Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam: Tạo động lực chung hành động giảm ô nhiễm nhựa

18/12/2023

    Ngày 15/12/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 3 Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam, với chủ đề “Tạo động lực chung hành động giảm ô nhiễm nhựa”. Sự kiện do Bộ TN&MT phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

    Theo báo cáo của Chương trình NPAP Việt Nam, năm 2023, dưới sự định hướng của Bộ TN&MT, sự điều phối và hỗ trợ kỹ thuật của UNDP tại Việt Nam, Chương trình NPAP Việt Nam đã xây dựng và mở rộng mạng lưới tham gia với gần 200 tổ chức doanh nghiệp kết nối, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề cung quan tâm liên quan đến đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; đổi mới, sáng tạo để giảm ô nhiễm nhựa, huy động tài chính và đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa, các giải pháp góp phần thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). NPAP Việt Nam cũng đã thành lập Nhóm kỹ thuật Đổi mới sáng tạo và Tài chính để giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia từ các cơ quan Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng chung tay thúc đẩy những ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhằm điều hướng cho những thay đổi tích cực trong giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa. Đến nay, đã có 40 nhà đổi mới sáng tạo đã hoàn thành thử nghiệm qua các giai đoạn ương mầm và tăng tốc trong tổng số 138 chương trình, dự án, sáng kiến về giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam hoặc dự án khu vực có hợp phần liên quan đến Việt Nam. Trong đó, có 7 sáng kiến, dự án đổi mới sáng tạo ấn tượng từ các nhà đổi mới sáng tạo được đánh giá có năng lực và khả năng sáng tạo tác động đã được giới thiệu và thúc đẩy quan nền tảng NPAP.

    Ngoài ra, NPAP Việt Nam phối hợp UNDP và các đối tác hỗ trợ Việt Nam bắt đầu thảo luận định hướng nghiên cứu, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng nhựa và rò rỉ rác thải nhựa trên đất liền và trên biển phục vụ quá trình đàm phán hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; Xây dựng báo cáo nghiên cứu, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; báo cáo đánh giá hiện trạng về giới trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam...

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định, trên bình diện thế giới, NPAP cũng đã đóng góp tiếng nói của mình tại Hội nghị thượng đỉnh về nhựa, các Hội nghị đám phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về nhựa. Gần đây nhất là tại Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa tại Kenya từ ngày 12 - 19/11/2023. Những kết quả trên đạt được là nhờ sự chủ động, tích cực triển khai các hoạt động của mỗi thành viên Tổ công tác, của các Nhóm kỹ thuật. Thứ trưởng cũng cho biết thêm, trong tháng 12/2023, Bộ TN&MT cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong triển khai NPAP tại COP28, nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa. Do đó, Hội nghị hôm nay không chỉ đánh giá thành tựu năm 2023 mà còn nhìn nhận nhiệm vụ dẫn đầu của NPAP vào giai đoạn "chủ động hơn và bền vững hơn" trong thời gian tới. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các thành viên Tổ công tác tiếp tục phát huy trách nhiệm, sự chủ động trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đưa ra nhiều giải pháp mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời, mở rộng mạng lưới đối tác và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng để thực hiện mục tiêu chung của NPAP, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung chung toàn cầu cũng như thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam.

    Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá các thành tựu, kết quả đạt được của NPAP trong năm 2023, thống nhất chung tay thúc đẩy các hành động giải quyết ô nhiễm nhựa hiệu quả trong năm 2024 và tạo tạo động lực giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam vào năm 2025.

    Trong khuôn khổ Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ra mắt của Nhóm kỹ thuật về Bình đẳng giới và Phát triển bao trùm NPAP, do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam và Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (ISPONRE) đồng chủ trì. Tham gia Nhóm kỹ thuật có 16 thành viên, bao gồm từ nhà hoạch định chính sách, đơn vị thu gom tái chế, các nhà đầu tư tạo tác động, nhà đổi mới sáng tạo và chuyên gia về giới. Mục tiêu của Nhóm kỹ thuật này sẽ tập trung giảm thiểu ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa thông qua thúc đẩy các giải pháp can thiệp về giới và vấn đề bao trùm, với cân nhắc kỹ vai trò của phụ nữ, nam giới và các nhóm xã hội khác nhau trong hỗ trợ thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn