12/05/2025
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo phát triển bền vững đất nước, trong đó việc phát hiện, xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đóng vai trò then chốt. Lực lượng Công an xã, với chức năng quản lý an ninh, trật tự tại cơ sở, có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này. Tuy nhiên, công tác thực thi còn gặp nhiều khó khăn như hạn chế về nhân lực, chuyên môn và cơ chế phối hợp. Bài báo này phân tích thực trạng, những thách thức và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo chức năng của Công an xã.
1. Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT và thực tiễn công tác phát hiện, xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT của lực lượng Công an xã.
Theo Báo cáo tổng kết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm của Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an năm 2024 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7.274 vụ VPHC trong lĩnh vực BVMT. Qua đấu tranh xử lý cho thấy các hành vi VPHC nổi lên chủ yếu vấn đề thu gom, xử lý và quản lý chất thải không đúng quy định; vi phạm về xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn ra môi trường; một số loại chất thải nguy hại được thu gom, xử lý không đúng nơi quy định để giảm chi phí xử lý hoặc một số chất thải nguy hại còn có giá trị được chuyển giao, bán lại để thu lợi nhuận; một số chất thải rắn thông thường được các đối tượng chôn, lấp, đổ, thải trái quy định; ô nhiễm môi trường phế thải từ các công trình xây dựng, giao thông gây ô nhiễm môi trường; ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông, hệ thống thủy lợi lớn như sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai, sông Bắc Hưng Hải… vẫn chưa được xử lý triệt để; tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề, tái chế nhựa, giấy, chì, thép vẫn chưa được giải quyết triệt để; các cơ sở sản xuất chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, hóa chất độc hại, phế liệu tái chế, chất thải rắn trong quá trình sản xuất nhưng hầu hết không thực hiện đầy đủ quy định về xử lý chất thải, nước thải trước khi thải ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân sinh sống trên địa bàn.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình VPHC trong lĩnh vực BVMT xảy ra trên địa bàn cả nước cho thấy: công tác phòng, chống tội phạm và VPHC trong lĩnh vực BVMT đòi hỏi cần phải sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, theo tinh thần chủ trương của Bộ Công an về việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo hướng “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, “Xây dựng lực lượng Công an xã chính quy toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ,…”, “Bộ tinh, tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở” góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ngay từ cấp xã, lấy “Chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở”. Qua đó, công tác BVMT nói chung, công tác xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT nói riêng trong thời gian tới cần phải đi từ chính lực lượng Công an xã.
Lực lượng Công an xã có vai trò nòng cốt trong công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Công an xã là lực lượng trực tiếp bám sát địa bàn, thường xuyên tiếp xúc với người dân, nắm bắt nhanh chóng các hoạt động của các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm môi trường như xả thải trái phép, khai thác tài nguyên trái phép, đốt rác gây ô nhiễm không khí… Mặt khác, theo quy định pháp luật hiện hành Công an xã có quyền lập biên bản, xử phạt VPHC đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
2. Tồn tại, hạn chế trong phát hiện, xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT của lực lượng Công an xã
Về mặt thực tiễn: lực lượng Công an xã vẫn chủ yếu đào tạo về công tác quản lý an ninh trật tự xã hội mà chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực BVMT nên việc nhận diện, phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống trang thiết bị, công cụ hỗ trợ chưa được đầu tư, trang cấp đồng bộ trong công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; lực lượng Công an xã có nhiệm vụ đa dạng, bao gồm giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, quản lý hành chính…, trong khi số lượng cán bộ có chuyên môn về môi trường rất ít; quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an xã với các lực lượng trong và ngoài ngành Công an chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, đồng cấp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Về mặt pháp lý: thẩm quyền xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT của lực lượng Công an xã hiện nay được quy định tại Khoản 1, 3 Điều 57. Thẩm quyền xử phạt VPHC của lực lượng Công an nhân dân; Điểm c, Khoản 1 Điều 68. Phân định thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT; chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm môi trường để truy cứu trách nhiệm hình sự (Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 về Quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Ngoài ra, Luật xử lý VPHC 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xử lý VPHC năm 2020 vẫn còn một số hạn chế như: chưa có quy định cụ thể về biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm, thẩm quyền xử phạt, tạm giữ tang vật, phương tiện của Công an xã thấp.
Qua nghiên cứu các văn bản pháp lý này cho thấy: thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT của lực lượng Công an xã đối với hình thức phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả còn thấp chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về quản lý chất thải… Số lượng các hành vi VPHC trong lĩnh vực BVMT thuộc thẩm quyền Công an cấp xã còn rất hạn chế chưa đảm bảo nguyên tắc xử phạt vi phạm “Mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh”. Mặt khác, theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2 Điều 163. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022), Trưởng Công an xã không có thẩm quyền thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT theo chức năng của lực lượng Công an xã
Một là, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số Điều luật có liên quan đến phát hiện, xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT theo chức năng của lực lượng Công an xã. Cụ thể, Công an cấp xã là lực lượng gần dân nhất, có thể phát hiện sớm các hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; Nếu được trao thẩm quyền kiểm tra, Trưởng Công an cấp xã có thể chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Mở rộng phạm vi áp dụng thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT cho lực lượng Công an xã về hình thức phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với tất cả các hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về quản lý chất thải… đảm bảo tính cân đối, hợp lý giữa cấp tỉnh và cấp xã “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở” sau khi bỏ Công an cấp huyện.
Hai là, lực lượng Công an xã tăng cường tuyên truyền quần chúng nhân dân trong BVMT thuộc phạm vi địa bàn quản lý. Trong đó chú trọng tuyên truyền đến các hành vi vi phạm phổ biến về môi trường gắn với đặc điểm tình hình địa bàn sinh sống và làm việc; các kiến thức về pháp luật về BVMT được quy định trong các văn bản Luật, Nghị định, Thông tư; hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu vi phạm môi trường, khuyến khích phản ánh, tố giác hành vi vi phạm với chính quyền và lực lượng Công an xã để kịp thời xử lý; giới thiệu và nhân rộng các mô hình hiệu quả như “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Tổ tự quản thu gom rác thải”, “Ngày Chủ nhật xanh”, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường tại địa phương. Đồng thời, lực lượng Công an xã cần lựa chọn các hình thức tuyên truyền đối với từng nội dung và đối tượng phù hợp để đảm bảo hiệu quả cao nhất góp phần tạo sự đồng thuận trong công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa vi phạm ngay từ cơ sở.
Ba là, nâng cao năng lực trình độ đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an xã trong phát hiện, xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT. Cán bộ, chiến sĩ cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật về môi trường như: Luật BVMT 2020, Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực môi trường để có thể nắm được những hành vi vi phạm, quy trình xử lý về môi trường được quy định trong các văn bản này. Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác nắm bắt tình hình địa bàn, vận dụng hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ để nhận diện sớm, kịp thời các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường; tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về phương pháp phát hiện, xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an xã.
Bốn là, lực lượng Công an xã có thể nghiên cứu, ứng dụng một số thành tựu khoa học công nghệ trong phát hiện, xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT. Trước hết, khai thác có hiệu quả ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và ứng dụng VneID trong xử lý VPHC lĩnh vực BVMT như: xác minh nhân thân đối tượng vi phạm nhanh chóng, chính xác; hỗ trợ lập biên bản và xử phạt hành chính không cần giấy tờ; tích hợp dữ liệu xử lý VPHC với hệ thống quản lý chung; giám sát, cảnh báo vi phạm thông qua VneID; tăng cường hiệu quả thu hồi tiền xử phạt VPHC. Ngoài ra, có thể nghiên cứu và ứng một số thành tựu khoa học hiện đai như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát và phân tích hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường; Sử dụng công nghệ UAV (Drone) trong giám sát môi trường; Ứng dụng công nghệ GIS (Hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý môi trường.
Năm là, tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an xã với các lực lượng khác trong phát hiện, xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT. Lực lượng Công an xã cần phối hợp với Phòng PC03 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ lực lượng Công an cơ sở trong việc kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm môi trường. Tăng cường các đợt kiểm tra liên ngành tại địa bàn có nguy cơ ô nhiễm cao để phát hiện kịp thời các vi phạm. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm soát, xử lý các phương tiện vận chuyển chất thải trái phép hoặc vi phạm quy định về xả thải ra môi trường. Sử dụng hệ thống camera giám sát giao thông để hỗ trợ phát hiện hành vi xả rác, xả thải trên các tuyến đường. Ngoài ra, cần chú trọng phối hợp các lực lượng ngoài ngành Công an như ngành Nông nghiệp và Môi trường, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể… tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật về BVMT. Phát động phong trào toàn dân tham gia giám sát, phát hiện vi phạm môi trường. Xây dựng cơ sở dữ liệu chung về vi phạm môi trường, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phần mềm VNeID để hỗ trợ xử lý vi phạm nhanh chóng.
ThS. Nguyễn Hồng Thuyên
Học viện Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2025)
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm của Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an năm 2024;
2. Luật Bảo vệ môi trường năm 2022;
3. Luật xử lý VPHC năm 2020 (sửa đổi Luật xử lý VPHC năm 2012);
4. Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT;
5. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều Luật BVMT năm 2022;
6. Bộ Công an, Thông tư số 45/2022/TT-BCA ngày 21/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an xã, phường, thị trấn.