Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Xử lý ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu dựa vào mục đích sử dụng đất

15/09/2015

    Đây là một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới về ngưỡng xử lý hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất QCVN 54:2013/BTNMT tại Thông tư số 43 của Bộ TN&MT (ngày 25/12/2013) và được trình bày tại Hội thảo “Giới thiệu và hướng dẫn áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong quản lý, xử lý hóa chất BVTV tồn lưu”  do Tổng cục Môi trường tổ chức vào ngày 8/4/2014 tại Hà Nội.          Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, hiện cả nước có 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất thuốc BVTV tồn lưu trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố. Cùng với sự tích cực vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, hiện cả nước đã có 251/864 khu vực bị ô nhiễm do hóa chất tồn lưu thuốc BVTV được cải thiện để xây dựng nhà ở. Trong đó có 14/864 khu vực được xây dựng và cải tạo thành trường học, 26/864 đã được xây dựng để làm trụ sở các đơn vị hành chính sự nghiệp.      Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên cả nước thì từ năm 2010 - 2015 sẽ xử lý được 240 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.      Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường Nguyễn Hòa Bình cho biết, để triển khai Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013, Bộ TN&MT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới về ngưỡng xử lý hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất QCVN 54:2013/BTNMT tại Thông tư số 43 của Bộ TN&MT (25/12/2013). Đây là bước hoàn thiện quan trọng các quy định pháp lý về BVMT trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu.     QCVN 54:2013 quy định hàm lượng tối đa cho phép sau khi xử lý hóa chất BVTV hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đối với 4 nhóm đất gồm 2 nhóm đất nông nghiệp và 2 nhóm đất phi nông nghiệp: Nhóm 1 gồm các loại đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản; nhóm 2 gồm các loại đất trồng cây lâu năm, đất rừng; Nhóm 3 gồm đất ở, đất xây dựng các công trình văn hóa, đất có di tích lịch sử; Nhóm 4 gồm đất xây dựng các khu công nghiệp…. Theo đó, ngưỡng hóa chất BVTV tồn lưu tại đất nhóm 1 và nhóm 3 có giá trị quy định nghiêm hơn so với đất nhóm 2 và nhóm 4 do tính đến khả năng tích tụ sinh học qua tầng thức ăn, cũng như những tác động đến môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người.   Toàn cảnh Hội thảo        Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường Hồ Kiên Trung, việc giải quyết ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu phải dựa trên đánh giá rủi ro, tác động của ô nhiễm đến con người và môi trường. Vì vậy, cần lựa chọn, ưu tiên xử lý các khu vực ô nhiễm có ảnh hưởng lớn đến con người. Mặt khác, xử lý cần dựa vào mục đích sử dụng đất, không nên tiếp cận theo hướng tất cả các khu vực ô nhiễm đều phải xử lý triệt để như hiện nay. Đồng thời, cần tiếp cận, lựa chọn công nghệ, giải pháp xử lý đơn giản, rẻ tiền nhưng hiệu quả như bao vây, ngăn chặn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.      Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng việc áp dụng giá trị ngưỡng hóa chất BVTV hữu cơ khó phân hủy tồn lưu linh hoạt dựa trên mục đích sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BTNMT là cách tiếp cận hợp lý, phù hợp hơn với thực tế.   Theo Monre  
Ý kiến của bạn