30/10/2024
Theo Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định, hoạt động điều tra, khảo sát phục vụ lập hành lang bảo vệ nguồn nước là hoạt động điều tra cơ bản (Điều 9), tại khoản 4 Điều 29 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 cũng quy định việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước được cơ quan có thẩm quyền ban hành, gây khó khăn cho công tác lập, thẩm định và triển khai thực hiện. Do đó, để phù hợp với Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy phạm pháp luật cũng như thực tiễn yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước là rất cần thiết.
1. Quy định về lập hành lang bảo vệ nguồn nước
Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định, nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm các nguồn nước quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Tài nguyên nước bao gồm: Hồ, ao, đầm, phá trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp có diện tích mặt nước từ 2 ha trở lên. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định đưa vào Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ, ao, đầm, phá trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp có diện tích mặt nước nhỏ hơn 2 ha. Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 23 Luật Tài nguyên nước bao gồm: Đoạn sông, suối, kênh, mương rạch là nguồn cung cấp nước của công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất; Đoạn sông, suối bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở; Sông, suối, kênh, mương, rạch liên huyện, liên tỉnh là trục tiêu, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp; Đoạn sông, suối, kênh, rạch bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, cần cải tạo, phục hồi nguồn nước; Sông, suối, kênh, rạch gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông.
Căn cứ xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định tại Điều 22 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP bao gồm: Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước. Đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn, môi trường, sinh thái; diễn biến lòng dẫn, bờ sông, suối, kênh, mương, rạch. Các quy định cụ thể về phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước tại các Điều 23, 24 và 25 của Nghị định, cụ thể: Tại Điều 24: Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước quy định như sau: Không nhỏ hơn 10 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung; Không nhỏ hơn 5 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung; Trường hợp đoạn sông, suối, kênh, rạch bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở, UBND cấp tỉnh căn cứ vào diễn biến lòng dẫn, tình trạng sạt lở để quyết định phạm vi hành lang bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế các nguyên nhân gây sạt lở bờ, bảo vệ sự ổn định của bờ. Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước quy định như sau: Không nhỏ hơn 20 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung; Không nhỏ hơn 15 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung…
Điều 25 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP cũng quy định: Đối với hồ, ao, đầm, phá được xác định trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp thì phạm vi không nhỏ hơn 10 m tính từ mép bờ, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này. Đối với hồ thủy điện, thủy lợi trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp thì phạm vi hành lang thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP. Đối với đầm, phá tự nhiên và các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 30 m tính từ mép bờ. Trường hợp nguồn nước nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên hoặc nằm trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa…
2. Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước
Nhằm bảo đảm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP được triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước. Theo đó, các nội dung thực hiện lập hành lang bảo vệ nguồn nước gồm các nội dung: (i) Lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; (ii) Xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước khác theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP; (iii) Thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Dự thảo Thông tư gồm 3 Chương, 29 Điều, cụ thể: Chương I. Quy định chung gồm 4 Điều; Chương II. Quy trình kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước, gồm 23 Điều; Chương III. Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều. Trong đó, Chương I. Quy định chung: Chương này quy định những nội dung về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; các nội dung thực hiện lập hành lang bảo vệ nguồn nước. Chương II. Quy trình kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước gồm 3 mục. Mục 1: Lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm 9 điều từ Điều 5 đến Điều 14: Quy trình kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước; Thu thập, rà soát dữ liệu, thông tin liên quan; Điều tra, khảo sát phục vụ lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; Tổng hợp, chỉnh lý số liệu thu thập và điều tra thực địa; Phân tích, xác định nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước, xác định các đoạn sông để xác định chức năng hành lang bảo vệ và phạm vi hành lang bảo vệ của từng nguồn nước; Lập bản đồ nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; Lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước và hồ sơ phục vụ lấy ý kiến, trình phê duyệt…
Mục 2 của Chương II quy định: Xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước khác theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP bao gồm 6 điều từ Điều 15 đến Điều 20: Quy trình kỹ thuật xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước khác theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP; Cập nhật các văn bản, dữ liệu và thông tin, số liệu liên quan; Khảo sát thực tế các vị trí dự kiến cắm mốc; Tổng hợp, xử lý các thông tin thu thập và phân tích các điều kiện, mức độ khó khăn của việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; Xây dựng nội dung của phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước khác theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP; Chuẩn bị hồ sơ phục vụ trình phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Mục 3: Thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước bao gồm 7 Điều, từ Điều 21 đến Điều 27 gồm: Quy trình kỹ thuật thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; Công tác chuẩn bị; Đưa vị trí mốc trên bản đồ ra thực địa, đánh dấu phục vụ thi công; Chuẩn bị mốc, ghi số hiệu mốc; Thi công cắm mốc, đo tọa độ mốc; Kiểm tra, nghiệm thu và giao nộp sản phẩm; Cập nhật mốc hành lang bảo vệ nguồn nước vào Hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
Vũ Nhung
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2024)