27/03/2025
Ngày 27/3/2025, tại tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý Dự án “Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo “Tham vấn khung chính sách về tuần hoàn tái sử dụng nước trong các khu công nghiệp tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện các Ban Quản lý Khu công nghiệp/Khu kinh tế (KCN, KKT) các tỉnh/thành phố phía Nam tham gia dự án KCN sinh thái: Đồng Nai, Long An, TP. Hồ Chí Minh; Một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất trong KCN tham gia dự án KCN sinh thái; các nhà tài trợ, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực liên quan...
Đại diện Ban Quản lý Dự án UNIDO-GEIPP và các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh - Quản lý Dự án UNIDO-GEIPP Việt Nam cho biết: “Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý tài nguyên nước, thể hiện qua các văn bản pháp lý quan trọng như Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các nghị định liên quan; gần đây nhất là Chiến lược quốc gia về kinh tế tuần hoàn mới được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có những vướng mắc trong triển khai việc tuần hoàn tái sử dụng nước tại các KCN. Chính vì vậy, Dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận KCN sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” thuộc Chương trình KCN sinh thái Toàn cầu (GEIPP), do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ và được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cùng Bộ KH&ĐT trước đây và Bộ Tài chính hiện nay thực hiện, tổ chức Hội thảo tham vấn khung chính sách về tuần hoàn tái sử dụng nước trong các KCN tại Việt Nam". Đây cũng là hoạt động trọng tâm của dự án trong chuỗi hoạt động thúc đẩy đối thoại công tư nhằm tăng cường thực hiện công sinh công nghiệp và triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam. Mục tiêu chính của Hội thảo nhằm: (1) Cập nhật và tham vấn về các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến tuần hoàn và tái sử dụng nước đã xử lý trong các KCN; (2) Xác định các khó khăn, thách thức và cơ hội trong việc triển khai các mô hình tái sử dụng nước thải tại các KCN; (3) Thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện khung chính sách và quy định kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tuần hoàn, tái sử dụng nước. Thông qua Hội thảo này, các bên liên quan sẽ cùng xác định những thách thức cốt lõi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất cụ thể để góp phần xây dựng một khung chính sách khả thi và hiệu quả trong việc tuần hoàn tái sử dụng nước, thúc đẩy phát triển bền vững trong các KCN tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Về phía địa phương, bà Dương Xuân Nương, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Hội thảo có ý nghĩa thiết thực đối với các KCN nói chung, đặc biệt đối với các KCN đang dự kiến chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo định hướng của tỉnh Đồng Nai. Tôi mong muốn đại diện các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn và nêu những đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần xây dựng khung chính sách về tái sử dụng nước thải tại các KCN, vấn đề then chốt của kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh và cộng sinh công nghiệp.
Cơ hội và "điểm nghẽn" khi tái sử dụng nước thải sau xử lý tại các KCN
Phân tích cơ hội và "điểm nghẽn" khi tái sử dụng nước thải sau xử lý tại các Khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Khắc Uẩn - Phó Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Hiện nay, cùng với dân số tăng nhanh cùng quá trình đô thị hóa và sự phát triển của các ngành kinh tế đã khiến nhu cầu dùng nước ngày càng cao, nguồn nước sẽ ngày càng khan hiếm. Do đó, phương án tái sử dụng nước thải gián tiếp được đề xuất áp dụng nhằm đảm bảo chất lượng nước cấp và giảm thiểu chi phí đầu tư, vận hành. Với mục tiêu đến 2035, phát triển công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh, kết hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng của Việt Nam về mức "0” vào năm 2050. Tại các KCN nước thải sau xử lý có thể tái sử dụng cho các mục đích khác nhau tại các KCN, từ đó góp phần giảm khai thác nước, tiết kiệm tài nguyên nước... Qua thống kê cho thấy, trên cả nước có khoảng trên 400 N/CCN với trên một triệu m3nước thải/ngày xả vào môi trường, điều này đặt ra bài toán nếu tái sử dụng lượng nước thải này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho kinh tế - xã hội. Trong khi các DN/KCN có nhu cầu tái sử dụng nước cho các mục đích/hoạt động: tưới cây, rửa đường, sản xuất, xử lý khí thải, giải nhiệt nhà xưởng, phòng cháy chữa cháy... không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, nếu như sử dụng nguồn nước sạch là lãng phí lớn đối với nguồn lực xã hội. Do đó, vẫn có “điểm nghẽn” cần tháo gỡ cho các KCN khi tận dụng nước thải tuần hoàn tái sử dụng ra môi trường.
Theo ông Uẩn, với vai trò cộng sinh công nghiệp, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc trong các KCN khác - tối ưu hóa việc sử dụng/tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng,… giảm phát thải, hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Những khó khăn thách thức của việc tái sử dụng nước tại các KCN hiện nay không chỉ cơ chế chính sách mà còn về công nghệ, giá thành và hiệu quả. Là đơn vị nghiên cứu chuyên ngành về môi trường, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến có khả năng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nước cho các mục đích tái sử dụng khác nhau tùy theo mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp.
Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa chia sẻ kinh nghiệm triển khai tái sử dụng nước tại KCN
Với góc nhìn của đơn vị vận hành KCN, ông Tuấn Phạm Anh Tuấn, Giám đốc cấp cao quản lý nước và môi trường, Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa cho biết, hiện nay các KCN mới của Amata đều có hồ chứa vừa khai thác nước mưa, thoát nước để chống ngập nước và tái sử dụng nước thải để tưới cây. Mục tiêu của Amata là tưới cây xanh, vì chất lượng nước của Amata đạt quy chuẩn cột A, bên cạnh đó, lượng muối thấp việc tái sử dụng nước rất dễ dàng, tuy nhiên vướng hành lang pháp lý không rõ ràng nên chúng tôi rất khó khăn trong việc tái sử dụng, tái chế và khai thác nước mưa.
Sự cần thiết xây dựng khung chính sách về tuần hoàn tái sử dụng nước trong các KCN
Theo bà Hoàng Thị Thu Hương - chuyên gia tư vấn của UNIDO: Hiện nay trên thế giới, các quy định về tiêu chuẩn (quốc tế) tái sử dụng nước cho việc tưới cây (bao gồm các cây công nghiệp, cây lương thực, cây lấy hạt…) khá chi tiết và cụ thể như: Phương thức tưới, yêu cầu mức độ xử lý, các thông số quy định… Đối với Nhật Bản việc tái sử dụng nước thải theo tiêu chuẩn kỹ thuật được ban hành từ năm 2005. Kinh nghiệm của Singapo áp dụng các thế chế chính trị và giáo dục ý thức về bảo vệ tài nguyên nước. Tại Trung Quốc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở 03 cấp độ vĩ mô (tỉnh/thành phố, vùng); trung bình (các nhóm cộng sinh) và vi mô (doanh nghiệp) với trọng tâm chính là hệ thống công nghiệp, môi trường xây dung, cơ sở hạ tầng độ thị và sinh thái…
Trong khi đó, tại Việt Nam nhu cầu tuần hoàn, tái sử dụng nước trong KCN rất lớn trong sinh hoạt, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp… Tuy nhiên, tình trạng sử dụng chưa hợp lý, khai thác quá mức, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, tỷ lệ tái sử dụng thấp, nước thải lớn và khả năng ô nhiễm cao… Mặc dù cơ sở pháp lý đã quy định trong Luật Tài nguyên nước 2023, Luật BVMT 2020, Luật Giá 2023 và các Nghị định, Thông tư…Tuy nhiên có quy định ban hành còn chồng chéo, khó thực thi khiến triển khai thực tế tồn tại nhiều bất cập.
Với mục tiêu thúc đẩy tái sử dụng nước thải trong KCN, đảm bảo an toàn nguồn nước và BVMT, việc xây dựng khung chính sách cần đáp ứng đầy đủ các quy trình để có thể vận hành hiệu quả đáp ứng quản lý nguồn nước trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn.
Phạm vi áp dụng: Nước thải đã qua xử lý tại trạm xử lý tập trung của các KCN; Đối tương tái sử dụng nước thải nằm trong phạm vi hàng rào của KCN; Điều chỉnh quy hoạch hạ tầng, đường dây, đường ống trong KCN để đáp ứng yêu cầu chuyển giao nước qua xử lý.
Về mặt pháp lý: Các yêu cầu liên quan đến hiệu quả sử dụng nước và tái sử dụng nước chủ yếu áp dụng cho các quy trình mới được thành lập. Đơn xin giấy phép mới được tạo cơ hội khi đạt được các yêu cầu cụ thể như hướng đến hiệu quả sử dụng nước và hoặc tái sử dụng/tái chế…
Mục tiêu của khung chính sách nhằm thúc đẩy tái sử dụng nước thải trong KCN; Đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường. Khung chính sách cần đáp ứng đầy đủ các quy trình để có thể vận hành có hiệu quả đáp ứng quản lý nguồn nước trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Các quy định, hướng dẫn cho phép tái sử dụng nước thải đã qua xử lý: (1) Thông tư hướng dẫn chi tiết việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý trong khu vực sản xuất công nghiệp cho các hoạt động tái sử dụng nước nước tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN về cả các mặt kỹ thuật và quản lý; (2) Ban hành tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép tái sử dụng nước thải sau xử lý tập trung cho các mục đích khác nhau. Theo khảo sát từ yêu cầu thực tế của các KCN tập trung, trước mắt cần xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn tái sử dụng nước cho mục đích tưới cây xanh, thảm cỏ tại các KCN; (3) Có chế tài ưu đãi thuế tài nguyên cho đơn vị hạ tầng xây dựng hồ chứa nước mưa phục vụ cho việc tái sử dụng trong khu công nghiệp; (4) Cho phép và hướng dẫn việc chuyển giao và tiếp nhận nước thải sau xử lý giữa đơn vị phát triển hạ tầng và doanh nghiệp trong khu công nghiệp là hoạt động tuần hoàn nước thải nội bộ; (5) Hỗ trợ về công nghệ và tài chính (các gói vay ưu đãi) cho các dự án tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Ngoài ra, khung chính sách cũng quy định về quy trình thủ tục; Chế tài xử phạt; Báo cáo kiểm tra…
Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng, nhu cầu tuần hoàn nước thải rất cần thiết. Đồng thời, đánh giá cao khung chính sách tương đối cụ thể, đặc thù cho tái sử dụng nước thải. Theo đó, khung chính sách đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của các vị trí khác nhau để quản lý KCN tái sử dụng nước thải. Tuy nhiên, cần làm rõ có sự phối hợp các bên từ TW đến địa phương, Ban quản lý KCN…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh - Quản lý Dự án UNIDO-GEIPP Việt Nam cho rằng: Để triển khai hiệu quả khung chính sách cho tái sử dụng nước thải, trước tiên chúng ta phải có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn địa phương thí điểm tại các KCN sinh thái (trong vòng 1 - 1,5 năm). Đối với tiêu chuẩn Việt Nam, Dự án sẽ đề xuất đề tài nghiên cứu trình Bộ NN&MT triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tham vấn, tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài để áp dụng phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, cũng như tham vấn các bên liên quan để xây dựng, hoàn thiện khung chính sách. Với mục tiêu hoàn thiện khung chính sách cho tái sử dụng nước, tiến tới các bước giản hóa thủ tục cấp phép và giám sát, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho từng mục đích tái sử dụng.
Nam Hưng