Banner trang chủ

Hội thảo “Tham vấn về khoảng trống năng lực trong nông nghiệp bền vững”

06/05/2025

    Ngày 5/5/2025, Trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn về khoảng trống năng lực trong nông nghiệp bền vững”, trong khuôn khổ Dự án quốc tế HARVEST. Tham gia Hội thảo có đại diện các đơn vị: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hội Khoa học Đất, Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tom, HTX rau hữu cơ, Chi cục Nông nghiệp và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc bộ, cùng các nhà khoa học, giảng viên thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp.

    Phát biểu khai mạc, GS.TS. Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng khẳng định, Hội thảo là cơ hội quan trọng để các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và đối tác cùng thảo luận, làm rõ những khoảng trống về năng lực trong đào tạo và thực tiễn, từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững.

GS.TS. Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng phát biểu chào mừng Hội thảo

    Theo TS. Nguyễn Bá Long – Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và PTNT (Chủ nhiệm Dự án): Trong bối cảnh hình thành Dự án Havest, khoảng trống đào tạo về kiến thức và kỹ năng của các chương trình đào tạo; năng lực của sinh viên mới tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu và năng lực cốt lõi về nông nghiệp sinh thái của thị trường lao động, từ đó đặt ra yêu cầu xây dựng chương trình đào tạo vi mô/ngắn hạn về nông nghiệp sinh thái, lồng ghép nội dung nông nghiệp sinh thái vào chương trình đào đại học, cao học về quản lý đất đai, khoa học cây trồng, quản lý tài nguyên – môi trường.

TS. Nguyễn Bá Long - Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và PTNT (Chủ nhiệm Dự án)

    Tại Hội thảo, TS. Đỗ Thị Hường (Điều phối viên) đã trình bày tổng quan mục tiêu của Dự án HARVEST, trong đó nhấn mạnh các hoạt động do Trường Đại học Lâm nghiệp (VNUF) đóng vai trò chủ trì hoặc đối tác thực hiện, bao gồm: đánh giá khoảng trống kiến thức về nông nghiệp bền vững (dựa trên kết quả khảo sát các bên liên quan); thiết kế khung năng lực và đề xuất khuyến nghị cho Dự án HARVEST; đồng xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn; triển khai chương trình đào tạo nâng cao năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; và thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Nông nghiệp bền vững.

TS. Đỗ Thị Hường (điều phối viên) trình bày tóm tắt Dự án Havest

    PGS.TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) – đã chia sẻ tổng quan về nông nghiệp sinh thái (NNST), bao gồm các thách thức của ngành nông nghiệp và an ninh lương thực; các mô hình NNST tại Việt Nam; các sáng kiến hướng tới phát triển bền vững; chính sách liên quan đến NNST của Việt Nam trong thời gian gần đây; các nguyên tắc của NNST; năm cấp độ chuyển đổi và mở rộng quy mô NNST; cùng với các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

PGS.TS. Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) trình bày báo cáo về nông nghiệp sinh thái

    Hội thảo cũng đã tổ chức 2 thảo luận nhóm tập trung về các chủ đề thách thức của NNBV và các khoảng trống về năng lực. Các nhóm thảo luận sôi nổi với sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, các hợp tác xã rau hữu cơ và giảng viên trong trường. Các nhóm tập trung trao đổi xoay quanh ba chủ đề chính: khoảng trống năng lực trong đào tạo và thực tiễn; nhu cầu của thị trường lao động; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững.

PGS.TS. Bùi Thế Đồi - Phó Hiệu trưởng phát biểu

    Trong phần thảo luận, các đại biểu đã chỉ ra sự thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng và năng lực mềm của sinh viên. Phần chia sẻ về nhu cầu của thị trường lao động cho thấy các tổ chức, doanh nghiệp hiện đang đặt ra yêu cầu cao hơn đối với năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, tư duy hệ thống, đổi mới sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm – những yếu tố mà chương trình đào tạo hiện nay còn thiếu hoặc chưa được chú trọng đúng mức.

    Về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều đề xuất thiết thực đã được đưa ra như: phát triển các khóa học ngắn hạn về nông nghiệp sinh thái có tính thực tiễn cao; tích hợp kiến thức đa ngành, liên ngành trong giảng dạy; áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình đào tạo; và thiết lập mạng lưới học liệu mở phục vụ nhu cầu học tập liên tục. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tiến chương trình đào tạo hiện hành thông qua việc lồng ghép các học phần liên quan đến nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực - thực phẩm, nông nghiệp sinh thái và kỹ năng khởi nghiệp; tăng thời lượng cho các hoạt động thực hành, thực tập nhằm bảo đảm tính cập nhật và sát với thực tiễn nghề nghiệp; đồng thời tăng cường gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và các hiệp hội chuyên ngành.

    Đại diện các nhóm đã trình bày kết quả thảo luận với nhiều khuyến nghị cụ thể, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phát triển chương trình đào tạo dựa trên năng lực, đẩy mạnh học tập trải nghiệm, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác đa bên nhằm từng bước lấp đầy khoảng trống năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Những ý kiến đóng góp này là cơ sở quan trọng để triển khai hiệu quả các hoạt động tiếp theo của Dự án HARVEST.

PGS.TS. Phùng Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng phát biểu kết luận Hội thảo

    Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Phùng Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng ghi nhận các ý kiến đóng góp và khẳng định cam kết đồng hành cùng các bên liên quan trong việc xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn về nông nghiệp sinh thái (NNST), lồng ghép nội dung NNST vào chương trình đào tạo ở các bậc học, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Nhà trường cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thành công, xây dựng mạng lưới hợp tác bền vững, cùng hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

    Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường nhấn mạnh quyết tâm thực hiện thành công Dự án HARVEST, coi đây là nền tảng quan trọng để đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường kết nối giữa nhà trường với thực tiễn, và nâng cao năng lực đáp ứng của hệ thống giáo dục đại học đối với các thách thức của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Sơn Tùng

 

Ý kiến của bạn