09/09/2024
Để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hướng đến phát thải các-bon bằng “0”, các doanh nghiệp phải cùng nhau thực hiện và hoàn thành tốt vai trò của mình trong vòng tròn tuần hoàn kinh doanh. Giảm phát thải các-bon không những là nỗ lực hành động để BVMT quốc gia, mà còn thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết chung toàn cầu. Bài viết này sẽ đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giảm phát thải các-bon, làm nền tảng để mở rộng chính sách quốc gia phù hợp.
1. Giảm phát thải các-bon là cam kết chung toàn cầu
Tháng 12/2021, đại diện đến từ 150 quốc gia đã thống nhất sẽ đưa mức phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050, hướng đến hỗ trợ kinh tế và môi trường phát triển bền vững trong tương lai. Sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), giảm phát thải các-bon đã trở thành một cam kết chung trong vấn đề BVMT trước BĐKH toàn cầu.
Vấn đề khủng hoảng khí hậu kêu gọi sự đóng góp của các quốc gia trong việc chuyển đổi nhanh chóng mô hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu kinh tế tuần hoàn và áp dụng đầu tư vào giảm phát thải các-bon. Sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phá rừng được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng lượng các-bon trong tự nhiên. Trong đó, phát thải các-bon từ ngành công nghiệp chủ yếu liên quan đến nhiên liệu hóa thạch được đốt tại chỗ tại các cơ sở cung cấp năng lượng đốt tại chỗ, bao gồm khí thải từ các quá trình chuyển đổi hóa học, luyện kim và phát thải từ các hoạt động quản lý chất thải. Ngành năng lượng đóng góp khoảng 40% lượng khí thải các-bon toàn cầu. Trong đó, 3/4 lượng khí thải các-bon đến từ các nền kinh tế lớn.
Theo báo cáo của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) năm 2022, nhóm quốc gia phát thải hàng đầu bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Liên bang Nga, Hoa Kỳ và EU27 (gồm 27 quốc gia thuộc EU, trừ nước Anh). Theo số liệu được tính vào năm 2020, nếu cộng lượng phát thải của các quốc gia trên với phát thải do vận tải quốc tế đưa ra môi trường thì tỷ trọng này chiếm khoảng 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết lượng khí thải các-bon liên quan đến năng lượng toàn cầu đã tăng 0,9% (tương đương 321 triệu tấn) vào năm 2022, đạt mức cao mới là hơn 36,8 tỷ tấn.
Ngoài năng lượng, UNDP đề cập đến việc xem xét các chuyển đổi cần thiết trong 2 lĩnh vực khác có lượng phát thải các-bon cao, đó là: công nghiệp, giao thông vận tải. Trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), đề xuất, thực hiện và kiểm kê định kỳ là những nội dung chính đặt ra giới hạn ràng buộc về giảm phát thải các-bon. Việc giảm lượng khí thải các-bon có thể bằng cách: Sử dụng ít năng lượng hơn hoặc sử dụng năng lượng các-bon thấp hơn. Ngoài ra, các gói chính sách về tài chính dành cho hoạt động đổi mới kinh doanh xanh của các quốc gia đóng vai trò hỗ trợ, tạo động lực doanh nghiệp trong việc áp dụng đầu tư vào giảm phát thải các-bon. Đồng thời, thông qua hoạt động trồng lại rừng, cải tạo đất cũng góp phần hấp thụ đáng kể lượng các-bon trong khí quyển.
2. Thực trạng và những khó khăn cho doanh nghiệp Việt
Bắt nhịp xu hướng giảm phát thải các-bon trên thế giới với Thỏa thuận Paris về các biện pháp giảm các-bon từ năm 2020, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia giảm phát thải các-bon xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015 và nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ sau cam kết tại COP26. Trong những năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào giảm phát thải các-bon trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu trên thị trường Việt Nam là Vinamilk và Hòa Phát.
2.1. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)
Là doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam, trong báo cáo phát triển bền vững năm 2022, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận mang lại từ hoạt động sản xuất kinh doanh, Vinamilk cũng hướng đến các mục tiêu về khí hậu thông qua 8 biện pháp giảm phát thải, bao gồm: (1) Quản lý hiệu quả nguồn thải và chất thải; (2) Quản lý tài nguyên đất bền vững; (3) Ứng dụng kinh tế tuần hoàn; (4) Bảo vệ đa dạng sinh học; (5) Đẩy mạnh năng lượng xanh và bền vững;, (6) Đầu tư vào công nghệ thân thiện môi trường; (7) Hợp tác cùng đạt mục tiêu; (8) Trồng cây.
Vòng kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị của Vinamilk
(Nguồn: Báo cáo Phát triển bền vững, 2020)
Với tổng ngân sách là 15 tỷ đồng, hoạt động trồng cây là giải pháp hấp thụ các-bon được Vinamilk triển khai trong thời gian qua. Bên cạnh đó, sau 03 năm triển khai, hệ thống năng lượng mặt trời của Vinamilk đã gặt hái một số thành công khi xây dựng 11 nhà máy và 13 trang trại với công suất lần lượt đạt 8 và 11 triệu kWh/năm. Hiện nay, 100% trang trại và nhà máy đã hoàn thành đo lường và kiểm kê phát thải các-bon theo tiêu chuẩn ISO 14064.
2.2. Tập đoàn Hòa Phát
Tập đoàn Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm. Trong báo cáo thường niên năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát, đã dành 20-30% tổng vốn cố định cho các hạng mục xử lý môi trường, giảm phát thải các-bon hướng tới sản xuất thép xanh.
Quy trình sản xuất thép khép kín thân thiện môi trường của Tập đoàn Hòa Phát
(Nguồn: Báo cáo thường niên, 2021)
Hiện nay, các công đoạn trong quy trình sản xuất thép của doanh nghiệp đều ứng dụng công nghệ mới, trang thiết bị sản xuất tiên tiến, trình độ tự động hóa cao và đảm bảo các quy định về BVMT. Toàn bộ bụi từ các hệ thống lọc bụi đều được thu hồi tuần hoàn chuyển sang công đoạn thiêu kết để làm nguyên liệu. Hòa Phát có 2 khu liên hợp sản xuất gang thép chính là Dung Quất (Quảng Ngãi) và Kinh Môn (Hải Ddương).
Tại Dung Quất, khu liên hợp với công suất sản xuất gang thép trên 5 triệu tấn/năm, có gần 82 ống khói thải đi kèm là các hệ thống lọc bụi, xử lý khí thải. Năm 2023, theo Bbáo cáo đánh giá tác động môi trường mới nhất của dự án, hệ thống lọc bụi túi vải được lắp đặt tại khu vực Nhà máy Vôi xi măng, Nhà máy luyện gang, Nhà máy luyện thép, Nhà máy thiêu kết vê viên, Nhà máy nhiệt điện, Nhà máy nguyên liệu, Nhà máy luyện coke. Ngoài ra, các Nhà máy nhiệt điện, thiêu kết, vê viên, luyện thép còn có thêm hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống lọc bụi trọng lực, lọc bụi tĩnh điện, xử lý NOx, xử lý Dioxin/Furan. Bên cạnh đó, dự án đã lắp đặt 14 trạm quan trắc tự động, liên tục khí thải và nước thải và truyền dữ liệu về Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi để giám sát các chỉ số môi trường trong quá trình hoạt động.
Với Kinh Môn, khu liên hợp tại Hải Dương được trang bị dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ các nước G7, thân thiện với môi trường. Theo tính toán thống kê, hiệu suất lọc bụi đạt 99,5-99,9%, kiểm kê chất lượng khí thải đầu ra của hệ thống đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định tại QCVN 19:2009/BTNMT, QCVN 05:2013/ BTNMT, QCVN 51:2017/BTNMT.
Đồng thời, để đầu tư vào giảm phát thải các-bon, ngoài việc tuân thủ hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015 và hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch thực hiện phủ xanh khoảng 47 ha cây xanh trong khuôn viên các khu liên hợp.
2.3. Những khó khăn nhất định
Mặc dù đã đạt được những thành tựu trong việc đầu tư giảm phát thải các-bon, tuy nhiên, Vinamilk, Hòa Phát và các doanh nghiệp khác trên thị trường vẫn gặp không ít khó khăn trong thúc đẩy đầu tư vào giảm thải các-bon, phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thứ nhất, tốc độ giảm phát thải các-bon còn khá chậm. Đây là thực trạng với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam trong kế hoạch đầu tư đối với mục tiêu giảm phát thải các-bon. Điều này đến từ việc triển khai còn manh mún, chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong cách thức thực hiện giữa các doanh nghiệp.
Thứ hai, để thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một thách thức với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nỗ lực tiếp cận đổi mới phương thức kinh doanh. Trong đó, tiếp cận vốn xanh để phát triển và ứng dụng công nghệ xanh là khó khăn chính trong đầu tư phục vụ giảm phát thải các-bon ở các doanh nghiệp.
Thứ ba, thực trạng doanh nghiệp đầu tư vào giảm phát thải các-bon trên thị trường là chưa nhiều. Đa phần những doanh nghiệp chủ động thực hiện là các doanh nghiệp quy mô lớn, có quan hệ đối tác kinh doanh với nước ngoài. Mặt khác,ột phần do doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế trong việc tìm hiểu, triển khai phương thức hoạt động đầu tư; một phần đến từ trình độ nhân sự có chất lượng chưa cao nên quá trình tiếp cận các tiêu chuẩn và công cụ đạt hiệu quả thấp.
3. Đề xuất cho Việt Nam
Tại Việt Nam, giảm phát thải các-bon là một trong những chính sách quan trọng trong kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Theo Chiến lược quốc gia, với mục tiêu giảm phát thải các-bon theo lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, một số kế hoạch đã được đặt ra đối với các lĩnh vực sau:
Lĩnh vực |
Mục tiêu |
Biện pháp |
Năng lượng (cung cấp năng lượng) |
Không phát thải đối với các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát. |
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ có chọn lọc, mở rộng một số thủy điện vừa và lớn. Phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng và hấp thụ các-bon. Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Trong đó, nâng công suất các nhà máy điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, phát triển các công nghệ nhiên liệu hydro, amoniac, công nghệ năng lượng thủy triều, sóng biển. |
Năng lượng (sử dụng năng lượng) |
Thúc đẩy ngành công nghiệp sử dụng năng lượng sạch. Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông xanh. |
Sử dụng vật liệu ít phát thải khí nhà kính. Áp dụng các tiêu chuẩn tiêu hao nhiên liệu và định mức phát thải . Tăng dần tỷ lệ sản xuất và lưu hành phương tiện giao thông sử dụng điện, hydro. |
Nông nghiệp |
Phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Áp dụng các biện pháp tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. |
Chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng phát thải thấp. Tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và xử lý chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ, tạo khí sinh học. Thay thế phân urê bằng các loại phân bón phát thải thấp. |
Lâm nghiệp và sử dụng đất |
Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên. Nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng. |
Kiểm soát nghiêm ngặt chuyển đổi rừng, mất rừng và suy thoái rừng để giảm phát thải các-bon. Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa để tăng cường hấp thụ các-bon. Nâng cao chất lượng, trữ lượng các-bon rừng tự nhiên nghèo thông qua trồng bổ sung, làm giàu rừng nhằm tăng hấp thụ các-bon. |
Chất thải |
Phát triển các mô hình xử lý và nâng cao ý thức trong hoạt động tổng hợp chất thải rắn. |
Áp dụng các biện pháp tiên tiến trong xử lý chất thải rắn như chôn lấp có thu gom khí các-bon. Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải. |
Công nghiệp |
Cải tiến, phát triển và ứng dụng công nghệ. |
Áp dụng công nghệ thu giữ các-bon trong các lĩnh vực sản xuất xi măng, hóa chất - phân bón và luyện thép. |
(Nguồn: Quyết định 896/QĐ-TTg)
Nhìn chung, nước ta đã thiết lập những nội dung cơ bản trong các lĩnh vực để định hướng thực hiện yêu cầu về giảm khí thải nhà kính nói chung và giảm phát thải các-bon nói riêng. Trong thời gian tới, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giảm phát thải các-bon nên dựa trên việc mở rộng ở 3 khía cạnh:
Một là, mở rộng khung chương trình về đầu tư giảm phát thải các-bon như một kênh thông tin để doanh nghiệp cập nhật khuôn khổ tiêu chuẩn trong quá trình triển khai thực hiện và xây dựng kênh trao đổi/phản hồi/góp ý nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa các lĩnh vực và tính thống nhất trong toàn nền kinh tế.
Hai là, mở rộng ứng dụng công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là những công cụ công nghệ mới đã được các quốc gia triển khai thực hiện thành công như công nghệ theo dõi lượng phát thải các-bon. Để thực hiện được điều này, cần có nhiều hơn những nghiên cứu ứng dụng và báo cáo đánh giá tác động trong ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, không ngừng đào tạo kiến thức và nâng cao kỹ năng của người lao động trong vận hành công nghệ xanh tại cơ sở doanh nghiệp để đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ sau triển khai đạt kết quả trong thời gian ngắn nhất.
Ba là, mở rộng sự phát triển của tài chính xanh quốc gia. Chính sách này cần khai thác ở 4 khía cạnh: (1) nới lỏng tỷ trọng tín dụng xanh;, (2) thắt chặt dần nguồn vốn cho các ngành phát thải cao; (3) tăng đầu tư cho các quỹ tín dụng BVMT; (4) công nghiệp xanh và ( tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động kinh doanh bảo hiểm xanh.
Ngoài ra, Chính phủ nên có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, tăng cường đánh giá thường xuyên các Dự án hoạt động liên quan đến năng lượng tái tạo, tránh tình trạng dư thừa, tràn lan, không hiệu quả tại một số địa phương; tập trung theo dõi, giám sát lượng phát thải các-bon ra môi trường để có điều chỉnh kịp thời trong các lĩnh vực có tác động trực tiếp như: năng lượng, công nghiệp và giao thông vận tải.
4. Kết luận
Mục tiêu giảm phát thải các-bon không chỉ là vấn đề của một doanh nghiệp, mà còn là mục đích trong chiến lược kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, đảm bảo hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Trong hành trình giảm thiểu “dấu chân các-bon” sắp tới vẫn cần sự chủ động, chung tay của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ trên nhiều khía cạnh chính sách liên quan đến: tín dụng xanh, công nghệ xanh, năng lượng xanh và hoàn thiện khung chương trình để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giảm phát thải các-bon, hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2024)
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo phát triển bền vững Vinamilk năm 2022. Tham khảo tại: https://www.vinamilk.com.vn/phat-trien-ben-vung/bao-cao/2022/index.html.
2. Báo cáo thường niên Tập đoàn Hòa Phát năm 2021. Tham khảo tại: https://file.hoaphat.com.vn/hoaphat-com-vn/2022/04/bao-cao-thuong-nien-2021.pdf.
3. Chen, X., and Zhigang, C.. (2021). “Can Green Finance Development Reduce các-bon Emissions? Empirical Evidence from 30 Chinese Provinces”, Sustainability, No.21. https://doi.org/10.3390/su132112137.
4. International Energy Agency (IEA). World Energy Outlook 2022: Part of World Energy Outlook. Available at https://www.iea.org/reports/world-energy-outlook-2022.
5. United Nations Development Programme (UNDP). Annual Report 2022. Available at https://www.undp.org/sites/g/files/zskgke326/files/2023-04/Annual-Report-2022.pdf.