25/07/2025
Ngày 21/7/2025, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” làm việc với Bộ Công Thương. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: ĐBND
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, giai đoạn 2022 - 2024, tổng ngân sách sự nghiệp môi trường được giao cho Bộ chỉ đạt 36,85 tỷ đồng, tương đương hơn 12 tỷ đồng/năm. Với mức kinh phí này, bộ không thể triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao. Nhiều nhiệm vụ bị kéo dài, thậm chí bị loại bỏ, gây lãng phí và giảm hiệu quả thực thi. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp do bộ quản lý như hóa chất, thép, nhiệt điện, khai khoáng… phát sinh lượng chất thải lớn và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Thời gian qua, dù Bộ đã có nhiều nỗ lực kiểm soát rủi ro, đánh giá tác động môi trường tại các trung tâm điện lực và ngành công nghiệp trọng điểm, song Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP lại không quy định trách nhiệm kiểm tra việc bảo vệ môi trường của bộ đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp. Đây là một trong những hạn chế của hệ thống pháp luật đối với công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, làm giảm hiệu lực, hiệu quả và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác này.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cũng chỉ ra, các vấn đề đáng lo ngại khác là tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện còn rất thấp. Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động hiện mới đạt 31,5% (228/724 cụm).
Ngoài ra, lượng tro xỉ và thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện năm 2024 ước tính tồn đọng khoảng 51,4 triệu tấn. Dù đã có các phương án tái sử dụng, như hoàn nguyên mỏ hoặc làm đường giao thông, nhưng do thiếu quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật, các giải pháp này chưa thể triển khai.
Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính - một nhiệm vụ quan trọng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, dữ liệu quy mô lớn và kinh phí lớn. Tuy nhiên, hiện nay, cả nguồn kinh phí lẫn chất lượng nguồn nhân lực đều chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Trước những khó khăn và thách thức đang đặt ra, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, sửa đổi toàn diện Nghị định 08/2022/NĐ-CP, bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng, gắn với nguồn lực và cơ chế phối hợp hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, ngành Công Thương không chỉ đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế mà còn gánh vác trách nhiệm đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường. Với phạm vi quản lý bao trùm các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp nặng, chế biến, lưu thông hàng hóa đến xuất nhập khẩu, mọi chính sách và hoạt động của ngành đều gắn chặt với yêu cầu phát triển bền vững.
Ghi nhận những nỗ lực của Bộ trong tham mưu xây dựng các chiến lược lớn như Quy hoạch điện VIII, Chiến lược chuyển đổi năng lượng…, Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, công tác bảo vệ môi trường phải trở thành điều kiện tiên quyết, là thước đo cho sự phát triển bền vững của chính ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, nhất là tuân thủ và tổ chức thực hiện đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, cần chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật, nghị định để tháo gỡ những vướng mắc, “điểm nghẽn” chính sách hiện nay. Bộ khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp, địa phương thực hiện, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, khiến nhiều nội dung không thể triển khai trên thực tế. Đặc biệt, Bộ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn trong chuyển dịch năng lượng và kiểm soát ô nhiễm trong sản xuất điện. Việc triển khai Quy hoạch điện VIII phải gắn với phát triển điện tái tạo, điện sinh khối, điện rác và giảm dần thực chất các nhà máy nhiệt điện than.
Về xử lý tro xỉ, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn tiềm ẩn rủi ro chính trị nếu không kiểm soát tốt. Do đó, cần đánh giá chính xác lượng tồn đọng, sớm có giải pháp xử lý phù hợp và tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.
Chí Viễn