21/11/2024
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất thế giới, bao gồm nhiều hệ sinh thái khác nhau như núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi/khoáng, hệ sinh thái biển và ven biển... Tuy nhiên, ĐDSH của Việt Nam hiện đang xuống cấp, thoái hóa, yêu cầu đặt ra là Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan phải nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn ĐDSH. Bài viết tổng hợp kinh nghiệm chính sách thuế môi trường nhằm bảo tồn ĐDSH tại châu Âu và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
1. Một số loại thuế, phí về bảo tồn ĐDSH tại châu Âu
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm ĐDSH, trong đó một số nguyên nhân chính gồm mất môi trường sống của các loài, sự xuất hiện các loài ngoại lai xâm lấn, khai thác quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Do đó, để bảo tồn ĐDSH các nước đã áp dụng các công cụ kinh tế, bao gồm các chính sách về thuế, phí môi trường nhằm bảo tồn ĐDSH.
Tại châu Âu, các loại thuế, phí môi trường nhằm bảo tồn ĐDSH được chia làm hai loại: (i) Các chính sách như thuế năng lượng; thuế phí đối với một số dòng sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường; thuế các-bon; các loại thuế và phí liên quan đến tài nguyên thiên nhiên… có tác động gián tiếp đến ĐDSH bằng cách đánh thuế đối với các đối tượng là các chất gây ô nhiễm, các hoạt động khai thác tài nguyên; từ đó, hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng cũng như hạn chế khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu (ii) Các chính sách thuế như thuế thuốc trừ sâu; phí săn bắn và đánh cá; phí chặt cây và bảo vệ rừng;… có tác động trực tiếp đến hệ sinh thái tự nhiên như đất, rừng; từ đó, hạn chế việc biến đổi môi trường sống của các loài động vật, sinh vật. Cụ thể:
1.1. Những chính sách thuế, phí có tác động gián tiếp đến ĐDSH
Thuế và phí được áp dụng đối với sản phẩm năng lượng dùng cho giao thông (chủ yếu là xăng, dầu diesel). Tỷ lệ áp dụng thuế khác nhau đáng kể giữa các sản phẩm, lĩnh vực và quốc gia. Ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với xăng không chì thường cao hơn thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với dầu diesel và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) ở tất cả các nước châu Âu, ngoại trừ Vương Quốc Anh.
Thuế, phí đối với một số dòng sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường khi chúng hết tuổi thọ như WEEE (thiết bị điện và điện tử thải); ELV (xe hết tuổi thọ); pin và ắc quy; bao bì, lốp xe đã qua sử dụng; bóng đèn, túi nhựa, được áp dụng ở hầu hết các quốc gia châu Âu. Đan Mạch là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này với một số công cụ được áp dụng, bao gồm thuế đánh vào dung môi clo, phthalate và nhựa PVC (một loại nhựa nhiệt dẻo được tạo thành từ phản ứng trùng hợp vinylchloride); thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng; thuế đối với bóng đèn điện, cầu chì điện.
Thuế, phí liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, tính theo thể tích (m3) hoặc trọng lượng (kg/tấn) tài nguyên được khai thác như thuế, phí đối với sỏi và cát ở Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia, Litva, Vương quốc Anh, Pháp; thuế, phí khai thác than, than non hoặc than bùn ở Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Pháp, Latvia, Litva, Thụy Điển, Estonia.
Thuế, phí ô nhiễm không khí, được áp dụng ở 2/3 số quốc gia châu Âu, tập trung vào một số chất gây ô nhiễm không khí như VOC, NOx, SO2, PM, NH2, kim loại nặng, CO, NH3, hydrocacbon, bụi, cadimi, thủy ngân, amiăng; những chất làm suy giảm tầng ôzôn, trong đó, các loại thuế hoặc phí phổ biến nhất liên quan đến lưu huỳnh hoặc SO2. Thuế suất cũng thay đổi tùy theo chất gây ô nhiễm và theo quốc gia, ví dụ, thuế suất đối với phát thải lưu huỳnh ở Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là từ 1.300 EUR/tấn - 1.600 EUR tấn, trong khi giá tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha thấp hơn 50 EUR/tấn.
Thuế các-bon được khởi xướng tại các nước Bắc Âu (Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch) vào đầu những năm 1990 và dần dần mở rộng sang một số quốc gia châu Âu khác. Thuế các-bon tập trung vào nội dung liên quan đến các-bon hoặc CO2 của sản phẩm năng lượng hoặc lượng khí thải CO2. Ví dụ, Thụy Điển đánh thuế các-bon đối với nhiên liệu đốt và nhiên liệu sử dụng cho phương tiện; Thụy Sỹ đánh thuế các-bon đối với nhiên liệu nhiệt điện (không bao gồm nhiên liệu động cơ hóa thạch); Đức đánh thuế trên hàm lượng CO2 trong các nguồn năng lượng; Iceland áp dụng đối với nhiệt điện, than bùn, nhiên liệu đốt; Na Uy áp thuế đối với khí thiên nhiên, dầu hóa lỏng; Pháp áp dụng thuế các-bon trên lượng phát thải của xe có động cơ. Về thuế suất, Thụy Điển đánh mức thuế các-bon cao nhất (117,30 € ~ 129,89 USD) cho mỗi tấn khí thải các-bon, tiếp theo là Thụy Sĩ và Liechtenstein (117,27 € ~ 129,86 USD), Na Uy (79,12 € ~ 87,61 USD). Thuế suất các-bon thấp nhất ở Ba Lan (0,07 € ~ 0,08 USD), Ukraine (0,93 € ~ 1,03 USD) và Estonia (2 € ~ 2,21 USD) (WB, 2022).
1.2. Những chính sách thuế, phí có tác động trực tiếp đến ĐDSH
Bên cạnh những chính sách thuế có tác động gián tiếp, một số nước châu Âu còn ban hành nhiều chính sách thuế, trong đó nguồn thu từ các chính sách này được sử dụng trực tiếp cho thực hiện bảo tồn ĐDSH. Cụ thể:
Thuế thuốc trừ sâu, đánh thuế dựa trên tác động của các thành phần thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người và môi trường, hiện đang áp dụng phổ biến tại Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Ý, Thụy Điển... trong đó, Đan Mạch là quốc gia đứng đầu ở Liên minh châu Âu (EU) áp dụng thành công loại thuế này. Thuế thuốc trừ sâu của Đan Mạch áp dụng từ đầu những năm 1980, được tính toán dựa trên một phần của giá bán buôn thuốc trừ sâu trong nước và một phần của giá bán lẻ. Tuy nhiên, do không thực sự hiệu quả trong việc giảm doanh số bán thuốc trừ sâu nên năm 2013, Đan Mạch thực hiện cải cách dựa trên một cách tiếp cận sáng tạo đó là xem xét các rủi ro về sức khỏe con người cũng như môi trường của từng sản phẩm thuốc trừ sâu với mục đích khuyến khích nông dân sử dụng sản phẩm ít ô nhiễm và ít rủi ro hơn. Theo đó, mức thuế hiện được tính cho từng sản phẩm thuốc trừ sâu dựa trên rủi ro sức khỏe con người, độc tính đối với môi trường và khả năng tồn tại của sản phẩm (bao gồm tích tụ sinh học, phân hủy, rò rỉ vào nước ngầm). Mặc dù các khoản tiền huy động được không được phân bổ riêng, nhưng một phần đáng kể được tái sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là để giảm bớt sự phản đối của nông dân. Ngoài ra, để tăng sự chấp nhận của xã hội đối với loại thuế này, Chính phủ Đan Mạch đã áp dụng đồng thời thuế thuốc trừ sâu với giảm thuế giá trị đất. Một hệ thống tương tự đã được áp dụng ở Na Uy từ năm 1999 và đã chứng minh được hiệu quả trong việc giảm tác động của thuốc trừ sâu đối với ĐDSH.
Phí gốc cây/gỗ, bao gồm phí chặt cây và phí quản lý rừng, áp dụng ở nhiều quốc gia (Áo, Bulgaria, Croatia, Estonia, Hungary, Lithuania, Ba Lan). Điển hình là phí cho các chức năng có lợi chung của rừng tại Croatia, tính cho tất cả mọi pháp nhân và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế trong rừng với tỷ lệ hiện nay là 0,0265% tổng doanh thu (Krajter et al., 2015). Các khoản tiền này được phân bổ vào ngân sách nhà nước, sau đó chuyển cho Croatian Forests Ltd. – một công ty thuộc sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm quản lý rừng và đất rừng, sử dụng để tái tạo sinh học các khu rừng và tài trợ cho nghiên cứu khoa học liên quan đến lâm nghiệp. Do đó, khoản phí này có tiềm năng lớn hơn trong việc mang lại lợi ích bảo tồn trực tiếp (Krajter et al., 2015).
Phí săn bắn và đánh cá, là loại phí có truyền thống lâu đời ở EU và được áp dụng ở ít nhất 2/3 quốc gia thành viên, nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, phạm vi cung cấp doanh thu tài chính cho bảo tồn ĐDSH rất hạn chế vì khoản thu được hiếm khi dành riêng để tài trợ cho các hành động bảo tồn. Hiện chỉ có một số quốc gia, trong đó có Ireland, Estonia hình thành quỹ riêng để sử dụng riêng và trực tiếp cho công tác bảo tồn ĐDSH. Trong đó, tại Ireland, kể từ năm 2007, đã triển khai Chương trình cấp phép cho hoạt động câu cá và đánh bắt cá hồi thương mại (bao gồm cá hồi hoang dã và cá hồi biển), Chương trình này cũng được bổ sung bằng hạn ngạch hàng năm. Phí cấp phép hiện tại dao động từ hàng chục EUR đến hơn một trăm EUR, tùy thuộc vào số lượng lưu vực sông và/hoặc khoảng thời gian đánh bắt và một nửa (50%) doanh thu từ phí này được dành riêng, đóng góp vào Quỹ bảo tồn cá hồi, sử dụng trực tiếp cho việc tài trợ các hoạt động bảo tồn, chẳng hạn như phục hồi môi trường sống, cải thiện đường đi của cá hoặc bảo vệ bờ sông (Kettunen, 2017).
Thuế các-bon của EU có thể góp phần hạn chế nguồn phát thải ra môi trường (Ảnh minh họa)
Tương tự như Ireland, phí săn bắn, đánh cá được áp dụng tại Estonia từ những năm 1990, phân biệt dựa trên mục đích đánh bắt, bao gồm đánh bắt thương mại, giải trí và mục đích đặc biệt; doanh thu được sử dụng trực tiếp cho mục đích bảo tồn. Phí đánh bắt thương mại xem xét giá thị trường của cá trong khi phí giải trí dựa trên thời gian đánh bắt (phí hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm). Những người đánh cá giải trí cũng được phép đánh bắt ở khu vực bảo vệ thiên nhiên, nhưng phải mua thẻ đặc biệt, đắt hơn và chỉ có số lượng hạn chế. Tuy nhiên, khác với các nước EU, phí thu được từ hoạt động săn bắn, đánh cá của Estonia được quản lý bởi một cơ quan nhà nước - Trung tâm đầu tư môi trường, nơi thu tất cả mọi loại phí môi trường và phân phối chúng dưới hình thức tài trợ, sử dụng tiền công khai, minh bạch trên trang web của Trung tâm, mọi người đều có thể tiếp cận thông tin. Vì vậy, phí này được mọi người chấp nhận và nguồn thu được phân bổ, sử dụng chủ yếu cho mục đích nghiên cứu, hành động bảo tồn, nâng cao nhận thức, trong đó có hoạt động lập danh mục kiểm kê đàn cá và quần thể động vật săn bắn, phục hồi môi trường sống (trên 70% số tiền thu được được sử dụng trực tiếp cho mục đích bảo tồn) (Illes et all., 2017).
Có thể thấy, thuế, phí và lệ phí môi trường ngày càng được sử dụng rộng rãi tại EU, hỗ trợ thành công cho việc thực hiện các mục tiêu về chính sách môi trường. Tuy nhiên, do chủ yếu tập trung ở lĩnh vực năng lượng và vận tải nên tỷ trọng thuế ô nhiễm, thuế tài nguyên cũng như các loại thuế có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho công tác bảo tồn ĐDSH vẫn còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, các quốc gia châu Âu sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng để mở rộng các loại thuế này.
2. Khuyến nghị cho Việt Nam
2.1. Một số chính sách thuế về bảo tồn ĐDSH đã được ban hành tại Việt Nam
Tại Việt Nam, nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến suy giảm ĐDSH, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, trong đó phải kể đến những chính sách thuế đối với công tác bảo tồn ĐDSH, có khả năng ảnh hưởng tới cấu trúc ĐDSH cũng như nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động này. Một số chính sách thuế quan trọng có tác động đến bảo tồn ĐDSH, tiêu biểu như thuế BVMT, phí BVMT, thuế tài nguyên, thuế tiêu thu đặc biệt (TTĐB)… đã được ban hành và triển khai hiệu quả, qua đó góp phần BVMT, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, trái phép làm suy giảm ĐDSH.
Trong đó, Luật thuế BVMT đã quy định đối tượng chịu thuế là những sản phẩm hàng hóa mà việc tiêu dùng những sản phẩm này có tác động tiêu cực đến môi trường, gồm 8 loại hàng hóa sau: Xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); túi ni lông; thuốc diệt cỏ; thuốc trừ mối; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc khử trùng kho. Đồng thời, quy định biểu khung thuế suất thuế BVMT với mức tối thiểu tuyệt đối và mức tối đa tuyệt đối dựa trên cơ sở mức độ có hại đến môi trường, chi phí xử lý hậu quả tiêu cực do việc sử dụng/tiêu thụ hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế.
Đối với thuế tài nguyên, đối tượng chịu thuế bao gồm khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, sản phẩm rừng tự nhiên, hải sản tự nhiên, nước thiên nhiên, yến sào thiên nhiên và các tài nguyên thiên nhiên khác. Mức thuế suất thuế tài nguyên được quy định theo từng loại tài nguyên, theo nguyên tắc tài nguyên không có khả năng tái tạo thì áp dụng mức thuế suất cao, tài nguyên có khả năng tái tạo thì áp dụng mức thuế suất thấp.
Thuế TTĐB đối với nhóm mặt hàng có liên quan đến môi trường và bảo tồn ĐDSH bao gồm: Xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi, xe mô tô có dung tích xi lanh trên 125 cm3; tàu bay, du thuyền; xăng các loại; điều hoà nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống. Luật quy định mức thuế suất ưu đãi thuế đối với loại sản phẩm ít gây hại đến môi trường như xe ô tô chạy bằng năng lượng điện, năng lượng sinh học áp dụng thuế suất chỉ bằng 50% và 70% mức thuế suất của xe ô tô cùng chủng loại nhưng chạy bằng xăng. Cùng với đó, quy định mức thuế suất thuế TTĐB cao hơn đối với xe chở người có dung tích xi lanh lớn nhằm mục đích khuyến khích sử dụng các loại xe tiêu tốn ít năng lượng.
2.2. Tồn tại, hạn chế và đề xuất/khuyến nghị giải pháp trong thời gian tới
Mặc dù Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách nhưng các quy định được đánh giá là chưa bao quát hết đối tượng gây ô nhiễm môi trường: Luật thuế BVMT mặc dù đã quy định khá cụ thể 8 nhóm đối tượng chịu thuế, tuy nhiên chưa bao phủ các sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường như khí thải công nghiệp, thuốc lá, chất thải phóng xạ, một số những chất gây độc hại: các loại hóa chất (gồm cả axit vô cơ, xút, hóa chất bảo vệ thực vật, dung môi hữu cơ, thủy ngân...); đồ điện tử (phát sinh chất thải điện tử); cao su (săm, lốp,..); polime.... Bên cạnh đó, quy định về khung, mức thuế BVMT đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT cũng chưa phù hợp với mức độ gây ô nhiễm, cụ thể: Xét về mặt thuế suất, thuế suất BVMT của xăng cao gấp 156 lần so với than đá và của dầu diesel cao gấp 68 lần so với than đá (Nguyễn Thị Kim Ngân, 2023). Trong khi đó, xét theo mức độ gây ô nhiễm, theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổng phát thải CO2 do tất cả mọi hoạt động đốt nhiên liệu của Việt Nam trong các năm, thì than đá chiếm 60%, xăng dầu chiếm 28% và khí thiên nhiên chiếm chiếm 12% (European Environment Agency, 2020).
Mặt khác, thuế tài nguyên bất cập cả trong cách xác định sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế tài nguyên và mức thuế suất, thuế tài nguyên, dẫn đến chính sách thuế tài nguyên chưa thực sự hiệu quả trong việc khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Điển hình như, sản lượng tài nguyên tính trên sản lượng thực tế khai thác do người khai thác khai báo do đó chưa khuyến khích doanh nghiệp tận dụng hết tài nguyên trong khai thác chế biến. Mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số tài nguyên không tái tạo thuộc nhóm khoáng sản kim loại và nhóm khoáng sản không kim loại đang có mức trần khung thuế suất thấp hơn nhóm sản phẩm rừng tự nhiên là tài nguyên có khả năng tái tạo. Một số tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế cao như san hô đỏ, đá bazan không nằm trong đối tượng chịu thuế tài nguyên. Hơn nữa, trong các loại thuế hiện mới chỉ có thuế TTĐB đánh vào tàu bay, trong khi ngành hàng không là ngành tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch, hiện đang tạo ra khoảng 2,5% tổng số khí các-bon và tỷ lệ này có thể tăng lên 22% vào năm 2050 khi các ngành khác tạo ra ít khí thải các-bon hơn (VOV, 2019).
Ngoài ra, các chính sách thuế hiện hành của Việt Nam đang xây dựng theo hướng chung, tức là thuế hướng đến BVMT, từ đó tác động gián tiếp đến bảo tồn ĐDSH. Những chính sách thuế tác động trực tiếp đến ĐDSH như chất tẩy rửa, chất xả thải ra môi trường, phân bón, thuốc tăng trưởng cho động thực vật...; các loại phí liên quan đến khai thác gỗ, săn bắn và đánh cá mà một số nước EU đang áp dụng hiệu quả cũng chưa được triển khai tại Việt Nam.
Trước bối cảnh ĐDSH Việt Nam đang suy giảm cả về thành phần và quần thể loài, việc đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là hoàn thiện chính sách thuế cho bảo tồn ĐDSH sẽ góp phần định hướng cũng như tạo nguồn lực cho hoạt động này. Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi các chính sách thuế BVMT, thuế tài nguyên, thuế TTĐB… nhằm bao phủ những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường; xây dựng khung thuế suất phù hợp với mức độ gây ô nhiễm của sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, đối với thuế BVMT cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng mở rộng danh mục sản phẩm, hàng hóa chịu thuế BVMT đối với một số sản phẩm như phân bón hóa học, chất tẩy rửa, khí than, khí tự nhiên và các loại túi nhựa sử dụng 01 lần, túi nhựa mỏng; đồng thời, điều chỉnh khung thuế suất phù hợp với mức độ gây ô nhiễm đối với than đá, xăng dầu chiếm và khí thiên nhiên. Đối với thuế tài nguyên, nghiên cứu bổ sung san hô đỏ, đá bazan vào đối tượng chịu thuế tài nguyên. Đồng thời, điều chỉnh đảm bảo tính phù hợp về thuế suất giữa tài nguyên không tái tạo và tài nguyên thuộc nhóm sản phẩm rừng tự nhiên. Ngoài ra, xem xét áp dụng chính sách thuế với thuế suất dựa trên hàm lượng CO2 thông qua việc ban hành loại thuế CO2 như nhiều nước EU đang áp dụng hoặc tích hợp thuế này vào thuế BVMT hiện có ở Việt Nam.
Thứ hai, nghiên cứu, ban hành các chính sách thuế, phí liên quan trực tiếp đến bảo tồn ĐDSH đang được nhiều nước EU áp dụng như thuế thuốc trừ sâu; phí liên quan đến rừng; phí săn bắn và đánh cá…. qua đó, tạo nguồn thu trực tiếp cho công tác bảo tồn. Hiện nay, các chính sách thuế ở Việt Nam chủ yếu áp dụng đối với các sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, từ đó tác động gián tiếp đến bảo tồn ĐDSH. Do đó, việc ban hành các chính sách thuế này một mặt góp phần mở rộng cơ sở thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế và cũng phù hợp với định hướng “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế…. theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế” tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 .
Thứ ba, hình thành các quỹ có nguồn thu từ thuế, phí phục vụ trực tiếp công tác bảo tồn ĐDSH. Kinh nghiệm các nước EU cho thấy, nguồn thu đối với một số loại thuế, phí liên quan trực tiếp đến bảo tồn ĐDSH được hạch toán riêng và sử dụng cho mục đích bảo tồn. Tại Việt Nam, các nguồn thu từ thuế, phí được tổng chung vào ngân sách nhà nước, sau đó được phân bổ theo các nhiệm vụ, mục chi cụ thể, tuy nhiên, không có mục chi riêng cho bảo tồn ĐDSH. Vì vậy, Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm các nước EU để ban hành quy định về hình thành quỹ cho bảo tồn ĐDSH với nguồn thu của Quỹ là nguồn thu từ các loại thuế, phí tác động trực tiếp bảo tồn ĐDSH; đồng thời, cần quy định các quỹ cho hoạt động bảo tồn phải thực hiện hạch toán, phân bổ công khai nguồn thu, chi từ quỹ, nhằm tạo sự đồng thuận từ xã hội.
ThS. Lê Minh Hương
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
Tài liệu tham khảo
1. OECD, 2019. Taxing Energy Use 2019: Using Taxes for Climate Action, Publish by OECD, 15/10/2019. https://doi.org/10.1787/058ca239-en.
2. European Environment Agency, 2020. Environmental taxes: Recent Developments is tools for integration, ISBN: 92-9167-261-0.
3. Illes, A., Russi, D., Kettunen, M. and Robertson M. (2017). Innovative mechanisms for financing biodiversity conservation: experiences from Europe, final report in the context of the project “Innovative financing mechanisms for biodiversity in Mexico / N°2015/368378”. Brussels, Belgium.
4. Krajter Ostoić, S., Posavec, S., Paladinić, E., Županić, M., Beljan, K., Curman, M., Ćaleta, M., Šimunović, N. (2015). Forest Land Ownership Change in Croatia. COST Action FP1201 FACESMAP Country Report, European Forest Institute Central-East and South-East European Regional Office, Vienna.
5. Marianne Kettunen, 2017. Conservation and sustainable management of salmon through fishing licences in Ireland. Institute for European Environmental Policy.
6. Nguyễn Thị Kim Ngân, 2023. Những bất cập từ chính sách thuế môi trường của Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16, tháng 6/2023.
7. VOV, 2019. Bất ngờ về sức tàn phá của việc đi máy bay đối với môi trường, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bat-ngo-ve-suc-tan-pha-cua-viec-di-may-bay-doi-voi-moi-truong-988988.vov.
8. World Bank, 2022. State and Trends of Carbon Pricing 2022. State and Trends of Carbon Pricing; https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/37455.