Hệ thống thông tin giám sát tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với chất lượng môi trường nước mặt lục địa
15/09/2015
Hệ thống thông tin giám sát tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD) đối với chất lượng môi trường nước mặt lục địa được xây dựng dựa trên nghiên cứu phương pháp tương quan trong giám sát, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt lục địa dưới tác động của BĐKH và NBD. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thông số nhiệt độ không khí và EC, NO3-, DO, SO42- lượng mưa và TSS, pH, EC, độ kiềm, SO42-; bốc hơi và EC, độ kiềm, pH, DO, NO3-,TN tương quan mạnh (r> 0,45); tương quan trung bình đến khá (r = 0,30÷0,45) giữa nhiệt độ không khí và pH, độ kiềm; lượng mưa và DO; bốc hơi và SO42-. Kết hợp với các số liệu về quan trắc giám sát chất lượng môi trường nước mặt, các số liệu khí tượng thủy văn, các số liệu về tải lượng nguồn thải trên từng mặt cắt sông theo các kịch bản biến đổi môi trường nước mặt khác nhau (vùng chịu tác động của thủy triều; vùng ngập lụt và vùng ngập lợ)… cho khu vực thí điểm là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Như vậy có thể thấy, đây là Hệ thống tiên phong trong cảnh báo chất lượng môi trường nước mặt lục địa dưới tác động của BĐKH và NBD. Mặt khác, một trong những thách thức đối với các nhà nghiên cứu BĐKH hiện nay là có thể lượng hóa được ảnh hưởng của BĐKH đến chất lượng môi trường nước… Qua tìm hiểu, nghiên cứu Trung tâm Quan trắc Môi trường đã kết hợp mô hình WAP (mô hình chuyên về phân tích, xử lý và dự báo chất lượng môi trường nước trên từng mặt cắt sông) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhằm phân tích, xử lý và biểu diễn kết quả giám sát chất lượng môi trường nước mặt.
Ví dụ: Sự thay đổi N-NO3 trong khoảng thời gian từ 1/1/2012 đến 1/1/2013 cho kịch bản khi nhiệt độ trung bình tăng cao được mô phỏng trong Hệ thống.
Trong đó:
WASP 1 (kịch bản gốc): Kết quả chạy thông số N-NO3 từ mô hình WASP tại thời điểm nhiệt độ (t) trung bình tháng: t1 = 27.1 0C; t2=25.5 0C; t3=25.8 0C; t4=25.7 0C; t5=26 0C; t6= 26.5 0C; t7=26.4 0C; t8=26 0C; t9=25.8 0C; t10=27.6 0C; t11=26.3 0C; t12=25 0C
WASP 2 (tăng nhiệt độ trung bình tháng lên 0,5 0C): Kết quả chạy thông số N-NO3 từ mô hình WASP khi tăng nhiệt độ trung bình /tháng: t1 = 27.1 0C; t2=26.1 0C; t3=26.3 0C; t4=26.2 0C; t5=26.5 0C; t6= 27 0C; t7=26.9 0C; t8=26.5 0C; t9=26.3 0C; t10=28.1 0C; t11=26.8 0C; t12=25.5 0C
Ngoài thể hiện kết quả tính toán bằng biểu đồ, Hệ thống còn cho phép hiển thị đồng thời các kịch bản và xem thông tin chi tiết của từng kịch bản/mỗi mặt cắt trực quan trên bản đồ. Hình 1 thể hiện đồng thời DO; N-NO3 và P-PO4… trên cùng một mặt cắt.
Hình 1: Bản đồ biểu diễn đồng thời các kịch bản trên cùng một mặt cắt
Bên cạnh đó, Hệ thống giám sát tác động BĐKH và NBD đối với chất lượng môi trường nước mặt lục địa còn cho phép xác định giá trị vượt ngưỡng cho phép theo QCVN:08 tương ứng với từng chỉ tiêu quan trắc.
Ví dụ hình 2: Tại mỗi điểm quan trắc cho phép biểu diễn thông số đạt chuẩn thể hiện bằng màu xanh; thông số không đạt chuẩn màu đỏ và thông số không được quan trắc màu xám…
Hình 2: Biểu diễn chất lượng môi trường nước tại mỗi mặt cắt theo giá trị QCVN: 08
Ngoài chức năng chính là giám sát chất lượng môi trường nước mặt lục địa, Hệ thống còn cung cấp các thông tin, dữ liệu phụ trợ khác như các thông tin về chỉ tiêu kinh tế - xã hội; thông tin về môi trường như nguồn thải, rừng ngập mặn, vườn quốc gia - khu bảo tồn… tại vùng ĐBSCL nhằm cung cấp thông tin phục vụ đa dạng đối tượng.
Mặc dù, Hệ thống đã được xây dựng cơ bản đáp ứng mục tiêu giám sát chất lượng môi trường nước mặt, tuy nhiên trong thời gian tới Trung tâm Quan trắc Môi trường tiếp tục nâng cấp, mở rộng Hệ thống nhằm không ngừng nâng cao tính ứng dụng và khả năng phân tích, đánh giá dự báo chất lượng môi trường nước mặt lục địa dưới tác động của BĐKH và NBD. Đặc biệt, khi Hệ thống được phổ cập, chia sẻ trên mạng, trên trang web sẽ là môi trường để thúc đẩy quá trình phổ cập, công khai hóa góp phần hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.
ThS. Văn Hùng Vỹ, ThS. Lê Hoàng Anh
Trung tâm Quan trắc Môi trường
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013