14/12/2021
Khái niệm về di sản thiên nhiên
Di sản thiên nhiên có tên gọi đầu tiên là di sản chung của loài người - một khái niệm được xây dựng vào cuối thập kỉ 60 thế kỉ XX, nhằm xác lập một chế độ pháp lí quốc tế mới đối với tài nguyên của đáy biển ngoài phạm vi thềm lục địa. Sau đó, thuật ngữ di sản thiên nhiên được hình thành để chỉ các cấu trúc địa chất học, địa lí tự nhiên và các khu vực có ranh giới đã được xác định là nơi cư trú của các giống động vật và thực vật có nguy cơ bị tiêu diệt, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện khoa học hoặc bảo tồn; các cảnh vật tự nhiên hoặc các khu vực tự nhiên có ranh giới đã được xác định, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên.
Ngày 16/11/1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), UNESCO đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây là Công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo vệ di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, bảo đảm mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với nhiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới mà còn bảo vệ các di sản văn hóa của mỗi quốc gia. Công ước gồm 8 chương, 38 điều, đề cập những vấn đề hết sức quan trọng về di sản văn hóa thiên nhiên trên thế giới; trong đó có định nghĩa về di sản văn hóa và di sản thiên nhiên; Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Ủy ban Di sản thế giới).
Theo Công ước, Di sản thiên nhiên là: Các cấu tạo tự nhiên bao gồm các thành tạo vật lý hoặc sinh học hoặc các nhóm có thành tạo thuộc loại đó mà xét theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học, có giá trị nổi tiếng toàn cầu; Các thành tạo địa chất, địa văn và các khu vực được khoanh vùng chính xác làm nơi cư trú cho các loài động vật và thảo mộc bị đe dọa mà xét theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn, có giá trị nổi tiếng toàn cầu; Các di chỉ tự nhiên hoặc các khu vực tự nhiên đã được khoanh vùng cụ thể mà xét theo quan điểm khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên, có giá trị nổi tiếng toàn cầu.
Di sản thiên nhiên là khái niệm thường được dùng để phân biệt với di sản văn hóa (gồm di tích kiến trúc, di tích lịch sử... được tạo thành bởi sự tác động của con người). Di sản thiên nhiên không do con người tạo ra nhưng con người luôn đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nó. Tuỳ thuộc vào giá trị đặc biệt có tầm cỡ quốc tế về phương diện khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên, di sản thiên nhiên có thể được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Các di sản thiên nhiên được công nhận là khu bảo tồn quan trọng nhất của hành tinh, mang lại lợi ích hỗ trợ cuộc sống cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các di sản này đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác và các mối đe dọa khác. Vì vậy, Công ước Di sản thiên nhiên năm 972 đã có nhiều khuyến nghị và yêu cầu các quốc gia bảo vệ, quản lý và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên, bao gồm: Đảm bảo gìn giữ các di sản thiên nhiên một cách bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực và cấp tỉnh theo các biện pháp thích hợp và quy định bởi pháp luật; Các biện pháp bảo vệ di sản thiên nhiên cần đảm bảo sự tồn tại của di sản trước áp lực của sự phát triển và các tác động tiêu cực tới giá trị nổi bật toàn cầu, hay tính toàn vẹn và/hoặc tính xác thực của di sản; Thiết lập ranh giới di sản thiên nhiên rõ ràng trên thực địa để đảm bảo các giá trị của di sản thiên nhiên như môi trường sống của các loài, các quá trình sinh thái, các giá trị địa chất, địa mạo…được bảo vệ hiệu quả. Ranh giới của di sản thiên nhiên có thể bao gồm với một hoặc nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và được quản lý một cách thống nhất, đảm bảo tính toàn vẹn hệ sinh thái.
Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới
Một số quy định về bảo vệ di sản thiên nhiên trong Luật BVMT năm 2020
Việt Nam có nhiều kỳ quan, thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp. Với nguồn lợi vô giá do thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam đã có 172 khu bảo tồn gồm 33 vườn quốc gia; 65 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Để phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, Việt Nam đã và đang từng bước bảo tồn, phát huy các di sản thiên nhiên một cách khoa học, hợp lý để ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời đẩy lùi thiên tai, thảm họa do thiên nhiên gây ra. Điều này mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc, truyền tải những thông điệp về sự cần thiết tăng cường và nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với việc bảo tồn các di sản thiên nhiên.
Di sản thiên nhiên được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, từ hoạt động thực tiễn du lịch thời gian qua cho thấy, di sản thiên nhiên thường bị khai thác quá mức dẫn đến biến đổi theo hướng tiêu cực, khó có thể phục hồi lại trạng thái ban đầu. Các dự án khu nghỉ dưỡng tại một số khu bảo tồn thiên nhiên là rừng đặc dụng tại nhiều tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung; các hoạt động đầu tư xây dựng ven bờ biển vịnh Hạ Long; các dự án tại tỉnh Hà Giang như dự án tâm linh Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn hay nhỏ hơn như điểm quan sát tại Mã Pì Lèng thuộc các xã Pải Lủng và Pả Vi, huyện Mèo Vạc... là các dự án đã làm biến dạng các cảnh quan di sản thiên nhiên rất đẹp và quan trọng đối với đất nước
Để bảo vệ các di sản thiên nhiên, tại Điều 21, Luật BVMT năm 2020 đã quy định, cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ di sản thiên nhiên. Tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, BVMT di sản thiên nhiên được hưởng quyền lợi từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Điều 20 của Luật cũng nêu rõ các di sản thiên nhiên bao gồm: Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận; Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật này. Việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên được căn cứ vào một trong các tiêu chí: Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên; Có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn; Có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất; Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Để đưa các quy định của Luật vào cuộc sống, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, trong đó có hướng dẫn các quy định về BVMT di sản thiên. Dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết tiêu chí của 02 đối tượng di sản thiên nhiên khác là khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất (là những di sản thiên nhiên đã được hình thành trong thực tế, được pháp luật quốc tế công nhận) gắn với mức độ ảnh hưởng tích cực, có ý nghĩa đối với cộng đồng, địa phương, quốc gia, khu vực, toàn cầu; quy định chi tiết trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác; trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận; quy định việc điều tra, đánh giá, quản lý và BVMT di sản thiên nhiên phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phân cấp quản lý theo địa bàn cho các địa phương cũng như đặc thù của di sản thiên nhiên là các vùng lãnh thổ địa lý. Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở rà soát quy định của các luật, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết nhằm bảo vệ, bảo tồn các giá trị cốt lõi của tự nhiên, tạo cơ chế thuận lợi cho việc đầu tư, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tiếp cận hệ sinh thái, phát triển vốn tự nhiên.
Công trình bậc thang trên núi Cái Hạ, một công trình sai phép nằm trong vùng lõi Di sản Tràng An làm biến dạng cảnh quan di sản thiên nhiên
Như vậy, bảo vệ di sản thiên nhiên cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển để bảo đảm rằng văn hóa và di sản sẽ gắn kết cộng đồng, tăng tình đoàn kết, mang lại thêm sức mạnh nội sinh cho dân tộc. Để bảo vệ di sản thiên nhiên trước hết cần phải xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, giữa phát huy giá trị di sản thiên nhiên và BVMT; Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ của ngành di sản văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; Đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguyễn Hằng