Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Hội thảo khoa học “Góp ý Đề án bảo vệ môi trường vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”

26/08/2023

    Từ ngày 24 - 25/8/2023, tại TP. Đà Nẵng, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên đã tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Đề án BVMT vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Ông Cù Hoài Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên tham dự và chủ trì Hội thảo.

    Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia và nhà khoa học, đại diện Trung tâm quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên, đại diện của các Sở TN&MT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Ban quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp của 05 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, đại diện Viện Công nghệ môi trường, đại diện Viện TN&MT cùng với Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Phó Chi cục trưởng Cù Hoài Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chi cục trưởng Cù Hoài Nam nhấn mạnh: “Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt phê duyệt Quyết định số 747/1997/QĐ-TTg, 1018/1997/QĐ-TTg và Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ba vùng KTTĐ quốc gia đến năm 2010, bao gồm vùng KTTĐ Bắc bộ, Trung bộ và vùng KTTĐ phía Nam, trong 3 vùng KTTĐ này, vùng KTTĐ miền Trung bao gồm 5 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,Quảng Ngãi và Bình Định. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là xây dựng vùng KTTĐ miền Trung thành trung tâm kinh tế biển mạnh, trở thành vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

    Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế, đặc biệt quá trình công nghiệp hóa trên diện rộng, các nhà máy, xí nghiệp phát triển ồ ạt với quy mô sản xuất lớn, cùng với là hoạt động du lịch, thương mại không ngừng tăng trưởng, vùng KTTĐ miền Trung, vốn là khu vực còn kém phát triển so với mặt bằng chung của cả nước cũng đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế trong công tác BVMT. Quá trình đô thị hóa tại vùng KTTĐ miền Trung cũng kéo theo nhiều áp lực đến môi trường, gây quá tải hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom xử lý đạt yêu cầu, bụi; tiếng ồn và ô nhiễm không khí từ các công trình xây dựng và công nghiệp. Những nguyên nhân này đã dẫn đến nhiều khu vực bị ô nhiễm môi trường kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và nguy cơ lớn đến môi trường xung quanh.

Toàn cảnh Hội thảo

    Để thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ về phát triển vùng KTTĐ miền Trung đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và BVMT, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên đề xuất nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá những biến động môi trường do quá trình công nghiệp hóa tại vùng KTTĐ miền Trung đến môi trường sống làm cơ sở xây dựng Đề án BVMT vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2025 - 2035”. Trong khuôn khổ chương trình thực hiện nhiệm vụ, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Đề án BVMT vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” là vô cùng cần thiết.

    Tại Hội thảo, đại diện Sở TN&MT của 2 tỉnh Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế đã trình bày các bài tham luận với nội dung nêu lên hiện trạng diễn biến môi trường, những khó khăn, thách thức trong công tác BVMT và định hướng giải pháp trong thời gian tới của từng địa phương, qua đây đã chia sẻ những vấn đề nóng ở mỗi địa phương đang đối mặt để thấy được tầm quan trọng công tác BVMT vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn. Đây cũng là dịp để Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên lắng nghe các ý kiến của các cơ quan quản lý trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên, thông qua kinh nghiệm và ý kiến của các đơn vị, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, đồng thời từ thực tiễn quản lý trực tiếp các vấn đề môi trường trên địa bàn, đại diện các đơn vị có thể kiến nghị các giải pháp để nâng cao chất lượng Đề án nêu trên.

    Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chi cục trưởng Cù Hoài Nam trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với Hội thảo khoa học “Góp ý Đề án BVMT vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”, đồng thời Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học để điều chỉnh, bổ sung để nâng cao chất lượng Đề án BVMT vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 hơn nữa.

Đức Anh

Ý kiến của bạn