Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Cơ hội và thách thức trong phát triển điện khí ở Việt Nam

24/01/2024

    Ngày 24/1/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Hội thảo phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”. Hội thảo có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS).

    Trong những năm gần đây, trong khi biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động rõ nét lên môi trường sống trên Trái đất, nguồn phát thải ô nhiễm đã được chú ý giảm thiểu; việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than đá, dầu thô) ngày một hạn chế; con người đang hướng tới sử dụng những dạng nhiên liệu bền hơn, sạch hơn, ít gây ô nhiễm môi trường hơn. Việc đưa vào sử dụng, phát triển điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với BVMT… Song thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vấn đề này trở thành hiện thực. Trước thực trạng trên, Hội thảo phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức được tổ chức nhằm đưa ra những kiến nghị/đề xuất góp phần giải quyết các vướng mắc, bất cập để tiếp tục phát triển điện khí theo định hướng tại Quy hoạch điện VIII, đồng thời, tạo căn cứ khoa học để đề nghị các cấp thẩm quyền sớm ban hành chính sách, pháp luật phù hợp để thực thi hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện các cam kết quốc tế về ngăn chặn ảnh hưởng của BĐKH…

TS. Mai Duy Thiện, Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam

phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Mai Duy Thiện, Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Trong đó xác định rõ một trong những mục định hướng phát triển điện lực quốc gia là khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, kết hợp với nhập khẩu, giảm dần tỷ lệ nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn LNG (LNG) nhập khẩu với quy mô phù hợp. Cơ cấu nguồn định hướng đến năm 2030 nhiệt điện khí trong nước đạt 14.930 megawatt (MW), chiếm 9,9 %, nhiệt điện  khí thiên nhiên hóa lỏng và 22.400 megawatt (MW) đạt 14,9 %...

    Theo TS. Mai Duy Thiện, việc phát triển LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sử dụng nhiệt điện than, giảm phát thải, BVMT, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vì LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào cam kết quốc tế về giảm phát thải gây ô nhiễm, sau Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP 21). Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang hướng phát triển năng lực xanh sạch, nhất là phát triển LNG là việc làm không dễ, bởi các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lớn… Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG ở Việt Nam chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thậm chí Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, địa điểm thiết kế, xây dựng, vận hành và các cơ sở hạ tầng phục vụ cho khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu… Do đó, việc phát triển LNG rất cần sự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động, chính sách và tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất…

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe tham luận về: Phát triển điện khí LNG - Cơ hội và thách thức; một số khó khăn, thách thức trong phát triển nhiỆt điỆn khí tại Việt Nam; Các giải pháp nhằm phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII; những rào cản về cơ chế và giá trong phát triển điện khí LNG tại Việt Nam; giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện khí; cơ chế về thuế, phí nhằm khuyến khích phát triển điện khí LNG tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

    Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cho rằng, hiện nay, thị trường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu trong các quy hoạch điện. Vẫn thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận giữa các chủ thể trong chuỗi dự án LNG… Mặt khác, vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện LNG vẫn còn trong quá trình nghiên cứu, xem xét…

    Chia sẻ rào cản về cơ chế và giá trong phát triển LNG, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hay quy định cụ thể cho việc phát triển LNG; chưa có quy định hay tiêu chuẩn trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng. Việc xây dựng nhà máy LNG cũng đòi hỏi phải gần vị trí kho cảng nhập khí thiên nhiên hóa lỏng trong khi kho cảng phải xây dựng gần cảng nước sâu để phục vụ cho tàu khí thiên nhiên hóa lỏng trọng tải lớn. Vì vậy, cùng với yêu cầu vị trí xây dựng có thể đấu nối vào lưới truyền tải thì yêu cầu liên quan đến kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng cũng đang là thách thức với các nhà đầu tư. Ngoài ra, ở Việt Nam vẫn tồn tại rào cản về quy hoạch, do đó, Chính phủ cần sớm phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để triển khai các khâu nguồn - lưới đồng bộ…

    Trong phần thảo luận, các chuyên gia đã tập trung phân tích, nhận định và đánh giá tổng quan tiến trình phát triển điện khí nói riêng, phát triển năng lượng xanh, sạch, bền vững tại Việt Nam hiện nay nói chung; nêu thực trạng, cơ hội cũng như thách thức trong quá trình xây dựng hệ thống cơ chế chính sách phát triển điện khí tại Việt Nam, từ đó kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tìm giải pháp tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thu hút đầu tư vào các dự án điện khí. Đồng thời,đẩy mạnh thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải các-bon, chiến lược, tầm nhìn của Việt Nam đối với việc đẩy mạnh phát triển điện khí trong trung - dài hạn, theo hướng ngày càng chú trọng đến việc phát triển năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng mới, đi kịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.

    Trên cơ sở đó, các chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng khung pháp lý, công khai các quy hoạch năng lượng, hệ thống đấu nối và những vấn đề liên quan khác để tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, cơ chế chính sách thông thoáng, minh bạch, công bằng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo cơ chế thị trường. Đồng thời, mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ để cung cấp thêm trữ lượng,sản lượng khai thác ở các khu vực tiềm năng, sâu và xa bờ, đáp ứng kế hoạch phát triển công nghiệp khí giai đoạn tới; xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể cho vấn đề nhập khẩu LNG để hình thành thị trường LNG; tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu LNG… nhằm thúc đẩy phát triển điện khí trong thời gian tới.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn