Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật: Thiếu chế tài - Khó thực thi

15/09/2015

         Sau 3 năm triển khai Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu trên phạm vi cả nước, công tác xử lý tồn lưu thuốc BVTV tại các địa phương trên cả nước bước đầu đã gặt hái được những hiệu quả, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ.       Những tín hiệu đáng mừng      Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, hiện cả nước có 1153 điểm ô nhiễm hóa chất thuốc BVTV tồn lưu trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố. Sau 3 năm triển khai cùng với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành và địa phương thì hiện cả nước đã có 251/864 khu vực bị ô nhiễm do hóa chất tồn lưu thuốc BVTV gây ra đã được cải thiện để xây dựng nhà ở. Trong đó có 14/864 khu vực được xây dựng và cải tạo thành trường mầm non, trường học, 26/864 đã được xây dựng để làm trụ sở các đơn vị hành chính sự nghiệp.      Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010 tới năm 2015, cả nước sẽ xử lý được 240 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Công việc này được giao cho Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành, các Ủy ban tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Trong 3 năm (từ 2011 - 2013), cả nước đã xử lý được 40 điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu, trong đó có 10 điểm đã được xử lý và 30 điểm đang tiến hành xử lý. Ngoài các điểm hóa chất BVTV tồn lưu có trong phụ lục tại Quyết định số 1946/ QĐ-TTg, các địa phương cũng đã điều tra, khảo sát, bổ sung mới 383 điểm bị ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên cả nước, điển hình như Hà Tĩnh 154 điểm, Quảng Bình 80 điểm... Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, khi triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành liên quan đã từng bước hoàn thiện dần cơ chế, chính sách BVMT tại các khu vực bị ô nhiễm. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu. Nhờ vậy, vốn phân bổ cho công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được tăng lên qua các năm. Công nghệ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường do hóa chất BVTV phát triển và ngày càng đa dạng.      Hoàn thiện pháp luật - ngăn chặn hành vi vi phạm      Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật hiện hành trong xử lý ô nhiễm tồn dư thuốc BVTV vẫn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn khi thực hiện; các quy định còn thiếu và chung chung, khó triển khai áp dụng trên thực tiễn. Bên cạnh đó, chưa có sự thống nhất trong việc phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ TN&MT hay bộ NN&PTNT sẽ là cơ quan chủ trì xây dựng và ban hành các quy định về xử lý ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV tồn lưu. Các văn bản pháp luật vẫn còn thiếu các biện pháp chế tài phù hợp đối với hành vi vi phạm; Chưa có quy định hợp lý về việc thải bỏ bao bì đựng hóa chất BVTV và thải bỏ hóa chất BVTV quá hạn sử dụng…      Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giải pháp quan trọng để quản lý và xử lý các điểm ô nhiễm thuốc BVTV hiện nay là việc cụ thể, chi tiết hóa các văn bản pháp luật về xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng, các địa phương cần tập trung cô lập các điểm ô nhiễm và dần xử lý giảm thiểu mức độ ô nhiễm. Để làm được điều này, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời cần có sự tham gia của chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân khác.      Ngoài ra, cần thống nhất quan điểm pháp lý về xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm tồn lưu thuốc BVTV, qua đó tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm tồn lưu thuốc BVTV.   Theo Monre
Ý kiến của bạn