Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Công bố Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai

11/01/2024

    Ngày 9/1/2024, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị công bố “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đối với 3 lưu vực sông, bao gồm: Sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh theo monre)

    Giới thiệu Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đối với 3 lưu vực sông, bao gồm: Sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai, ông Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, việc lập quy hoạch các lưu vực sông trên nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông và toàn vùng quy hoạch; tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái. Đồng thời, nhằm bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Cụ thể, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích lưu vực sông Mã nằm trong lãnh thổ Việt Nam thuộc địa giới hành chính các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng diện tích 17.653 km2; chia thành 8 tiểu vùng quy hoạch. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã sẽ đạt được một số chỉ tiêu cơ bản như: 60% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp; 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không được san lấp được công bố và quản lý chặt chẽ… Tầm nhìn đến năm 2050, tại lưu vực sông Mã sẽ phòng, chống sạt, lở bờ sông, suối có hiệu quả; kiểm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông; kiểm soát được ngập úng do mưa, lũ thông qua các biện pháp phi công trình, công trình trữ nước tại vùng ngập, vùng trũng.

    Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt được một số chỉ tiêu chính như: 100% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp; 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 100% hồ, ao, kênh, rạch có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa không được san lấp được công bố và quản lý chặt chẽ. Tầm nhìn đến năm 2050, tại lưu vực sông Hương sẽ phòng, chống sạt, lở bờ sông, suối có hiệu quả; kiểm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông; hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh.

    Đối với lưu vực sông Đồng Nai, quy hoạch xác định phạm vi lập quy hoạch gồm diện tích lưu vực sông này thuộc địa giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng và phần diện tích các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt được một số chỉ tiêu chính như: 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 80% công trình khai thác, sử dụng nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 70% hồ, ao, kênh, rạch có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không được san lấp được công bố và quản lý, bảo vệ. Tầm nhìn đến năm 2050, tại lưu vực sông Đồng Nai sẽ kiểm soát được ngập úng do triều cường, do mưa, lũ thông qua các biện pháp phi công trình, công trình trữ nước tại vùng ngập, vùng trũng; phục hồi các khu vực bị suy giảm mực nước dưới đất quá mức, các dòng sông, kênh, rạch bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng.

Quang cảnh Lễ công bố (Ảnh theo monre)

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, các quy hoạch sẽ là căn cứ quan trọng, phục vụ rất đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông; hướng tới, tài nguyên nước các lưu vực sông được quản lý, bảo vệ như tài sản công và đúng với giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên 3 lưu vực sông. Ngoài ra, việc các quy hoạch được công bố công khai sẽ đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, và doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đưa ra các chương trình, kế hoạch thực hiện tốt, từ đó sẽ giúp người dân doanh nghiệp tin tưởng vào hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

    Với quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, liên vùng và giữa các địa phương trên cùng lưu vực, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các cơ quan quản lý của Bộ phải tăng cường hơn nữa phối hợp, kết hợp với các Bộ, ngành, địa phương, phân định rõ trách nhiệm để việc quản lý tài nguyên nước đảm bảo được mục đích, yêu cầu của từng dòng sông, từng địa phương, đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm làm “sống lại các dòng sông chết”, từ đó đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa những vi phạm; đưa ra những đánh giá tổng thể và đưa ra các giải pháp để từ đó tham mưu các chính sách cho các Bộ, Chính phủ chỉ đạo kịp thời đáp ứng với thực tiễn đặt ra bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị, cơ quan sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng các quy hoạch đảm bảo chất lượng, làm tiền đề cho việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả và bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Phùng Quyên - Nam Việt

Ý kiến của bạn