Đề xuất mô hình cộng đồng sinh khối hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh
15/09/2015
Ngành nông nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ chính hoạt động của nó gây ra. Điều này đi ngược lại với xu hướng phát triển bền vững. Một thực tế cho thấy, ngành này góp phần không nhỏ vào sự gia tăng khí thải nhà kính - 13,5% (IPCC, 2007) từ việc hoạt động chăn nuôi và đốt phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ (Gadde và cộng sự, 2009). Vì vậy, các nỗ lực tìm kiếm và nghiên cứu các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững đang rất được quan tâm hiện nay.
Huyện Củ Chi là khu vực ngoại thành TP. HCM, với thế mạnh phát triển nhanh chóng về tổng lượng đàn bò sữa và heo thịt. Tuy nhiên, khu vực này bộc lộ yếu tố “kém bền vững” như: sự thụ động trong cung cấp nguyên liệu đầu vào, sự thất thoát trong chuỗi sản xuất, dẫn đến hệ lụy giá cả đầu ra bấp bênh, giá trị nông sản bị định giá thấp và tình trạng ô nhiễm môi trường và sự gia tăng khí thải nhà kính (Võ Dao Chi, 2012). Trên cơ sở khái niệm CĐSK1 được giới thiệu trong Chiến lược sinh khối Nippon Nhật Bản (Nippon), bài báo trình bày kết quả nghiên cứu mô hình thử nghiệm CĐSK tại huyện, với mục tiêu định hướng xây dựng hệ thống sử dụng tài nguyên sinh khối (TNSK) bền vững, tạo cơ sở khoa học cho việc thí điểm và áp dụng với các khu vực khác. Điểm nổi bật của mô hình là nhấn mạnh vai trò của TNSK mang tính “cácbon thấp”, là cơ sở cho việc định hướng nền nông nghiệp phát thải ít cácbon bền vững so với mô hình truyền thống. Mô hình là sự tối ưu hóa và tăng hiệu quả sử dụng TNSK một cách bền vững dựa trên phương thức sản xuất và sử dụng TNSK có sẵn, nhu cầu thực tế tại địa phương và sự liên kết giữa các bên liên quan với sự tham gia mật thiết của cộng đồng.
Th.S Võ Dao Chi
Trung tâm Nghiên cứu môi trường, Viện KHXH vùng Nam bộ
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hà
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM
(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2013)