Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp

11/04/2024

    Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 11/4/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn DN phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) tổ chức Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trong khu công nghiệp (KCN): Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp (DN)”.

    Sử dụng ĐMTMN giúp tăng tính chủ động, giảm rủi ro và phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định, phê duyệt ban hành ngày 15/5/2023 đã định hướng rõ chủ trương phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch điện VIII cũng nhấn mạnh cần tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền…


Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn

    Quy hoạch điện VIII còn đề cập đến nguồn ĐMTMN, trong đó, cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia), đặc biệt là nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

    Theo đó, ĐMTMN là nguồn năng lượng sạch, tái tạo và không gây ra khí thải nhà kính hay ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng ĐMTMN góp phần giảm thiểu lượng than và dầu khí cần thiết để phát điện truyền thống, từ đó giảm được lượng carbon dioxide và các khí nhà kính khác thải ra không khí. Đây là một hành động thiết thực để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ĐMTMN là nguồn năng lượng độc lập, không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia hay các nguồn nhập khẩu. Việc sử dụng ĐMTMN giúp tăng tính chủ động, giảm rủi ro và phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống.

    Về tương lai lâu dài, ĐMTMN còn nâng cao vị thế cạnh tranh. Theo đó, ĐMTMN không chỉ giúp các DN sản xuất và xuất khẩu sản phẩm tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế. Các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu các DN xuất khẩu phải chứng minh quy trình xanh hóa trong sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội…

    PGS. TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sự phục hồi kinh tế vĩ mô trong quý I/2024 báo hiệu sự khởi sắc về thương mại quốc tế, thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và xuất khẩu của quốc gia. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, các FTA thế hệ mới đòi hỏi những cam kết sâu rộng và toàn diện bảo vệ môi trường và phát thải nhà kính thấp. Vì vậy, điện mặt mái nhà đang là nguồn năng lượng xanh hữu ích nhất giúp DN giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “Chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, thực hiện trách nhiệm xã hội, BVMT.

    Để thực hiện quy định điện VIII, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế khuyến khích ĐMTMN phù hợp với quy hoạch hệ thống năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là Bộ Công Thương đang đề xuất chỉ ưu tiên khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu tại hộ dân, công sở, chưa khuyến khích tại các cơ sở khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ điện lớn như các DN, nhất là DN trong KCN lớn. Bởi điện mái nhà vừa giúp DN giảm chi phí năng lượng, vừa có thể đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa sản xuất.

    Một số khó khăn trong việc áp dụng ĐMTMN trong tại các KCN

    Chia sẻ tại Diễn đàn, ở góc độ DN, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may có rất nhiều DN nằm trong KCN (KCN), khoảng trên 1.200 DN với 610.000 lao động nằm trong KCN. Hiện tại, khoảng 30 - 50% DN tùy theo vùng, miền đã lắp đặt ĐMTMN. Tuy nhiên, còn một số khó khăn như điều kiện thời tiết, cơ chế về ĐMTMN cho DN, KCN chưa rõ ràng, DN lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh... Đồng thời, ông Cẩm nhấn mạnh, hiện nay chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết ĐMTMN. Quyết định 262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. ĐMTMN đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu, do đó, cần các cơ quan đưa ra những quy định dưới Luật để giải thích rõ thì DN mới triển khai được. Bên cạnh đó, để xử lý các tấm pin, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách tổng thể và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư, lắp đặt, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy cho DN, KCN thống nhất trong cả nước; có quy định cụ thể về cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện mái nhà trong các KCN, khu kinh tế.

    Bà Nguyễn Như Thanh Thư, Trưởng bộ phận Năng lượng tái tạo, KCN Deep C cũng thông tin, tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương đều cho phép các đơn vị đầu tư ĐMTMN đầu tư lắp đặt trên mái nhà công trình xây dựng; quy định giá mua bán cũng như hợp đồng mua bán điện được phép do bên mua và bên bán tự thỏa thuận. Tuy nhiên, quy mô ĐMTMN bị giới hạn trong phạm vi 1MW hoặc 1.25 MWp, vì vậy không phát huy được hết tiềm năng mái, hoặc phải phân tách quy mô đầu tư, dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính và chi phí đầu tư. Đặc biệt, theo Điều 5, Dự thảo Nghị định Phát triển về phát triển điện mặt trời áp mái có nêu: ĐMTMN có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển ĐMTMN chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả việc không bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nghĩa là không có đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện); ĐMTMN trong phạm vi KCN (KCN), liên kết với lưới điện phân phối cấp trung áp do KCN tự đầu tư vận hành và đảm bảo không phát điện dư lên lưới điện quốc gia (ĐMTMN đầu tư theo mô hình sau công-tơ trên phạm vi KCN)”. Nếu quy định đã nêu được áp dụng cho mô hình ĐMTMN trong KCN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động phát triển Năng lượng tái tạo tại DEEP C.

Toàn cảnh Diễn đàn

    Ông Nguyễn vũ Chiên, Phó Trưởng Ban Quản lý KCN tỉnh Nam Định chia sẻ, hiện nay, tỉnh Nam Định có tổng cộng 6 KCN, trong đó một số nhà máy nhỏ đã đáp ứng được các yêu cầu về xuất khẩu xanh và sử dụng ĐMTMN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà máy khác có nhu cầu kết nối và ký hợp đồng sử dụng điện mặt trời trên mái nhà nhưng gặp phải nhiều khó khăn. Thứ nhất là văn bản từ Tổng công ty Điện lực Miền Bắc thông báo các công ty điện lực trong khu vực đã tạm dừng việc thỏa thuận kết nối điện mặt trời vào mạng lưới điện quốc gia. Điều này làm cho các DN địa phương mất phương hướng và chưa thể đưa ra các giải pháp phù hợp. Thứ hai là các DN đang phải đối mặt với vấn đề chi phí đầu tư. Cụ thể, để đầu tư sản xuất 1 MW điện cần khoảng 13 tỷ VNĐ, khiến cho các DN lo ngại về việc thu hồi vốn. Thứ ba là mùa nóng ở Nam Định nói riêng, miền Bắc nói chung chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, với ánh sáng mặt trời không đủ mạnh như miền Trung và miền Nam, dẫn đến lượng năng lượng tiêu thụ không đáng kể, làm giảm lợi nhuận so với chi phí đầu tư ban đầu… Mặc dù tỉnh Nam Định đã gửi văn bản yêu cầu Bộ Công Thương hỗ trợ việc sử dụng ĐMTMN cho KCN, nhưng vẫn chưa có cơ chế hoặc quy định cụ thể từ phía Chính phủ để giải quyết triệt để vấn đề trên. Từ những lý do nêu trên, ông Nguyễn Vũ Chiên hy vọng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn cũng như phương pháp thực hiện việc xây dựng, lắp đặt hệ thống ĐMTMN cho địa phương.

    Cần có cơ chế hỗ trợ DN phát triển ĐMTMN trong KCN

    Mặc dù có nhiều lợi ích thiết thực, là nguồn năng lượng sạch, tái tạo và không gây ra khí thải nhà kính hay ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng ĐMTMN góp phần giảm thiểu lượng than, dầu khí cần thiết để phát điện truyền thống, từ đó giảm được lượng carbon dioxide và các khí nhà kính khác thải ra không khí. Đây là hành động thiết thực để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN cho DN vẫn chưa được triển khai, thúc đẩy, do chưa có quy định, tiêu chí cụ thể; các thủ tục, văn bản hướng dẫn từ các Bộ, ngành chưa được rõ ràng, nhất quán…. Đặc biệt , việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, cũng như đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) áp dụng thời gian tới sẽ tác động rất lớn đến một số ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước. Vì vậy, các DN mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các KCN, khu chế xuất. Cùng với đó, DN đề xuất các Bộ/ban, ngành sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan như: Thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, BVMT, phòng cháy chữa cháy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích DN mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong trong sản xuất.

    Ngoài ra, để tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt, DN đề xuất các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống ĐMTMN gồm; (tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược zero export...); tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn phát đúng quy trình, giúp thuận lợi trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu đưa hệ thống ĐMTMN vào vận hành hoạt động ổn định. Đồng thời, các tỉnh thành cũng cần phân bổ phòng ban kiểm soát một cách chặt chẽ về sản lượng lắp đặt ĐMTMN tại các KCN, khu chế xuất ở địa phương.

    Diễn đàn đã lắng nghe các tham luận về: Hiện trạng - Giải pháp phát triển ĐMTMN; hoàn thiện chính sách, khuyến khích thúc đẩy phát triển ĐMTMN; phát triển ĐMTMN hướng đến mục tiêu góp phần giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa các-bon tại Việt Nam; Lợi thế ĐMTMN giúp DN Dệt may tiết giảm chi phí và ưu thế khi xuất khẩu… Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự đã tập trung chia sẻ, trao đổi, thảo luận về một số nội dung chính như thủ tục trong đầu tư lắp đặt; nguồn vốn nào hỗ trợ giúp DN chuyển dịch năng lượng; các ý kiến đề xuất giải pháp về bài toán xây dựng lộ trình phát triển ĐMTMN trong KCN; thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng; tận dụng nguồn năng lượng xanh từ hệ thống ĐMTMN giúp DN sớm tiến tới mục tiêu xanh hóa và trung hòa các-bon tại Việt Nam…

    Hội thảo chia làm 2 phiên: Phiên 1: Lợi ích và khả năng cạnh tranh của năng lượng tái tạo, tập trung vào các vấn đề lợi ích tài chính, nâng cao giá trị cạnh tranh khi DN sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo; lợi ích thực tế của DN đã sử dụng ĐMTMN trong KCN (Số liệu thực tế từ khảo sát của nhóm nghiên cứu VEPR); ĐMTMN trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm; năng lượng tái tạo, tiêu chí của các KCN sinh thái; những vướng mắc từ thực tế của DN. Phiên 2: Giải pháp thực hiện và bài toán tài chính đầu tư xoay quanh các nội dung: Bài toán tài chính cho DN có nhu cầu chuyển dịch năng lượng; phương án thi công cho DN sản xuất; công nghệ mới, giải pháp an toàn hệ thống ĐMTMN trong KCN; quy chuẩn thiết bị sử dụng cho hệ thống ĐMTMN; kinh nghiệm từ quốc tế và ứng dụng ở Việt Nam; đề xuất, góp ý về xây dựng kế hoạch phát triển ĐMTMN trong KCN.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn