Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam: Từ mục tiêu chính sách đến hành động thực tiễn

16/10/2024

    Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Tọa đàm “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam: Từ mục tiêu chính sách đến hành động thực tiễn”.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc Tọa đàm

    Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, nhận thức được tác hại của rác thải nhựa, nhất là đối với hệ sinh thài biển và cộng đồng dân cư ven biển, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cũng như các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019. Kế hoạch đề ra mục tiêu chung là thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động cũng đặt ra mục tiêu cụ thể, xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.

    Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Việt Nam cần sự nỗ lực, chung tay của các bên liên quan, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo tồn, BVMT và đặc biệt là sự tham gia của các Trường đại học, Viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Hiện nay, có nhiều dự án về giảm thiểu rác thải nhựa, nhưng dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” (3SIP2C) là một trong những Dự án được thực hiện với sự tham gia của cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật, truyền thông, huy động sự tham gia của cộng đồng, các nhà quản lý chính sách. Tọa đàm “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam: Từ mục tiêu chính sách đến hành động thực tiễn” nằm trong khuôn khổ Dự án 3SIP2C được tổ chức nhằm chia sẻ các nỗ lực về giảm thiểu rác thải đại dương của Việt Nam; phân tích hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam; trao đổi với các bên liên quan để nhận diện một số thách thức, giải pháp để giảm rác thải nhựa biển ở nước ta. Trên cơ sở đó, đề xuất lộ trình để thực hiện mục tiêu về giảm rác thải nhựa trong thời gian tới. Do đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn đa chiều về các vấn đề liên quan đến giảm rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa trên biển nói riêng. 

TS. Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ tại Tọa đàm

    Chia sẻ về những nỗ lực và kết quả đạt được trong giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương tại Việt Nam, TS. Nguyễn Mỹ Hằng, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, nhiều tỉnh, thành có biển đã có những phương thức thu gom rác thải khác mang lại hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trên biển. Chẳng hạn tại Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai lắp đặt các thùng rác nổi trên biển để người dân trên Vịnh có điểm tập kết rác trước khi vận chuyển lên bờ. Hay tại Hải Phòng cũng đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo như: chợ Cát Bà nói không với túi ni lông khó phân hủy; “Xã đảo không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần” tại xã Việt Hải. Còn tại Quảng Ngãi, mô hình “Làng không rác” được triển khai thí điểm tại làng Gò Cỏ (xã Phổ Thạnh), theo đó 69 hộ dân của làng được trang bị mỗi hộ một bộ ba thùng rác chứa rác vô cơ, hữu cơ và tái chế để phân loại rác tại nhà; được tập huấn, giám sát trong việc phân loại rác tại nguồn… Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Mỹ Hằng, cần thực hiện đánh giá tổng thể về thực trạng ô nhiễm nhựa nói chung và ô nhiễm nhựa đại dương ở Việt Nam; Xác định các vấn đề chính cần giải quyết (điểm nóng ô nhiễm, hoạt động clean - up…). Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa thông qua xây dựng các mô hình đô thị giảm nhựa đặc biệt là các đô thị sát biển, du lịch biển, trường học không rác nhựa…). Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ (điều tra khảo sát, quan trắc, giám sát, phát triển nhựa thân thiện với môi trường, nhựa thay thế, tái chế, huy động các nguồn tài chính…).

Hoạt động thảo luận nhóm thu hút đông đảo đại biểu tham gia

    Đối với mục tiêu chính sách về giảm rác thải nhựa ở Việt Nam, TS. Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh, Luật BVMT năm 2020 đã quy định điều khoản riêng về chất thải nhựa (Điều 73: Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương), theo đó “Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định”. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, từ ngày 1/1/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm... Trên cơ sở của Luật, Nghị định, các Bộ/ngành/địa phương cũng chủ động ban hành các quyết định hoặc chỉ thị về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, tăng cường quản lý túi ni lông khó phân hủy, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quóc gia trên địa bàn các địa phương có biển. Đến nay, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã xây dựng, triển khai quy định nhằm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia dưới nhiều tên gọi khác nhau như quyết định, kế hoạch, chỉ thị trên phạm vị địa bàn của mình, đạt tỷ lệ 100%. Đối với mục tiêu chính sách về giảm rác thải nhựa ở Việt Nam, Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương. Để góp phần đạt được mục tiêu trên, TS. Nguyễn Sỹ Linh khuyến nghị, cần tăng cường truyền thông và đào tạo chính sách để đảm bảo sự hiểu biết nhất quán về các chính sách và mục tiêu chính sách (về giảm thiểu/quản lý rác thải nhựa). Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ cho các sáng kiến ​​địa phương thông qua phân bổ nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật cho chính quyền địa phương và cộng đồng để quản lý chất thải hiệu quả; Công nhận và khen thưởng các sáng kiến ​​địa phương phù hợp với chính sách quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy giáo dục và nhận thức cộng đồng; Phát triển các chính sách phù hợp/có thể điều chỉnh; Đẩy mạnh hợp tác và đổi mới…

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

    Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích các thách thức để đạt được mục tiêu chính sách về giảm rác thải nhựa ở Việt Nam, tìm kiếm các giải pháp để vượt qua thách thức đó. Đồng thời thống nhất các hành động cụ thể để các bên liên quan chính (nhà hoạch định chính sách, cơ quan, tổ chức nghiên cứu và những người triển khai trên thực tế) thực hiện trong thời gian tới…

Hương Mai

Ý kiến của bạn