Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Tham vấn xây dựng đề xuất kỹ thuật huy động nguồn lực hỗ trợ trong quản lý hóa chất và chất thải

14/08/2024

    Ngày 13/8/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức cuộc họp Tham vấn xây dựng đề xuất kỹ thuật huy động nguồn lực hỗ trợ trong quản lý hóa chất và chất thải.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường TS. Nguyễn Trung Thắng phát biểu khai mạc cuộc họp

    Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường TS. Nguyễn Trung Thắng nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong việc hợp tác với UNDP và UNEP để triển khai thực hiện Công ước Stockholm, Basel, Rotterdam, Minamata, SAICM. Để giải quyết vấn đề quản lý hợp lý hóa chất và chất thải nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.

    TS. Nguyễn Trung Thắng chia sẻ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đang phối hợp với các bên liên quan xây dựng đề xuất dự án về “Tăng cường năng lực thể chế trong quản lý chất thải nhựa và hóa chất ở Việt Nam” huy động nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc. Đề xuất dự án nhằm mục tiêu: (i) Tăng cường, hỗ trợ và thực hiện các chính sách kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị chất thải nhựa; (ii) Tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc hợp tác với các nhà sản xuất nhựa để thiết kế và kéo dài tuổi thọ sản phẩm và (iii) Cải thiện quản lý chất thải để tăng cường việc tái chế, tái sử dụng. Dự kiến, dự án được triển khai thực hiện dự án trong 2 năm.

    Để lấy ý kiến các bên liên quan hoàn thiện đề xuất kỹ thuật, Viện phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức cuộc họp Tham vấn xây dựng đề xuất kỹ thuật huy động nguồn lực hỗ trợ trong quản lý hóa chất và chất thải. Các thông tin hữu ích được chia sẻ tại cuộc họp sẽ giúp tăng cường hiểu biết về hiện trạng quản lý hóa chất và chất thải tại Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong việc hoàn thiện đề xuất dự án cho Việt Nam.

    Tại cuộc họp, TS. Kim Thị Thúy Ngọc, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã giới thiệu về chương trình đặc biệt của UNEP trong quản lý hóa chất và chất thải. Theo đó, chương trình là dự án do quốc gia nộp đề xuất và thực hiện nhằm hỗ trợ tăng cường thể chế quốc gia, áp dụng cách tiếp cận tích hợp để giải quyết vấn đề tài chính cho quản lý hợp lý hóa chất và chất thải, có xem xét các chiến lược, kế hoạch và ưu tiên quốc gia của mỗi quốc gia. Kết quả dự kiến đạt được thông qua Chương trình đặc biệt gồm: Xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, chiến lược, chương trình và luật pháp quốc gia để quản lý hợp lý hóa chất và chất thải; Thúc đẩy việc phê duyệt, giám sát, thực thi luật pháp, khuôn khổ pháp lý để quản lý hợp lý hóa chất và chất thải; Lồng ghép quản lý hợp lý hóa chất và chất thảo vào các kế hoạch phát triển quốc gia, ngân sách quốc gia, chính sách, luật pháp quốc gia và thực hiện ở các cấp, bao gồm giải quyết các khoảng cách, tránh trùng lặp…

    TS. Kim Thị Thúy Ngọc cũng đề xuất ý tưởng huy động tài trợ từ chương trình đặc biệt của UNEP. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ quốc gia thực hiện các mục tiêu tham vọng về kinh tế tuần hoàn và phục hồi tài nguyên trong chuỗi hóa chất và chất thải thông qua tăng cường năng lực thể chế để thực hiện các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn và EPR. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan khác nhau (Chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, Viện nghiên cứu…) để quản lý hiệu quả hóa chất và chất thải nhựa; hỗ trợ giảm thiểu tác động tiêu cực của chất thải nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường bằng cách thực hiện các can thiệp chiến lược trên toàn bộ chuỗi cung ứng tái chế chất thải nhựa và tăng cường năng lực của Việt Nam đối với chất thải nhựa. Dự án cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam thực thi chính sách, luật pháp và quy định về kinh tế tuần hoàn và EPR, thúc đẩy trách nhiệm và sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua việc thực hiện kinh tế tuần hoàn và sản xuất sạch hơn. 3 giải pháp dự kiến được xây dựng bao gồm tăng cường chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chất thải nhựa và hóa chất; Thí điểm thiết kế tuần hoàn và sản xuất sạch hơn cho các nhà sản xuất nhựa tại Việt Nam; Cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua chuỗi giá trị nhựa.

Quang cảnh cuộc họp

    Góp ý cho đề xuất ý tưởng huy động tài trợ từ chương trình đặc biệt của UNEP, một số đại biểu cho rằng, cần làm rõ thêm phạm vị, quy mô, thời gian thực hiện và mô tả tính bền vững của dự án. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá lỗ hổng của thể chế để có tính thuyết phục hơn thông qua việc nghiên cứu các đề tài, dự án đã thực hiện trước đó cũng như tận dụng kết quả của các nghiên cứu đã được triển khai…

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn