Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nước bền vững và rủi ro thiên tai

30/05/2024

    Ngày 30/5/2024, tại Hà Nội, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học và công nghệ - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, chuyên gia đến từ các Bộ, ban, ngành. Hội thảo gồm 3 phiên họp với các nội dung Khí tượng - Khí hậu và khí tượng nông nghiệp; Thủy văn và hải văn; Biến đổi khí hậu và môi trường.

TS. Nguyễn Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu phát biểu khai mạc phiên họp

    Phát biểu khai mạc phiên họp về Thủy văn và hải văn, TS. Nguyễn Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết, Chương trình Thủy văn quốc tế (IHP) là chương trình liên Chính phủ của Liên hợp quốc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế về thủy văn, quản lý tài nguyên nước, giáo dục và nâng cao năng lực về đánh giá, quản lý tài nguyên nước và phát triển bền vững. UNESCO đã ban hành Chương trình IHP giai đoạn 9 (2022 - 2029) với tầm nhìn hướng đến thế giới an toàn về nước, quản lý tổng hợp hiệu quả nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những chương trình ưu tiên của IHP Việt Nam giai đoạn 2022 - 2029 là phát triển và áp dụng các công cụ, cách tiếp cận có cơ sở khoa học để quản lý nước bền vững, quản lý rủi ro thiên tai và giải quyết các thách thức về an ninh nước. Đồng thời, Luật Tài nguyên nước Việt Nam, vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 cũng đã quy định việc phòng, chống và khắc phục tác hại của lũ, lụt, nước biển dâng, mưa đá, mưa axít và các tác hại khác của nước do thiên tai gây ra.

    TS. Nguyễn Quốc Khánh cũng cho biết thêm, được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ là đầu mối quốc gia của Chương trình Thủy văn Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (IHP) Việt Nam, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khoa học và công nghệ - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”. Phiên họp Thủy văn và hải văn nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế được tổ chức nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và đề xuất nghiên cứu về quản lý nước bền vững và rủi ro thiên tai, trong đó tập trung vào việc phát triển, áp dụng các công cụ tiên tiến để dự báo, đánh giá, quản lý rủi ro thiên tai và liên kết giữa quản lý nước bền vững với quản lý rủi ro thiên tai, nhằm ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả. Đồng thời gắn kết các nội dung nghiên cứu của Chương trình IHP và việc triển khai áp dụng Luật Tài nguyên nước.

Đại biểu Hồ Diệu Huyền - Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ tại phiên họp

    Chia sẻ về nội dung quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng ở một số nước châu Phi và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đại biểu Hồ Diệu Huyền - Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, quản lý thiên nhiên dựa vào cộng đồng (CBNRM) là cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm để tích hợp bảo tồn và phát triển cơ sở tài nguyên thiên nhiên, góp phần giải quyết vấn nạn đói nghèo và bệnh tật. Hình thức quản lý này đã và đang được triển khai tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, trong đó có một số nước tại châu Phi (Botswana và Namibia) và Việt Nam. Hiệu quả hoạt động của CBNRM tại Botswana và Namibia trong thời gian qua cho thấy, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể, thống nhất, đồng bộ việc thực hành quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng; trước khi đưa vào vận hành mô hình quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng cần cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng vận hành mô hình cho người dân; vận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong việc hỗ trợ cộng đồng thực hiện hoạt động quản lý tài nguyên nước, kết hợp với huy động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ… Đây là những kinh nghiệm rất hữu ích cho Việt Nam trong việc áp dụng mô hình này.

Quang cảnh phiên họp

    Về cảnh báo sớm mức độ hạn hán vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng mô hình mạng long short term memory (Bộ nhớ gần xa - LSTM) kết hợp chỉ số thiếu hụt dòng chảy, ThS. Trần Đức Thiện, Viện Khoa học Tài nguyên nước cho biết, mô hình LSTM được sử dụng để cảnh báo lượng nước mùa cạn vào vùng đồng bằng sông Cửu Long mà không cần các số liệu địa hình và dự báo mưa. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số thiếu hụt dòng chảy đã nắm bắt tốt các đợt hạn điển hình đã xảy ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở dữ liệu dòng chảy tại các trạm thủy văn, có thể sử dụng mô hình này để cảnh báo sớm lượng nước mùa cạn vào vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Tại phiên họp, các đại biểu còn được thông tin thêm một số nội dung về phân tách tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người đến dòng chảy năm, dòng chảy mùa cạn ở vùng thượng lưu vực sông Đà; phương pháp, công cụ và kết quả đánh giá khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống lũ trên lưu vực sông Hồng; Sử dụng các đồng vị ổn định để nghiên cứu sự tương tác giữa nước mặt và nước ngầm: nghiên cứu trường hợp ở vùng sông Thạch Hãn…

Mai Hương

Ý kiến của bạn