mô hình NNTH đã và đang triển khai mang lại hiệu quả KT - XH và môi trường ở các cấp độ, quy mô tại địa phương, vùng, miền trong toàn tỉnh; hỗ trợ phổ biến, lan tỏa và nhân rộng các mô hình NNTH hiệu quả tới cộng đồng DN, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân. Ngoài ra, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, phát triển thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh cũng như liên tỉnh...
4. Kết luận
Phát triển NNTH đang là hướng đi, là cơ hội để tỉnh Thái Bình phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu KT - XH, môi trường mà còn giúp ứng phó hiệu quả với BĐKH. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu, định hướng mà địa phương đã xác định trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 “Tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành, liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao”. Để đạt được mục tiêu Quy hoạch đề ra, Thái Bình cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ hiện đại; phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới, DN gắn chặt với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, thích ứng với BĐKH, BVMT sinh thái; xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng KT - XH hiện đại, với hệ giá trị văn hóa mới, nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn.
NNTH là hướng đi để tỉnh Thái Bình phát triển nhanh, bền vững và ứng phó hiệu quả với BĐKH
Hoàng Thu Hiền
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2024)
Tài liệu tham khảo
1. Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2022a). Báo cáo tình hình KT - XH tỉnh Thái Bình năm 2022.
2. Van Bodegom, A., van Middelaar, J., Metz N. (2019), Circular Agriculture in Low and Middle Income Countries. Discussion paper, Food & Knowledge Platform, retrieved from https://knowledge4food.net/wp-content/uploads/2020/03/191016_fbkp-circular-agriculture-lmics_discussionpaper.pdf.
3. Phạm Hồng Thái, 2023. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023. NNTH: Con đường PTBV ở tỉnh Thái Bình
4. Sở TN&MT tỉnh Thái Bình (2020), Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020.
5. Nguyễn Thị Minh Hiền và cộng sự (2021). NNTH - Tình hình phát triển ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và phát triển, 291 (2), tháng 9/2021, 56 - 66.
6. Đảng bộ tỉnh Thái Bình (2020). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.