09/09/2024
Nhằm thúc đẩy hợp tác, tạo sự đồng thuận và tìm kiếm các giải pháp khả thi để ứng phó với thách thức trong quá trình phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững trên những cảnh quan khác nhau, từ ngày 9 - 12/9/2024, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Chương trình Tác động đến hệ thống lương thực thực phẩm, sử dụng đất và phục hồi (FOLUR) của Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn khu vực về “Canh tác lúa phát thải thấp - Hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan”. Diễn đàn quy tụ hơn 120 đại biểu, trong đó có 70 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia thành viên Chương trình FOLUR (Anh, Ấn Độ, Bangladesh, Benin, Bhutan, Burkina Faso, Canađa, Công gô, Chad, Inđônêxia, Hoa Kỳ, Kenya, Nigeria, Nhật Bản, Pakistan, Pháp, Philippin, Trung Quốc, Tanzania, Thái Lan, Sri Lanka, Úc, Ý, Việt Nam), cũng như đại diện từ các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và các bên liên quan. Ngoài ra còn có 50 đại biểu Việt Nam đến từ các Bộ, ban, ngành, đại diện địa phương và chuyên gia từ đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc cùng tham dự.
Hiện nay, thế giới sản xuất khoảng 524 triệu tấn gạo/năm, đây là nguồn lương thực chính, gạo cung cấp 20% lượng calo trên toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực; ngành lúa gạo cũng là nguồn cung cấp việc làm quan trọng cho người nghèo ở nông thôn. Những hộ nông dân nhỏ sản xuất đến 80% lượng gạo của thế giới và 144 triệu người trên toàn thế giới là nông dân trồng lúa. Con số này chưa bao gồm hàng trăm triệu người trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào chuỗi giá trị lúa gạo để kiếm sống. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo cũng tạo ra 4,3% lượng khí thải nhà kính trong hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu và 16% lượng khí thải mê-tan trong nông nghiệp. Vì mê-tan là loại khí nhà kính (KNK) tồn tại trong thời gian ngắn và có khả năng làm nóng toàn cầu cao, nên việc giảm phát thải từ sản xuất lúa gạo có thể tác động nhanh chóng đến việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH). Như vậy, công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trên thế giới dù đạt được nhiều thành quả song vẫn phái đối diện với nhiều thách thức như tác động khó lường của biến đổi khí haaujl sự khan hiếm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, dịch bệnh, xung đột chính trị... Theo các báo cáo của FAO, có khoảng 828 triệu người bị đói, chiếm khoảng 10% dân số toàn thế giới và hơn 80% số người nghèo cùng cực đang sống ở các vùng nông thôn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ đạt được các mục tiêu bền vững (SDG) vào năm 2062, chậm hơn 3 thập kỷ so với kế hoạch. Do đó, vai trò của ngành lúa gạo trong việc ứng phó với BĐKH đang ngày càng nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà hoạch định chính sách và xã hội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh lúa nước lâu đời, là nơi sản xuất ra nhiều giống gạo ngon trên thế giới; luôn tích cực nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống gạo, phù hợp với nhu cầu của từng thị trường, thích ứng với tác động của BĐKH trong khi vẫn duy trì, đảm bảo chất lượng. Trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2023 do The Rice Trader tổ chwucs tại Philippin, gạo Việt Nam đã được vinh danh giải Nhất “Gạo ngon nhất thế giới”. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH mà còn là nguồn gây phát thải KNK đáng kể. Theo số liệu kiểm kê KNK năm 2016 do Bộ TN&MT công bố, phát thải ròng của lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 (13,9%), trong khi ngành lĩnh vực nông nghiệp phát thải 62% khí mê-tan trong tổng phát thải mê-tan quốc gia và 75% phát thải trong nông nghiệp là từ canh tác lúa nước - Loại cây trồng chủ lực của nông nghiệp.
Quang cảnh Diễn đàn
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với BĐKH và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế một cách có trách nhiệm như cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm (UNFSS), Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu tại COP26 và COP28: Cam kết Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tham gia sáng kiến Phát thải thấp khí mê-tan toàn cầu; cam kết thực hiện Tuyên bố Glasgrow về rừng và sử dụng đất; tham gia Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp bền vững, Hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và Hành động vì khí hậu. Trong bối cảnh mới hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu người tiêu dùng và tác động của BĐKH, ngành lúa gạo Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất và chuỗi giá trị lúa gạo. Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023. Mục tiêu chung của Đề án là tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, BVMT, thích ứng với BĐKH và giảm phát thải KNK.
Theo Vụ trưởng Nguyên Đỗ Anh Tuấn, để thực hiện thành công Đề án, cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ các cơ quan phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Cùng đó, tiếp cận tài chính trở thành một yếu tố then chốt giúp nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo có thể đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế. Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với các nước trên thế giới thông qua hợp tác Nam - Nam trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Diễn đàn khu vực về Canh tác lúa phát thải thấp - Hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan” sẽ là cơ hội để tất cả chúng ta trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chính sách để thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính, khoa học, công nghệ, tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối, thương mại… theo hướng phát thải thấp, bền vững cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị lúa gạo nói riêng và hệ thống lương thực thực phẩm nói chung.
Bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia, Lào chia sẻ, hỗ trợ của WB cho các dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã đạt được nhiều kết quả khả quan tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện khả năng phát triên sản xuất lúa gạo phát thải thấp, chất lượng cao. Theo đó, lợi nhuận tại các mô hình thí điểm tăng 30% trong khi chi phí sản xuất giảm xuống 25% và lượng CO2 giảm khoảng 1,5 triệu tấn. Điều này cho thấy, Chương trình 1 triệu ha lúa có thể đảm bảo sự thay đổi mang tinh cách mạng đối với sản xuất lúa, thu hút sự tham gia của tư nhân để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải và BVMT của Việt Nam.
Diễn đàn khu vực về “Canh tác lúa phát thải thấp - Hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan” sẽ diễn ra từ ngày 9 - 12/9, bao gồm 3 ngày họp tại Hà Nội và 1 ngày đi thực tế tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định để tìm hiểu về chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững và phát thải thấp. Trong 3 ngày họp, các đại biểu tham dự sẽ được lắng nghe các tham luận và tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh một số nội dung chính như: Giới thiệu Chương trình FOLUR toàn cầu; tổng quan về Quỹ Môi trường toàn cầu; giới thiệu về lúa trên các cảnh quan; giới thiệu các dự án lúa của các quốc gia tham gia chương trình; Đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp; thực tiễn về canh tác lúa phát thải thấp ở Việt Nam (thách thức, cơ hội); ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo phát thải thấp - Kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình; tiến bộ của WB trong sản xuất lúa gạo phát thải thấp tại Đông Á; lồng ghép giới trong sản xuất lúa gạo; chuyển sang một hành tinh đáng sống - Động lực, chính sách và chi phí cho sản xuất lúa gạo phát thải thấp; hướng tới phát thải ròng bằng 0 - Bài học để xây dựng một hành tinh đáng sống; định hướng lại các ưu đãi và chi phí cho sản xuất lúa gạo phát thải thấp - Các sáng kiến toàn cầu; thúc đẩy sản xuất lúa gạo phát thải thấp tại Đông Á: Cách tiếp cận theo chương trình có nhiều giai đoạn. Cùng với đó là những giải pháp của khu vực tư nhân: Quan điểm đối với chuỗi giá trị và giải pháp cho sản xuất lúa gạo bền vững; thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo bền vững: Bài học từ cảnh quan về tiêu chuẩn, tài chính và kỹ thuật; tiêu chuẩn, chứng nhận và hệ thống truy xuất nguồn gốc lúa gạo Thái Lan; hệ sinh thái lúa gạo bền vững, phát triển: Giải pháp thuận thiên để giảm phát thải; liên kết sản xuất lúa bền vững phát thải thấp giữa doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận nhóm nhằm phản ánh, trao đổi từ chuyến tham quan thực địa; trao đổi giữa các dự án quốc gia về lúa gạo phát thải thấp... Trong chuyến tham quan thực tế tại Thái Bình, Nam Định, các đại biểu sẽ có cơ hội trao đổi trực tiếp cùng nông dân đang canh tác tại cánh đồng huyện Vũ Thư và Kiến Xương; tham quan các hợp tác xã và Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed; tham quan cảnh quan đặc trưng của đồng bằng sông Hồng cũng như hệ thống thủy lợi và Trạm bơm Hữu Bị...
Gia Linh