Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Hội nghị Triển khai Chương trình hành động của ngành tài nguyên và môi trường

12/01/2024

    Ngày 12/1/2024, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Triển khai Chương trình hành động của ngành TN&MT thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa; Trần Quý Kiên; Lê Công Thành; Lê Minh Ngân đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có ông Bùi Huy Thành, Phó Vụ trưởng vụ V - Ban Tổ chức Trung ương; bà Phạm Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ban Nội chính Trung ương; nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; đại diện lãnh đạo các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trực thuộc Bộ…

    Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ TN&MT đã đề ra Chương trình hành động của ngành TN&MT, đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể: Hoàn thành việc xây dựng chính sách để Quốc hội thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); trình Chính phủ Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; ban hành các văn bản dưới Luật nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa 15 - 20% thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục trong lĩnh vực TN&MT; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện cung cấp dịch vụ công thiết yếu như cấp giấy chứng nhận khi thực hiện các quyền theo hình thức trực tuyến ở 63/63 tỉnh thành phố; đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu ở 530 đơn vị hành chính cấp huyện; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản TN&MT; chuẩn hóa các quy trình điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần đối với các thủ tục thiết yếu để hướng dẫn các địa phương thực hiện các thủ tục dịch vụ công về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thực hiện các quyền.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

    Bên cạnh đó, cải thiện chỉ số thành phần môi trường: 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% hồ chứa thuỷ điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến; khoảng 700 hồ chứa thủy điện, thủy lợi được xác định và công bố dòng chảy tối thiểu sau đập; 20% số trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn được tự động hóa để từng bước hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại, tự động hoàn toàn và kết nối, chia sẻ số liệu với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới; 100% thiên tai bão, lũ, được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy; hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn kết nối trong lưu vực sông Mê Công; tăng cường năng lực giám sát môi trường, khí tượng thủy văn. Ngoài ra, hoàn thiện hệ quy chiếu quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc bản đồ và viễn thám đồng bộ, hiện đại, cập nhật kịp thời để cung cấp cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; 39% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 80% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số đăng ký tài sản trong xếp hạng quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất 2 bậc…

    Trong phần trao đổi, thảo luận, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã báo cáo, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp và kiến nghị/đề xuất nhằm khơi thông điểm nghẽn để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đồng thời, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh Hội nghị

    Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, năm 2024 được Chính phủ xác định trong Nghị quyết số 01/NQ-CP là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025… Do đó, lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" và “5 quyết tâm”; “6 quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành” đã được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương vừa qua. Để đạt được mục tiêu đề ra, toàn ngành TN&MT cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

    Thứ nhất, Đảng ủy Bộ, các cấp ủy trực thuộc cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng như đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ;

    Thứ hai, Bộ TN&MT tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, trong đó có các dự án Luật và văn bản dưới Luật (Nghị định, thông tư, hướng dẫn); các Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch ngành, lĩnh vực TN&MT bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của ngành…;

    Thứ ba, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung;

    Thứ tư, thực hiện chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách; bám sát tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, nhất là đối với những vấn đề cấp bách phát sinh trong ngắn hạn; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn.

    Thứ năm, lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ đẩy mạnh làm việc với địa phương, cơ sở để nắm bắt kịp thời, đầy đủ kết quả thực thi chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực được giao quản lý; thực hiện nghiêm các quy định về phân công, phân cấp, bảo đảm rõ trách nhiệm và theo nguyên tắc Bộ không trực tiếp làm các công việc thuộc thẩm quyền hoặc có thể phân cấp cho địa phương; nâng cao vai trò của Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ trong định hướng chính sách, xây dựng các chiến lược, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của địa phương;

    Thứ sáu, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với mục tiêu xây dựng nền hành chính, công vụ chuyên nghiệp, hiện đại; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về năng lực, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức vừa có lý thuyết chặt chẽ, vừa gắn liền với thực tiễn. Đặc biệt, các Viện nghiên cứu tập trung nguồn lực, trí tuệ để có những nghiên cứu khoa học gắn liền với các công tác nhiệm vụ của Bộ như dự báo tai biến địa chất, thiên tai, đánh giá trữ lượng, thăm dò khoáng sản… để phục vụ công tác quản lý;

    Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai theo chuẩn thống nhất trên phạm vi cả nước gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đã được Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội giao. Bộ trưởng đề nghị Cục Chuyển đổi số và Dữ liệu thông tin tài nguyên môi trường cần tăng cường phối hợp, kết hợp với các đơn vị, vừa tận dụng được thiết bị chuyên dụng của Bộ, vừa có được những cơ sở dữ liệu nguồn của các ngành để tích hợp, đồng bộ phục vụ các nhiệm vụ về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

    Thứ tám, tiếp tụctham gia các sáng kiến quốc tế và khu vực về TN&MT, nâng tầm ngoại giao môi trường, khí hậu nhằm thu hút nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm, phục vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về TN&MT, góp phần phát triển bền vững đất nước;

    Thứ chín, cần hoàn thiện công cụ đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, đề cao các tiêu chí về: Thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Bộ những vấn đề mang tầm chiến lược, dài hạn, có tính chất căn cơ; mức độ nắm bắt, sâu sát tình hình địa phương, cơ sở; chất lượng, hiệu quả giải quyết, xử lý kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp (DN).

    Ngày 5/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, gồm:

    1. Quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; chủ động, tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Tập trung tổng kết các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026 - 2030.

    2. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp với ngoại lực là quan trọng, cần thiết, đột phá, thường xuyên.

    3. Tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách. Bám sát tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, nhất là đối với những vấn đề cấp bách phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn.

    4. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

    5. Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; chú trọng xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, phát huy những giá trị thuần phong, mỹ tục; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Thực hiện tốt các chính sách người có công, đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, BVMT, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số.

    6. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân.

    Cũng trong ngày 5/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Nghị quyết xác định quan điểm chỉ đạo là quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kết luận của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN theo đúng quy định của Hiến pháp 2013; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN.

    Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; thực hiện đánh giá tác động toàn diện dựa trên luận chứng khoa học và thực tiễn trước khi đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định tác động tới người dân, DN. Thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến; đảm bảo tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; và đối thoại công khai để tạo sự đồng thuận.

    Không ban hành các quy định yêu cầu DN chia sẻ thông tin, dữ liệu nằm ngoài thẩm quyền và phạm vi quy định tại văn bản pháp luật. Yêu cầu DN chia sẻ dữ liệu phải phù hợp với pháp luật, thẩm quyền, phạm vi quản lý và kèm theo các quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ thông tin, dữ liệu của DN.

    Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính gây chi phí cho người dân, DN; giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng thời hạn và không được đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với DN. Thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật.

    Duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt, tiên tiến về quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách về môi trường kinh doanh để thích ứng linh hoạt, phù hợp với những xu thế phát triển mới như: Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn