Banner trang chủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP

10/01/2025

    Ngày 6/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

    Theo đó, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP được xây dựng dựa trên 3 quan điểm chính: Cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm đối tượng phải thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường; Rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương giải quyết một số thủ tục hành chính về môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sửa đổi để tạo thuận lợi hơn khi triển khai các quy định, chính sách mới về bảo vệ môi trường.

    Nghị định số 05/2025/NĐ-CP đã sửa đổi một số nội dung nhằm cắt giảm thủ tục hành chính như: nâng mức công suất lớn của một số loại hình sản xuất; bổ sung mức cận dưới một số yếu tố nhạy cảm về môi trường; bổ sung mức cận dưới của đối tượng phải cấp giấy phép môi trường. Đặc biệt, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP đã bổ sung 01 điều (Điều 26a) quy định phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho UBND cấp tỉnh. Cụ thể, có 7 nhóm dự án được phân cấp là: (1) Dự án đầu tư công không thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án thực hiện dịch vụ tái chế, xử lý chất thải; (2) Dự án chăn nuôi gia súc; (3) Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; (4) Dự án được phân loại chỉ theo tiêu chí có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên; (5) Dự án được phân loại chỉ theo tiêu chí có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất có rừng tự nhiên và không thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; (6) Dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, không bao gồm: Dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; dự án khác thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất lớn quy định tại cột (3) Phụ lục II Nghị định; dự án đầu tư mở rộng của cơ sở đang hoạt động được miễn trừ đấu nối theo quy định của pháp luật có lưu lượng nước thải thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc định kỳ trở lên; (7) Dự án thủy điện không thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

    Nghị định số 05/2025/NĐ-CP cũng quy định việc phân cấp tương ứng thẩm quyền cấp GPMT cho địa phương đối với các trường hợp tương ứng đã được Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đã cấp giấy phép môi trường. Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương sẽ tạo tính chủ động của địa phương trong quá trình thu hút đầu tư hoặc quyết định đầu tư; chủ động kiểm soát các vấn đề môi trường trên địa bàn; góp phần khơi thông nguồn lực của địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua…

Đức Anh

Ý kiến của bạn