Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió Việt Nam

28/05/2024

    Ngày 28/5/2024, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý về kết quả tìm năng kỹ thuật năng lượng gió và khuyến nghị khai thác tài nguyên điện gió ngoài khơi Việt Nam”.

Ông Đỗ Tiến Anh, Vụ trưởng Vụ KHCN & Hợp tác Quốc tế, Tổng cục KTTV phát biểu tại Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Tiến Anh, Vụ trưởng Vụ KHCN & Hợp tác Quốc tế, Tổng cục KTTV cho biết, sau thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và thoả thuận Net-ZERO, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng trở thành một trong những giải pháp hàng đầu nhằm hạn chế những tác động gây ra bởi biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Đây trở thành một giải pháp thiết yếu giúp các quốc gia xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Chính phủ xác định chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng biển ngoài khơi tại các vùng biển trên cả nước. Đồng thời xác định các khu vực biển thu hút nhà đầu tư, đưa vào vận hành một số dự án điện gió ngoài khơi, nhằm hướng tới mục tiêu đạt tối thiểu 33% tổng sản lượng điện phát từ các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2030.

    Trong những năm qua, nhiều nghiên cứu đã đưa ra đưa ra các báo cáo chi tiết về tiềm năng năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi dựa trên mô phỏng từ mô hình số trị khu vực độ phân giải cao, tuy nhiên, các báo cáo này chưa đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà quản lý, các công ty khai thác điện gió trong việc lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, vận hành khai thác nhà máy điện gió.

    Trình bày báo cáo tóm tắt dự án đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển và các khu vực xa bờ ở Việt Nam và đề suất hỗ trợ dài hạn cho ngành điện, PGS.TS Nguyễn Bá Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia đã giới thiệu những điểm mới của dự án, cụ thể: có được bộ dữ liệu gió, năng lượng gió 20 năm, độ phân giải 3km; Đánh giá biến động theo không gian, thời gian (tháng, mùa, năm) gió và năng lượng gió; Tính toán và lập bản đồ tiềm năng kỹ thuật gió tại các lớp độ cao 10 - 250m trên cơ sở xem xét các đặc trưng địa hình, địa chất, KT, HV, quy hoạch ngành; Đánh giá rủi ro thiên tai khí tượng, hải văn tới thiết kế, thi công và khai thác điện gió và từ đó, đề xuất các giải pháp tăng cường quan trắc và dự báo  phục vụ khai thác điện gió trong ngắn và dài hạn.

Toàn cảnh Hội thảo

    Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe báo cáo Bộ dữ liệu tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam; Lập bản đồ tiềm năng kỹ thuật và Atlas năng lượng gió ngoài khơi; Đề xuất xây dựng hệ thống mô hình và công tác dự báo phục vụ khai thác năng lượng gió trong ngắn hạn… và trao đổi, đóng góp các ý kiến về phương pháp luận, cách tính toán số liệu ... để hoàn thiện nghiên cứu.

    Ông Đào Xuân Lai, đại diện UNDP Việt Nam cho rằng, các báo cáo đã đưa ra những đánh giá tổng thể dựa trên các cập nhật mới về dữ liệu và tính toán tiềm năng kỹ thuật tại các toạ độ khác nhau. Việc chi tiết hoá số liệu đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố nền tảng thông tin, từ đó xây dựng quy hoạch và phát triển điện gió ngoài khơi đảm bảo đúng hướng mục tiêu phát triển xanh mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Vũ Nhung - Phùng Quyên

Ý kiến của bạn