Đánh giá xu thế biến đổi chất lượng nước Sông Hương từ năm 2003 - 2012, theo không gian và thời gian bằng chỉ số chất lượng nước (WQI)
15/09/2015
Đánh giá xu thế biến đổi chất lượng nước Sông Hương từ năm 2003 - 2012, theo không gian và thời gian bằng chỉ số chất lượng nước (WQI)
Bài báo trình bày kết quả đánh giá chất lượng nước (CLN) sông Hương dựa trên chỉ số CLN (WQI) theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường. Kết quả đánh giá cho thấy giá trị WQI của nước sông Hương từ năm 2003 - 2012 khác nhau theo không gian và theo thời gian với p<0,05. Xét theo không gian, các vị trí đầu nguồn (SH1÷SH3) và cuối nguồn (SH8÷SH9) có CLN tốt hơn so với đoạn chảy qua TP. Huế (SH4÷SH7). Xét theo thời gian, CLN sông Hương đang suy giảm. Điều này được thể hiện qua sự gia tăng tỷ lệ các tháng có CLN ở mức xấu và trung bình (trong khoảng 0÷75) từ 6% ở giai đoạn 2003÷2006 lên 24% ở giai đoạn 2007÷2010 và trên 69% ở giai đoạn 2011÷2012.
Sông Hương là hệ thống sông chính ở tỉnh Thừa Thiên Huế: Sông Hương vừa là nguồn cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất, nước phục vụ hoạt động công nghiệp cho thành phố Huế và các vùng phụ cận...; Vừa là nơi tiếp nhận nước thải của các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp sản xuất, chế biến, dịch vụ và nước thải sinh hoạt của cư dân đô thị Huế; Sông Hương còn là nguồn nuôi hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, vì vậy việc quan trắc, đánh giá CLN sông Hương rất cần thiết.
Thông thường, để đánh giá CLN, người ta chủ yếu dựa vào việc phân tích các thông số riêng biệt rồi so sánh với giá trị được quy định trong quy chuẩn quốc gia hay quốc tế. Cách đánh giá này chỉ có các chuyên gia và những người làm trong lĩnh vực môi trường mới biết được, còn đối với người dân và cộng đồng dân cư rất khó nắm bắt.
Mô hình WQI (Water Quality Index) được đề xuất và áp dụng đầu tiên ở Mỹ vào những năm 1965 – 1970 và ngày càng được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, nhiều mô hình WQI đã được triển khai nghiên cứu áp dụng ở nhiều quốc gia: Ấn Độ, Canada, Chilê, Anh, Wales, Đài Loan, Úc, Malaixia. Ở Việt Nam, chỉ số CLN đã được Nguyễn Văn Hợp (ĐH Huế) [1], Tôn Thất Lãng (Trường CĐ TN&MT TP. Hồ Chí Minh) [2 [3] sử dụng đánh giá, phân loại CLN và phân vùng ô nhiễm các lưu vực sông. Vì vậy, WQI được xem là một công cụ hữu hiệu đối với các nhà quản lý môi trường trong giám sát CLN, quản lý nguồn nước, đánh giá hiệu quả BVMT… và áp dụng tin học để quản lý CLN và bản đồ hóa CLN.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, với chức năng là một trạm quan trắc môi trường quốc gia và có nhiệm vụ quan trắc CLN sông Hương hàng năm, và với bộ dữ liệu thu được trong 10 năm qua ( từ năm 2003 - 2012), chúng tôi đã áp dụng phương pháp tính chỉ số CLN WQI theo quyết định 879/QĐ-TCMT ngày 01/07/2011 của Tổng Cục Môi trường để đánh giá xu thế biến đổi CLN sông Hương ở TP. Huế.
PGS.TS. Lê Văn Thăng
ThS. Trần Đặng Bảo Thuyên
ThS. Trần Quang Lộc
Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Huế
(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2013)