Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Chuyển đổi công nghệ hướng tới phát triển bền vững ngành xi măng

10/10/2024

    Ngày 10/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội xi măng Việt Nam, Tổng Công ty xi măng Việt Nam, Viện Vật liệu xây dựng và Tập đoàn Sinoma tổ chức Hội nghị chuyên đề về Công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, đồng thời hướng tới phát triển bền vững ngành xi măng, đảm bảo xu hướng phát triển xanh toàn cầu, thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, địa phương; lãnh đạo các hội, hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành; đại diện các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế.

    Áp dụng khoa học công nghệ hướng tới phát triển bền vững ngành xi măng

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay, Việt Nam có 92 dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư với tổng công suất 122 triệu tấn/năm. Các dây chuyền đầu tư từ năm 2011 đến nay đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới đạt tiêu chuẩn Châu Âu. Trung bình hàng năm, doanh thu từ lĩnh vực xi măng đã đóng góp hơn 5 tỷ USD cho GDP của Việt Nam. Ngoài việc cung cấp đủ nhu cầu thị trường trong nước, sản phẩm xi măng của Việt Nam đã xuất khẩu sang trên 30 nước trên thế giới như: Mỹ, Philippines, Singapore, Nam Phi, Pháp, Hà Lan, Australia, New Zealand, Hàn Quốc...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị

    Bên cạnh các đóng góp tích cực, ngành xi măng cũng còn có hạn chế là sử dụng nhiều năng lượng. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã chỉ đạo phát triển ngành xi măng theo hướng tăng cường tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tận dụng các nguồn rác thải để làm nguyên, nhiên liệu thay thế… cụ thể đã quy định tại Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; và các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, công nghiệp, môi trường.

    Đến nay, Việt Nam đã có 34 dây chuyền sản xuất clanhke xi măng đầu tư hệ thống phát điện nhiệt khí thải lò nung xi măng đã đi vào hoạt động, với tổng công suất phát điện khoảng 248 MW và có 16 dây chuyền đang đầu tư, với tổng công suất khoảng 80 MW. Việc đầu tư hệ thống phát điện nhiệt khí thải lò nung xi măng đã giảm được 25-30% chi phí điện năng. Đồng thời, có khoảng 10 dây chuyền đầu tư sử dụng nhiên liệu thay thế than, như: vải vụn, mảnh nhựa, ni-lon, cao su vụn, dăm gỗ, lốp xe, da giày, nhựa, rác thải, bã điều, vỏ cây, trấu, dầu thải và các dung môi...

    Cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học công nghệ ứng dụng gần đây về các hệ thống phát điện nhiệt dư (chu trình Rankine, Rankine hữu cơ ORC, tái nhiệt xuyên áp suất kép…) với các cải tiến nồi hơi nhiệt dư, tua bin hơi, máy phát điện (tua bin hơi nước, thủy lực, tua bin khí, diesel), hệ thống ngưng tụ nước, hệ thống khử khí, hệ thống cấp nước, hệ thống khử khoáng và hệ thống điều khiển điện, nhiệt tương thích; đồng thời công nghệ đốt rác thải thay thế nhiên liệu tại dây chuyền sản xuất clanhke cũng khá đa dạng, có các loại Đĩa quay (Hotdisk FLS), Thùng quay (Pyrotor KHD), Bậc kiểu Prepol SC-Thyssenkrupp, Khí hoá kiểu Saphia Technology,…

    Việc áp dụng khoa học công nghệ kịp thời sẽ là một trong các giải pháp hữu hiệu để góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển xi măng như: Đến năm 2025, các nhà máy xi măng có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clanhke/ngày, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng lớn, phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2021-2030, các nhà máy xi măng phải sử dụng công nghệ tiên tiến với mức tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất để đạt các chỉ tiêu kỹ thuật: tiêu hao nhiệt năng ≤ 730 kcal/kg clanhke; tiêu hao điện năng ≤ 90 kWh/tấn xi măng; và yêu cầu phát thải: CO2 ≤ 650 kg/tấn xi măng; SO2 ≤ 100 mg/Nm3; NO2 ≤ 400 mg/Nm3; Bụi ≤ 20 mg/Nm3. Đồng thời, sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clanhke xi măng.

    Tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng

    Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày chuyên sâu của Tổng Công ty xi măng Việt Nam và Tập đoàn Sinoma về công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong các nhà máy xi măng. Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các vấn đề cốt lõi, nguyên lý vận hành, các thiết bị chủ yếu của các loại hình công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong sản xuất xi măng; Lựa chọn đầu tư với công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu phù hợp với các loại hình nhà máy sản xuất xi măng ở Việt Nam; những khó khăn, vướng mắc về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để làm chủ các công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu trong sản xuất xi măng ở Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị

    Để tăng cường sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; sử dụng tối đa các chất thải, phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu trong quá trình sản xuất xi măng, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển xi măng bền vững; Ban hành các chính sách ưu đãi về đầu tư hệ thống phát điện nhiệt thừa, sử dụng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, phế thải một số ngành công nghiệp làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.

    Các địa phương giải quyết kịp thời các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời cần có các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống phát điện nhiệt thừa, sử dụng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, phế thải một số ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao… làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.

    Các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đổi mới công nghệ, thiết bị để tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Đầu tư các hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư để sử dụng cho sản xuất, tiết giảm chi phí điện năng, giảm phát thải; Đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu để giảm chi phí nhiên liệu trong sản xuất. Kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện về Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, các Hiệp hội để có giải pháp tháo gỡ phù hợp.

    Các nhà khoa học tăng cường phối hợp với các cơ sở sản xuất xi măng để triển khai các đề tài nghiên cứu, làm chủ công nghệ chuyển đổi nhiệt khí thải thành điện và chuyển đổi rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn