Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn

09/05/2024

    Ngày 9/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường đã cho biết, triển khai quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Điều 91, bảo vệ tầng ô-dôn tại Điều 92, tổ chức và phát triển thị trường các-bon tại Điều 139, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong thời gian vừa qua, tình hình phát triển thị trường các-bon và nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, trong khi Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý để sớm có thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon đi vào vận hành. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và bối cảnh quốc tế và trong nước đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; việc sửa đổi này cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Đến nay, Dự thảo Nghị định và Dự thảo Thông tư đã được xây dựng, điều chỉnh một số quy định hiện hành và bổ sung một số quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon, bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, Dự thảo Nghị định tập trung vào các nhóm vấn đề: Tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường các-bon; bao gồm kiểm kê khí nhà kính, thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kết quả giảm phát thải…; Quy định chi tiết về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; trước mắt tập trung vào các cơ sở phát thải lớn đồng thời khối doanh nghiệp đang chịu tác động của Cơ chế CBAM của EU và Hoa Kỳ; Quy định chi tiết về tổ chức thị trường các-bon, quản lý tín chỉ các-bon trong nước, trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch các-bon trong nước; Quy định về trao đổi tín chỉ các-bon quốc tế theo quy định của Thỏa thuận Paris; và một số quy định về bảo vệ tầng ô-dôn.

Toàn cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tính khả thi của các nội dung sửa đổi, bổ sung; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định; trách nhiệm và sự phối hợp của các Bộ, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định… nhằm hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị định, Thông tư đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

    Việc xây dựng và xin ý kiến tham vấn để hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị định, Thông tư  nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính quốc gia thông qua việc tham gia vào các chương trình giảm phát thải khí nhà kính tạo tín chỉ các-bon để có thể trao đổi trong nước và quốc tế; bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn