Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Đưa nội dung Quy hoạch bảo vệ môi trường vào Dự thảo Luật

15/09/2015

     Ngày 25/11/2013, tại buổi thảo luận Dự án Luật BVMT (sửa đổi) của Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu đều thống nhất việc đề xuất cần bổ sung thêm nội dung quy hoạch BVMT vào Dự thảo Luật, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT.       Các vụ ô nhiễm môi trường bắt đầu từ thiếu quy hoạch BVMT      Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng, việc đưa quy hoạch BVMT vào Dự thảo Luật lần này là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các địa phương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường thực hiện chức năng quản lý tốt hơn, giúp các tổ chức, cá nhân chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh gắn với công tác BVMT. Quy hoạch BVMT được xây dựng trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt có nghĩa là quy hoạch BVMT sẽ không gây cản trở các quy hoạch phát triển. Quy hoạch BVMT gắn với giải pháp BVMT vùng, lãnh thổ đảm bảo phát triển bền vững.   Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai)        Đồng quan điểm, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhất trí với việc cần thiết phải lập quy hoạch BVMT, đồng thời phải gắn kết từ khâu lập quy hoạch, quản lý theo quy hoạch với việc thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Theo đó, Dự án Luật cần quy định, thể hiện rõ nội dung thẩm quyền, mối quan hệ giữa quy hoạch BVMT với các quy hoạch kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Theo đại biểu, “Không thể để tái diễn tình trạng quy hoạch thủy điện tràn lan liên quan đến sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, vườn quốc gia đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ, ngành, địa phương như hoạt động giám sát của Quốc hội đã đánh giá vừa qua”.      Theo ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), vấn đề xung đột môi trường giữa người dân và doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua như vụ chôn hóa chất ở Thanh Hóa, lũ lụt ở miền Trung… đều bắt nguồn từ thiếu quy hoạch môi trường và không có các quy định rõ ràng đầy đủ về việc quy hoạch các nhà máy, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện Dự thảo Luật đã không nêu vấn đề quy hoạch BVMT một cách rõ ràng. Vì thế, đạic cần đưa thêm các điều khoản quy định rõ các vị trí cấm đặt nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, hóa chất, rác thải…      Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất, để đảm bảo phát triển môi trường cho từng lưu vực sông từng vùng kinh tế trọng điểm, cần thiết quy định quy hoạch BVMT trong đó quy hoạch BVMT cho từng vùng do Bộ TN&MT thực hiện trình Chính phủ thông qua. Các địa phương xây dựng quy hoạch BVMT cho từng địa phương nhưng không được trái với quy hoạch BVMT mang tính chất vùng đã được phê duyệt.      Đề xuất quy định rõ hơn nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu      Về vấn đề ứng phó với BĐKH, theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), cần đưa vào Dự thảo Luật BVMT thành một chương riêng, không thể lồng ghép rải rác ở một số điều, chương mục như hiện nay. Chương này quy định trách nhiệm ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của các ngành, địa phương. Việt Nam đã tham gia Công ước ứng phó với BĐKH nên cần có cơ quan tư vấn và giám sát trách nhiệm ứng phó với BĐKH và thực hiện công ước này hàng năm. Vì thế, cần bổ sung vào Điều 146, điều khoản quy định Bộ TN&MT chủ trì chịu trách nhiệm giám sát các điều ước quốc tế về môi trường và BĐKH.      Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị dự án luật đáp ứng các yêu cầu nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về TN&MT, chủ động ứng phó với BĐKH; Thể chế hóa chính sách của Nhà nước, trách nhiệm cá nhân trong công tác BVMT, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước; Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT vì thực tiễn Luật BVMT 8 năm qua đã chỉ rõ yếu kém là phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT còn nhiều chồng chéo. Bên cạnh đó, đề nghị quy định nhất quán về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ Bộ, ngành Trung ương đến UBND các cấp không thể nửa vời như hiện nay, ở Trung ương là Bộ trưởng, ở địa phương là UBND từ khâu lập quy hoạch, quản lý theo quy hoạch.   Theo Monre
Ý kiến của bạn