Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Tham vấn kỹ thuật xây dựng Dự án “Thực hiện Chương trình hành động chiến lược cho biển Đông và vịnh Thái Lan”

20/09/2024

    Ngày 20/9/2024, tại tỉnh Quảng Bình, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo Tham vấn kỹ thuật xây dựng Dự án “Thực hiện Chương trình hành động chiến lược cho biển Đông và vịnh Thái Lan”, với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ TN&MT); PGS.TSKH. Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT), cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Ngoại giao…; đại diện chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu; các Sở TN&MT tham gia Dự án, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang.

TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo phát biểu khai mạc Hội thảo

    Trong giai đoạn từ năm 2002 - 2008, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã tài trợ Dự án khu vực “Đảo ngược xu thế suy thoái môi trường biển Đông và vịnh Thái Lan”, gọi tắt là Dự án SCS giai đoạn 1, thông qua Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thực hiện, trong đó có Việt Nam. Một trong những kết quả chính của Dự án giai đoạn 1, các quốc gia thành viên đã cùng thông qua Chương trình hành động Chiến lược biển Đông vào năm 2008, với những mục tiêu và hoạt động ưu tiên như quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý ô nhiễm môi trường biển, vấn đề khai thác quá mức nguồn tài nguyên trên biển. Việt Nam ta cũng đã xây dựng Dự thảo một số chương trình hành động chiến lược về bảo tồn và phát triển bền vững rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và vùng đất ngập nước ven biển.

Các đại biểu thảo luận nhóm về quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn

    Trên cơ sở đó, sau nhiều năm nghiên cứu, chuẩn bị, GEF đã phê duyệt một Dự án khu vực mới với tên gọi “Thực hiện Chương trình hành động chiến lược cho biển Đông và vịnh Thái Lan”, nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình hành động Chiến lược biển Đông đã được phê duyệt ở cấp liên Chính phủ năm 2008 tại 6 quốc gia tham gia Dự án bao gồm Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philipin. Tại Việt Nam, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là đầu mối chủ trì xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiên Dự án sau khi được phê duyệt.

  Các đai biểu tham gia thảo luận nhóm về quản lý, bảo vệ san hô và cỏ biển

    Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho hay: “Với mục tiêu tham vấn các bên liên quan đề xuất các nội dung dự kiến thực hiện trong khuôn khổ Dự án; cơ chế phối hợp thực hiện Dự án; cơ chế theo dõi, giám sát Dự án nhằm đạt được kết quả, mục tiêu đề ra. Do đó, Hội thảo này là cơ hội để các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và địa phương; những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, quản trị… là các lĩnh vực trọng tâm của Dự án trao đổi, thảo luận, góp ý và đề xuất các hoạt động dự kiến sẽ thực hiện trong khuôn khổ Dự án; đề xuất cơ chế dự kiến thực hiện có hiệu quả các hoạt động đề xuất sau khi Dự án được phê duyệt.

Các đại biểu thảo luận nhóm về quản lý, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước

    Giới thiệu tổng quan Dự án, TS. Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Viện trưởng, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho biết: Dự án “Thực hiện Chương trình Hành động Chiến lược cho Biển Đông và Vịnh Thái Lan” được triển khai từ tháng 1/2025 - 12/2026) trên 8 tỉnh/thành phố ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại từ GEF cho Dự án (gồm các hoạt động triển khai tại 6 quốc gia) là 15.000.000 USD. Dự kiến kinh phí nguồn ODA không hoàn lại từ GEF cho các hoạt động của Việt Nam là 822.644 (USD). Mục tiêu tổng quan của Dự án là hỗ trợ các quốc gia đạt được các gia Dự án và tham gia các hoạt động tại khu vực. Mục tiêu của Chương trình Hành động chiến lược (SAP) đã được phê duyệt đối với môi trường biển, ven biển của Biển Đông và vịnh Thái Lan thông qua việc thực hiện các hoạt động tại các quốc gia tham gia. SAP đã được thông qua năm 2008 ở cấp liên Chính phủ, thể hiện tầm nhìn chung đã được thống nhất giữa các quốc gia về mục tiêu và hành động nhằm đảo ngược suy thoái môi trường ở Biển Đông. Quyền lợi của Việt Nam khi tham gia Dự án là tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới với các chuyên gia hàng đầu trong khu vực; chia sẻ thông tin về bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái biển bao gồm đất ngập nước, rừng ngập mặn, san hô và cỏ biển; lượng giá hệ sinh thái biển, ven bờ phục vụ công tác quản lý bền vững các hệ sinh thái biển. Cùng phối hợp thực hiện để xác định nguyên nhân, hiện trạng, xu hướng ô nhiễm biển từ đất liền. Dự án được triển khai với 3 Hợp phần: (1) Giảm suy thoái môi trường biển thông qua cải cách quản lý cấp quốc gia và địa phương; (2) Hành động dựa trên tri thức để phục hồi môi trường ven biển, giảm thiểu ô nhiễm trên đất liền; (3) Hội nhập và hợp tác cấp khu vực và cấp quốc gia để thực hiện Chương trình hành động Chiến lược ở biển Đông và vịnh Thái Lan.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

    Để triển khai Dự án hiệu quả trong thời gian tới, Hội thảo đã tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Trường Đại học, Viện nghiên về kết quả nghiên cứu đánh giá hiện trạng quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Việt Nam; Hiện trạng quản lý rạn san hô tại Việt Nam; Hiện trạng quản lý cỏ biển tại Việt Nam và những hoạt động đề xuất thực hiện… Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã trao đổi, thảo luận với các tỉnh/thành phố tham gia Dự án (Quảng Ninh, Thái Bình -  nhóm rừng ngập mặn); Nhóm đất ngập nước (Thái Bình, Bình Định, Tiền Giang); Nhóm san hô và cỏ biển (Khánh Hòa, Kiên Giang, Ninh Thuận, Hải Phòng) nhằm đưa ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể mà Dự án đã đặt ra.

Nam Hưng

Ý kiến của bạn