Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Ứng phó với hạn hán tại một số quốc gia vùng Sừng châu Phi

05/07/2023

    Vùng Sừng châu Phi (gồm các quốc gia: Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Sudan) là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH). Khoảng 22 triệu người, từ Nam Ethiopia đến Bắc Kenya và Somalia đang phải đối diện nạn đói nghiêm trọng do tình trạng hạn hán tồi tệ nhất ở vùng Sừng châu Phi trong 4 thập kỷ vừa qua. Ngày 16/7/2023, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo cho biết, điều kiện khô hạn nghiêm trọng tại vùng Sừng châu Phi đã khiến khoảng 2,7 triệu người dân nơi đây buộc phải di dời khỏi nơi ở, trong đó tại Somilia khoảng 1,7 triệu người, tại Ethiopia và Kenya lần lượt là 516.000 và 466.000 người. Trước đó, trong bản tóm tắt báo cáo của Tổ chức Phân bổ thời tiết thế giới (WWA) công bố ngày 26/4/2023 cũng nhấn mạnh, BĐKH do con người gây ra đã khiến hạn hán ở vùng Sừng châu Phi có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 100 lần. Mặc dù BĐKH ít ảnh hưởng đến tổng lượng mưa hàng năm trong khu vực nhưng nhiệt độ cao hơn đã làm tăng đáng kể lượng nước bốc hơi từ đất và thực vật, khiến đất khô cằn hơn.

    Kenya đang trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Hạn hán đã tàn phá các cộng đồng dân cư, ảnh hưởng đến ít nhất 4 triệu người trong tổng số 50 triệu dân của Kenya. Để tồn tại, người nông dân chặt cây khô để sản xuất và bán than kiếm sống, dẫn đến mất đa dạng sinh học nghiêm trọng. Hạn hán tàn phá môi trường sống không chỉ của con người mà còn của động vật hoang dã. Hơn 1,5 triệu con gia súc; gần 2% số ngựa vằn quý hiếm nhất thế giới đã chết trong vòng 3 tháng. Kenya là một trong những môi trường sống lớn nhất của voi hoang dã trên thế giới, với khoảng 36.000 con voi ở hai vùng Amboseli và Laikipia-Samburu. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo tại Nairobi hôm 4/11/2022, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Động vật hoang dã Kenya Peninah Malonza cho biết, có tới 205 con voi, 512 con linh dương đầu bò, 381 con ngựa vằn, 12 con hươu cao cổ và 51 con trâu đã chết ở Kenya từ tháng 2 - 10/2022. Nguyên nhân là do cạn kiệt nguồn lương thực cũng như thiếu nước. Còn tại quận Samburu phía Bắc Kenya, một đợt hạn hán kỷ lục ngày càng trầm trọng do BĐKH đang tàn phá sinh kế của con người và môi trường sống của động vật hoang dã khiến động vật hoang dã xuất hiện thường xuyên hơn trong các ngôi làng để tìm kiếm thức ăn và điều này có thể gây nguy hiểm cho con người. Trong đó, nhiều con vật đã bị chết gục, vô tình mang đến cho người dân một nguồn thực phẩm bất đắc dĩ.

Chật vật tìm nguồn nước từ một giếng mở được đào trên lòng sông khô ở làng Kakimat, hạt Turkana, Kenya, ngày 27/9/2022 (Ảnh: REUTERS)

    Để góp phần giải quyết vấn đề này, Chính phủ Kenya đã đào các giếng khoan và vận chuyển nước đến các hồ nước, thức ăn thô xanh, cỏ khô và muối trong nỗ lực cứu động vật hoang dã, vốn là tài nguyên quan trọng thu hút khách du lịch của nước này. Bên cạnh đó, ngày 3/10/2022, sau khi xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến cây trồng biến đổi gen và an toàn thực phẩm, Nội các Kenya, đứng đầu là Tổng thống William Ruto đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với các giống cây trồng và cho phép nhập khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thực vật biến đổi gen. Quyết định này được Tổng thống William Ruto đưa ra trong một cuộc họp nội các thảo luận về tình trạng hạn hán đang diễn ra trong khu vực và xem xét việc hỗ trợ nhân đạo và cung cấp lương thực cứu trợ ở những khu vực đó. Động thái này cũng được xem là một phần trong các biện pháp ứng phó trung và dài hạn đối với tình trạng hạn hán đang diễn ra và là một bước đáng kể trong việc định hình lại nền nông nghiệp ở Kenya bằng cách áp dụng các loại cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh. Quyết định cũng sẽ giúp làm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi và áp sản xuất ngô dùng làm thực phẩm trong nước. Nhiều tổ chức khoa học, các nhà nghiên cứu và nông dân trong nước đã hoan nghênh Chính phủ Kenya khi đã tin tưởng vào công nghệ và dựa trên bằng chứng khoa học xác đáng để đưa ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đối với cây trồng biến đổi gen, đặc biệt trong bối cảnh an ninh lương thực đang là thách thức ngày càng cấp bách trong khu vực. Kể từ khi cây trồng biến đổi gen được đưa vào thương mại hơn 25 năm trước đã có hơn 3.500 đánh giá của cơ quan quản lý độc lập xác nhận tính an toàn của những cây trồng này. Các giống cây biến đổi gen cũng nhận được sự cho phép của các cơ quan quản lý trên toàn thế giới trong hơn hai thập kỷ thông qua các quy trình bao gồm xem xét kỹ lưỡng và đánh giá an toàn. Việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với cây trồng biến đổi gen sẽ mở ra nhiều mối quan hệ đối tác công tư mới ở Kenya với mục tiêu cung cấp các sản phẩm có lợi cho nông dân, giúp tăng năng suất và sinh kế cho nông dân đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang hệ thống lương thực bền vững tại Kenya.

    Còn tại Ethiopia, theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Ethiopia (EEPA), Ethiopia chỉ đóng góp khoảng 0,04% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng rất dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH như xói mòn đất, hạn hán và lụt lội liên miên, khiến nền nông nghiệp sa sút. Trong khi đó, 80% phần trăm dân số của Ethiopia phụ thuộc vào nông nghiệp như một sinh kế duy nhất. Ngày 5/6/2023, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết tình trạng hạn hán đang diễn ra ở một số vùng của Ethiopia đã làm chết khoảng 6,8 triệu gia súc. Trong báo cáo "Kế hoạch ứng phó nhân đạo mới nhất ở Ethiopia", FAO cho hay thiệt hại lớn về vật nuôi đã ghi nhận ở các khu vực Oromia, Somali và miền Nam nước này. Tác động tồi tệ này của hạn hán đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm mất thu nhập, kéo theo vấn nạn suy dinh dưỡng tăng cao và dẫn đến mất an ninh lương thực. Về mặt tích cực, báo cáo của FAO cho biết thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa Chính phủ Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray vào tháng 11/2022, nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 2 năm, đã mở ra cơ hội cho hàng triệu người ở miền Bắc Ethiopia tiếp tục mưu sinh. Tuy nhiên, theo báo cáo, các hộ gia đình bị ảnh hưởng xung đột vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các đầu vào nông nghiệp như hạt giống và phân bón, gây gián đoạn các hoạt động nông nghiệp. Bên cạnh đó, hạn hán đe dọa đã khiến Ethiopia, vốn là một trong những nước có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới, thụt lùi trong nỗ lực hạ thấp tỷ lệ tảo hôn. Nhiều trẻ em gái ở Ethiopia hiện phải đối mặt với việc kết hôn sớm khi cha mẹ tìm cách kiếm thêm nguồn thu nhập nhờ của hồi môn từ gia đình chồng, với hy vọng con gái sẽ được nuôi dưỡng và bảo vệ tốt hơn bởi gia đình giàu có. Theo dữ liệu UNICEF nhận được, 672 trường hợp tảo hôn đã được ghi nhận từ tháng 2-8/2021, trong khi từ tháng 9/2021-3/2022, con số này đã tăng lên 2.282. Về lâu dài, tác động này gây nguy hại đến trẻ em gái bởi kết hôn sớm thực sự cắt đứt tất cả cơ hội của các em và dẫn đến tình trạng trẻ em gái có khả năng cao phải có con sớm, sinh nhiều con. 

    Nhằm ứng phó với hạn hán, chuyển đổi Ethiopia thành một nền kinh tế thân thiện với môi trường, từ năm 2019, Thủ tướng Abiy Ahmed đã phát động Chương trình “Di sản xanh”, từng bước phủ xanh đất nước nhờ chiến dịch trồng cây xanh. Chính sách này được xem là một biện pháp của Chính phủ nước này nhằm ứng phó với tình trạng suy thoái môi trường cũng như giúp cải thiện an ninh lương thực.

    Không chỉ Kenya, Ethiopia, Somalia - nước láng giềng thân cận cũng đang phải đối mặt với năm thứ 6 liên tiếp bị hạn hán kỷ lục trong khi giá lương thực toàn cầu tăng cao càng làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng đói nghèo. Theo xếp hạng Sáng kiến ​​thích ứng toàn cầu của Đại học Notre Dame (Mỹ), dựa trên dữ liệu năm 2019, Somalia được xếp hạng cao thứ hai trên toàn cầu về mức độ dễ bị tổn thương do khí hậu. Mùa mưa năm 2022, từ tháng 3 - 6, tại Somalia đã kết thúc sớm vào tháng 5, với lượng mưa thấp hơn được ghi nhận và ít hoặc không có mưa vào tháng 6. Các khu vực phía Bắc nước này ghi nhận từ 30 - 60% lượng mưa trung bình, trong khi các khu vực miền Trung và miền Nam nhận được 45 - 75% lượng mưa - đánh dấu mùa mưa thất bại thứ tư liên tiếp kể từ cuối năm 2020. Năm 2023, sau 5 mùa mưa liên tiếp thiếu mưa, một nửa số dân 17 triệu người của Somalia cần hỗ trợ khẩn cấp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, ước tính có khoảng 43.000 người chết trong đợt hạn hán kéo dài nhất được ghi nhận ở Somalia vào năm 2022 và một nửa trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là con số tử vong chính thức đầu tiên được WHO và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố trong đợt hạn hán tàn phá phần lớn vùng Sừng châu Phi. Kết quả này cho thấy một bức tranh màu xám về sự tàn phá mà hạn hán gây ra cho trẻ em và gia đình của các em. Đầu năm 2023, Liên hợp quốc cũng cho biết tình hình ở Somalia là “cực kỳ nghiêm trọng” với hơn 6 triệu người bị đói. Nạn đói là tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và tỷ lệ tử vong đáng kể do chết đói hoặc suy dinh dưỡng kết hợp với các bệnh như dịch tả.

    Để góp phần giúp Somalia ứng phó với hạn hán, chương trình Mạng lưới an toàn cho Dự án vốn con người (SNHCP) ứng phó với các cú sốc ở Somalia đã  hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương. Đây là lần đầu tiên Somalia có một chương trình mạng lưới an toàn xã hội toàn quốc có thể triển khai nhanh chóng để cứu giúp người dân. Bên cạnh đó, Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cũng đang hỗ trợ các gia đình đối phó với hạn hán thông qua việc chăm sóc y tế cho trẻ em bị suy dinh dưỡng, chuyển tiền mặt để giúp họ chi trả sinh hoạt, đảm bảo có đủ nguồn nước phục vụ đời sống…

    Ngoài Kenya, Somalia, Ethiopia…, phụ nữ ở những vùng khô cằn của vùng nông thôn Sudan, nơi nước ngày càng trở nên khan hiếm do BĐKH, đang học các kỹ thuật xây dựng hồ chứa nước và trồng các loại cây trồng có năng suất cao và chịu hạn để thích nghi với các kiểu thời tiết mới nhằm xây dựng khả năng phục hồi cho tương lai, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).

    Đã có nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán tại vùng Sừng châu Phi, tuy nhiên, mới đây, Báo cáo của Nhà nước về khí hậu châu Phi cũng đưa ra một số khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh, cần tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, đẩy mạnh hợp tác xuyên biên giới, trao đổi dữ liệu và chia sẻ kiến ​​thức. Nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào việc thích ứng là rất quan trọng, cũng như một nỗ lực phối hợp hướng tới quản lý tổng hợp hơn nguồn tài nguyên nước. Bởi hiện chỉ có 40% dân số châu Phi được tiếp cận với các hệ thống cảnh báo sớm để bảo vệ họ trước tác động của thời tiết khắc nghiệt và BĐKH. Do đó, châu Phi là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch do WMO dẫn đầu, theo yêu cầu của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến các cảnh báo sớm trong 5 năm tới.

Đỗ Mạnh Hiển

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2023)

Tài liệu tham khảo

1. https://public.wmo.int/en/media/news/normal-above-normal-rainfall-forecast-much-of-southern-africa

2. https://public.wmo.int/en/media/press-release/state-of-climate-africa-highlights-water-stress-and-hazards

Ý kiến của bạn