Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

09/10/2023

    Ngày 5/10/2023, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).  

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, đến nay, đã có 137 lượt góp ý cho dự thảo Luật với 609 ý kiến. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 5, đã có 98 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ với 439 ý kiến góp ý, 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường với 112 ý kiến góp ý và 04 ý kiến góp ý bằng văn bản. Tại khi họp lần thứ 25 Ủy ban thường vụ Quốc hội có 5 lượt góp ý với 31 ý kiến. Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách có 7 lượt góp ý với 27 ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Ngay sau mỗi kỳ họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo, tham khảo ý kiến chuyên gia, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình tại báo cáo 48 báo cáo trang kèm theo bộ tài liệu gửi thành viên Ủy ban tại Phiên họp toàn thể Ủy ban và gửi xin ý kiến 63 đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Đến nay, dự thảo Luật đã là phiên bản chính thức thứ 7, chưa kể các phiên bản phụ khác theo từng đợt hội thảo xin ý kiến. Dự thảo Luật theo phiên bản gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội gồm 10 Chương, 86 Điều.

    Qua rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, dự thảo Luật đã thể chế và cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chính sách của Đảng trong toàn bộ dự thảo Luật, quan trọng nhất là Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể hóa và bám sát vào 4 chính sách lớn đã được Chính phủ trình theo Tờ trình số 162 và được Quốc hội thống nhất bao gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; kinh tế nước, xã hội hóa ngành nước và bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra.

    Tại Hội thảo, các Đại biểu Quốc hội và chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Sở TN&MT, doanh nghiệp khai thác và sử dụng nước đã phát biểu đánh giá cao Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, soạn thảo. Các đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước là yêu cầu cần thiết góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) được biên tập công phu và đã cập nhật, sửa đổi các vấn đề bất cập trong công tác quản lý tài nguyên nước.

    Cũng tại Hội thảo, một số vấn đề nổi bật liên quan đến đặc thù sử dụng tài nguyên nước tại địa phương được các đại biểu cho ý kiến. Liên quan đến việc giao quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố, các đại biểu đề nghị cần bổ sung cụm từ “cập nhật” vào khoản 2, điều 20 của Dự thảo Luật. Điều này sẽ giúp cho các địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, đã lập phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra… có thêm cơ sở để cập nhật phương án mới, khi Luật mới được thông qua. 

    Ngoài ra, khoản 2, Điều 36 chỉ nhắc tới trao quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước. Các đại biểu đề nghị cần có khung pháp lý quy định sự phối hợp giữa các tỉnh/thành phố sử dụng chung nguồn nước từ 1 hệ thống sông để có sự điều tiết qua lại phù hợp, đảm bảo không địa phương nào thiếu nước.

    Một vấn đề nổi bật khác các đại biểu còn băn khoăn là tính khả thi, hiệu quả khi quy định “khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho hộ gia đình phải thực hiện kê khai”. Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, hiện có khoảng 14 triệu hộ gia đình đang khai thác nước dưới đất, chủ yếu ở vùng nông thôn, ngoại thị, vùng sâu vùng xa. Để tránh tình trạng khai thác quá đà ở một số khu vực dẫn đến sụt lún đất, nhiều đại biểu đã có ý kiến nên đưa khu định này vào Điều 52 trên tinh thần thủ tục kê khai đơn giản, thời gian thực hiện kéo dài 2 năm kể từ khi Luật được thông qua để tạo thuận lợi cho người dân…

An Bình

Ý kiến của bạn