Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn để thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

19/11/2024

    Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Isponre), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn để thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Mục tiêu của Hội thảo nhằm thu hút các đối tác liên quan tham gia kịp thời đánh giá khung chính sách, xác định một cách có hệ thống cơ hội, thách thức cũng như nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh các giải pháp tuần hoàn khả thi, qua đó hỗ trợ các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường và ông Michael Siegner, Trưởng đại diện HSF tại Việt Nam chủ trì Hội thảo .

TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Isponre phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISponre cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Theo Báo cáo năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hàng năm, có đến79 triệu tấn RTN không được quản lý, trong đó, khoảng 34 triệu tấn nhựa được thu gom ở các bãi chôn lấp, 26 triệu tấn được đốt tại các bãi chôn lấp lộ thiên (bao gồm đốt rác thải của hộ gia đình; đốt tại các bãi chôn lấp) và 19 triệu tấn được thải ra môi trường).

    Nhận thức được tác động nghiêm trọng của ô nhiễm nhựa, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã mời các quốc gia thành viên cùng tham gia đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết khủng hoảng về ô nhiễm nhựa (Nghị quyết UNEP/EA.5/Res.14 tại Kỳ họp lần thứ 5, Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc năm 2022 về “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế”). Đối với Việt Nam, nước ta đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm thiết lập Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Trải qua các phiên đàm phán từ năm 2022 tới nay, Việt Nam sớm nhận thấy sự cần thiết của việc lồng ghép các mô hình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH), tái chế và quản lý bền vững các sản phẩm nhựa. KTTH đã được thể chế hóa tại Điều 142, Luật BVMT năm 2020, theo đó “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ, nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

    Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 đã quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích phát triển KTTH. Thực hiện theo Điều 139, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH. Hiện Dự thảo Kế hoạch đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành, dự kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý IV/2024. Đây đồng thời là thời điểm chuẩn bị cho vòng đàm phán cuối cùng của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-5) tại Busan, Hàn Quốc vào tháng 11/2024. Sự hội tụ của hai sự kiện quan trọng này mang đến cho Việt Nam cơ hội đánh giá khung chính sách và xác định giải pháp tuần hoàn khả thi để giải quyết ô nhiễm RTN. Vì vậy, Hội thảo Thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn để thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa là cơ hội để các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận về các giải pháp KTTH khả thi có thể đóng góp hiệu quả vào việc giảm thiểu ô nhiễm RTN; bài học kinh nghiệm và tầm quan trọng của việc liên kết các sáng kiến KTTH với mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa... Trên cư sở đó đưa ra các khuyến nghị chính sách tiềm năng góp phần vào thành công của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện HSF tại Việt Nam phát biểu

    Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện HSF tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang đứng trước cơ hội quan trọng để dẫn đầu các nỗ lực khu vực hướng tới một tương lai bền vững. Thoả thuận toàn cầu về nhựa sẽ tạo đà giúp Việt Nam giải quyết toàn diện vấn đề ô nhiễm nhựa của đất nước và để thực hiện thành công Thỏa thuận này, các giải pháp KTTH đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm chiến lược từ các quốc gia đi trước như Đức, Liên minh châu Âu (EU) để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền KTTH, hướng tới các giải pháp tuần hoàn nhằm đáp ứng các mục tiêu của thoả thuận. Trước tiên, Việt Nam cần tăng cường khuôn khổ pháp lý và ban hành các chính sách hiệu quả, đây được coi là “xương sống” của bất kỳ nỗ lực thay đổi nào. Cùng với đó, Việt Nam cần chú trọng và tăng cường hơn nữa nỗ lực hợp tác quốc tế; trao quyền nhiều hơn cho các công ty khởi nghiệp và cơ quan đổi mới với những sáng kiến hay về kinh doanh bền vững, KTTH.

Toàn cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe tham luận và tập trung chia sẻ, thảo luận một số vấn đề xoay quanh nội dung chính về: Các giải pháp tuần hoàn giảm ô nhiễm RTN; thiết kế tuần hoàn và Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; các giải pháp dựa trên dữ liệu - Danh sách kiểm tra số liệu về nhựa: Công cụ hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; Sáng kiến tài chính để giảm thiểu ô nhiễm RTN... Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Phiên thảo luận chuyên đề: Thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn để hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (Cơ hội, thách thức và yêu cầu về nguồn lực).

Thu Hằng

Ý kiến của bạn