Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Nỗ lực cải thiện chất lượng không khí của ba thành phố từng ô nhiễm nhất thế giới

04/04/2022

    Làm thế nào để các quốc gia có thể vừa phát triển kinh tế, nhưng vẫn giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí (ÔNKK)? Cách đây 2 năm, Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng đưa ra một báo cáo dể phân tích và trả lời cho câu hỏi này, trong đó tập trung xem xét các chính sách, cũng như giải pháp mà 3 thành phố (TP) dưới đây đã thực hiện để cải thiện chất lượng không khí (CLKK). Đó là bài học tham khảo cho các TP khác trên thế giới làm theo để BVMT không khí.

    Theo Báo cáo “Làm sạch không khí: Câu chuyện của 3 TP” mà WB công bố năm 2020, ÔNKK đã gây ra những sức ép không nhỏ lên nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống con người. Năm 2017, ước tính có khoảng 4,13 - 5,39 triệu người bị chết do tiếp xúc với bụi mịn PM2.5, con số đó còn nhiều hơn tổng số người chết vì mắc các bệnh: HIV/AIDS, lao và sốt rét cộng lại. Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2020 của WB, chi phí liên quan đến tác động do hít phải bụi min PM2.5 lên sức khỏe con người ước tính là 5,7 nghìn tỷ USD, tương đương 4,8% GDP toàn cầu. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 xảy ra đã cho thấy rõ lý do tại sao việc giải quyết vấn đề ÔNKK lại quan trọng như vậy và nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa ÔNKK, bệnh tật và tử vong do vi rút. Mặt khác, những suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra cũng chính là yếu tố giúp cải thiện đáng kể CLKK trong thời gian này, nhưng những cải thiện này không nhất quán, đặc biệt là với chỉ số PM2.5. Tuy nhiên, đó cũng là những tín hiệu khả quan, tạo ra động lực mới để nhiều quốc gia phải nhìn lại và thay đổi chính sách quản lý môi trường không khí hiện nay.

    Báo cáo chỉ rõ, mức độ ÔNKK đặc biệt cao ở một số khu vực đô thị phát triển nhanh nhất trên thế giới, nguyên nhân là do nhiều tác nhân cộng lại như sự gia tăng dân số; bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông; nhiên liệu hóa thạch; sử dụng phân bón, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp; đốt sinh khối; mật độ xây dựng lớn và công tác xử lý chất thải hạn chế, trong khi tốc độ bệnh dịch lan rộng nhanh chóng. Vậy phải làm thế nào để các TP có thể khắc phục vấn đề này? Báo cáo đã chọn ra 3 TP là Bắc Kinh (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ) và Mexico để nghiên cứu, đánh giá những nỗ lực cả trước đây, lẫn hiện nay của 3 TP trong việc giải quyết vấn đề ÔNKK - một thách thức lớn đối với nhiều TP khác trên thế giới.

Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và những thay đổi tích cực

Các chính sách, giải pháp trong công tác quản lý

    Để giảm thiểu ÔNKK, Mexico đã đưa ra hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ như siết chặt kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông; cấm tất cả các ôtô, xe máy cá nhân và công cộng lưu thông một ngày làm việc trong tuần và một ngày thứ Bảy trong tháng tại 16 quận của TP. Mexico và 18 huyện của bang Mexico (Kế hoạch lưu thông cụ thể được phân theo màu xe và biển số xe); ban hành tiêu chuẩn khắt khe hơn về khí thải; đầu tư kinh phí để hiện đại hóa hệ thống kiểm soát CLKK tại TP. Mexico và bang Mexico; miễn phí dịch vụ vận tải hành khách trên một số tuyến xe buýt công cộng; triển khai gói cải cách mang tên ProAire để mở rộng giao thông công cộng…

    Tại Bắc Kinh, Chính quyền TP cũng đã rất nỗ lực để cải thiện CLKK thông qua hàng loạt chính sách quan trọng nhiều năm qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ cho công tác quản lý môi trường không khí dựa trên phân loại chất gây ô nhiễm và đặc điểm biến đổi của nguồn ô nhiễm trên TP trong các giai đoạn khác nhau; ban hành Kế hoạch hành động làm sạch không khí giai đoạn 2013 - 2017, kế hoạch hành động 3 năm với chủ đề “quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ bầu trời xanh” vào năm 2018,; quy hoạch cụ thể lộ trình xử lý ÔNKK; tiến hành hai đợt phân tích nguồn gốc PM2.5 để xác định danh mục nguồn phát thải gây ô nhiễm, chỉ rõ phương hướng xử lý ÔNKK; nâng cao năng lực quan trắc môi trường không khí; thiết lập quy chuẩn về khí thải siêu thấp; đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng.

Bắc Kinh (Trung Quốc) trước đây từng là TP ô nhiễm không khí nhất thế giới

    Trước tình trạng ÔNKK nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân tại New Dehi, chính quyền Ấn Độ, cũng như TP buộc phải đưa ra nhiều giải pháp để đối phó với “bài toán khó” này. Cụ thể là đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện; mở rộng mạng lưới giao thông công cộng; xây dựng 2 tuyến đường cao tốc mới quanh Thủ đô New Delhi nhằm giảm 30% lưu lượng xe cộ vào TP; yêu cầu các phương tiện giao thông công cộng chỉ chạy bằng khí đốt tự nhiên; cấm xe tải chạy bằng động cơ diesel vào TP ban ngày; áp dụng chính sách nhiên liệu sạch; ban hành quy định giảm phát thải trong hoạt động xây dựng.

Những thay đổi tích cực giúp cải thiện CLKK

    Nhờ những giải pháp trên mà TP. Mexico được biết đến là TP ô nhiễm nhất thế giới trong những năm 1990, nhưng CLKK ở TP cũng được cải thiện đáng kể, dù cho vẫn còn nhiều thách thức trong vấn đề này. Theo đó, nồng độ khí SO2 đã giảm từ 300 µg/m3/ngày trong năm 1990 xuống chỉ còn dưới 100 µg/m3/ngày vào năm 2018; chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng thấp hơn so với những năm trước.

    Tại Bắc Kinh, nhờ các chính sách hiệu quả, hành động quyết liệt của Chính phủ và chương trình mục tiêu cụ thể trong thời gian qua, mức PM2.5 trung bình đã giảm từ khoảng 90 µg/m3 trong năm 2013 xuống còn 58 µg/m3 vào năm 2017.

    Tương tự như 2 TP trên, TP. New Delhi (Ấn Độ) cũng bước đầu thành công trong việc cải thiện CLKK, mặc dù, TP đã từng trong tình trạng ÔNKK nghiêm trọng vào cuối những năm 1990 và chính quyền TP đã tiến hành một chương trình chuyển đổi nhiên liệu giao thông đầy tham vọng. Tuy nhiên, CLKK lại tồi tệ hơn khiến Chính phủ Ấn Độ và chính quyền TP. New Delhi đã đưa ra các kế hoạch mới nhằm xử lý tất cả các nguồn gây ÔNKK. Nhờ thế, CLKK nơi đây đã được cải thiện hơn, mặc dù mức độ ô nhiễm vẫn khá cao (chỉ số PM2.5 trung bình trong năm 2018 là 128 µg/m3, không tốt cho sức khỏe).

“Kim chỉ nan” trong quản lý môi trường không khí ở ê TP là gì?

    Dựa vào những giải pháp của 3 TP trên trong cuộc chiến chống ÔNKK, có thể xác định được 3 yếu tố chính được xem là “kim chỉ nan” để tạo nên thành công của họ.

Thông tin dữ liệu quan trắc chính xác, đáng tin cậy và được công khai, minh bạch

    Tại TP. Mexico, việc đánh giá, phân tích kỹ càng về các tác động của ÔNKK đối với sức khỏe của trẻ em đã tạo nên sự quan tâm ủng hộ của cộng đồng dân cư đối với Chiến lược quản lý CLKK của TP. Đối với Thủ đô New Dehi, chính quyền TP cũng phổ biến và tuyên truyền mạnh mẽ về Chương trình Chỉ số CLKK Quốc gia, giúp đưa các thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường không khí và mức độ ô nhiễm đến đông đảo người dân, để họ hiểu rõ những biện pháp cần phải thực hiện nhằm giảm thiểu ÔNKK và yêu cầu họ thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt, sản xuất. Cũng giống như vậy, Thủ đô Bắc Kinh đã công khai đầy đủ các dữ liệu quan trắc theo thời gian thực từ các trạm, thiết bị quan trắc môi trường trên toàn TP cho thấy mức độ phát thải liên tục của các đơn vị sản xuất công nghiệp và nhà máy điện, giúp cho cơ quan quản lý, đặc biệt là lãnh đạo những nhà máy này hiểu được trách nhiệm của mình để có biện pháp xử lý và thực thi pháp luật.

Có chính sách ưu đãi cụ thể, khuyến khích chính quyền địa phương, cũng như các doanh nghiệp và hộ gia đình giảm phát thải và BVMT

    Để có được thành công trong việc cải thiện CLKK, Nhà nước phải chủ động đưa ra các biện pháp khuyến khích chính quyền địa phương tăng cường thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về quản lý CLKK. Các chính sách ưu đãi đó sẽ tạo động lực để các TP nỗ lực cải cách. Quay lại câu chuyện của Thủ đô New Dehi vào cuối những năm 1990 có thể thấy, do không có các chính sách ưu đãi đã khiến cho việc thực hiện kế hoạch của Chính phủ Ấn Độ không đạt được hiệu quả. Điều này dẫn đến việc Tòa án tối cao của Ấn Độ phải vào cuộc để yêu cầu Chính phủ phải thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với New Dehi. Gần đây, Chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra một gói hỗ trợ tài chính cho các TP dựa trên kết quả hoạt động của địa phương, qua đó đã góp phần thúc đẩy các địa phương quyết tâm thực hiện cải thiện CLKK, đây là một bước đi đúng.

    Không chỉ đối với địa phương, mà ngay cả doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp và các hộ gia đình, Nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần có các chính sách kêu gọi, khuyến khích họ thực hiện hoạt động giảm phát thải. Ví dụ, tại Bắc Kinh, chính quyền nơi đây đã sử dụng tiền ngân sách mà Chính phủ cấp cho địa phương để cung cấp một khoản hỗ trợ không nhỏ cho các nhà máy triển khai kiểm soát cuối đường ống và trang bị thêm lò hơi; đồng thời, đối với các hộ gia đình, được giảm chi phí cho việc loại bỏ các phương tiện cũ và thay thế bếp sưởi than bằng hệ thống sưởi điện, hoặc gas. Ở Mexico, chính quyền TP có chính sách trợ cấp trực tiếp cho những người lái xe taxi cũ để họ nghỉ không chạy xe nữa và loại bỏ các phương tiện lạc hậu, gây ô nhiễm; giúp họ tiếp cận với các khoản vay lãi suất thấp để sửa chữa, hoặc mua những phương tiện hiện đại và ít ô nhiễm hơn; có biện pháp khuyến khích và miễn trừ thuế, phí khi yêu cầu các nhà máy công nghiệp phải cắt giảm sản xuất trong thời gian chính quyền địa phương ban bố lệnh hạn chế khẩn cấp về ÔNKK. Vào cuối những năm 1990, chính quyền Thủ đô New Delhi cũng cung cấp các ưu đãi tài chính để cho phép 10.000 xe buýt, 20.000 xe taxi và 50.000 xe ba bánh chuyển sang sử dụng khí nén thay cho xăng dầu. Nhờ đó, nồng độ PM2.5 trong không khí tại TP này đã giảm từ khoảng 90 µg/m3 trong năm 2013 xuống còn 58 µg/m3 vào năm 2017. Đến nay, môi trường không khí ở TP này vẫn còn đáng lo ngại và TP cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề này.

Có chính sách, cách thức tổ chức quản lý thống nhất, chặt chẽ, gắn với trách nhiệm của tất cả các bên liên quan

    ÔNKK là không có ranh giới và cần phải có một quan điểm quản lý xuyên suốt và thống nhất từ trên xuống dưới. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành cần thực hiện đúng các quy định pháp luật trong BVMT không khí một cách chặt chẽ và có cách tiếp cận rõ ràng. Vì CLKK kém là do sự phát thải từ nhiều nguồn, bao gồm: hoạt động sinh hoạt của các hộ gia đình, cư dân nông thôn và thành thị; giao thông, các nhà máy sản xuất điện; nông nghiệp… nên cần có một chính sách thể chế nhất quán; hoặc cơ cấu, tổ chức phải đồng bộ, phân chia trách nhiệm rõ ràng để tạo điều kiện cho tất cả các ngành, các đối tượng liện quan phối hợp hành động hiệu quả. Tại Mexico, Ủy ban Môi trường Megalopolis là tổ chức tập hợp các thành viên từ các cơ quan của Chính phủ Liên bang, gồm các Bộ Môi trường, Y tế và Giao thông vận tải với chính quyền các địa phương (TP. Mexico và 224 TP tự trị từ các bang lân cận của Mexico, Hidalgo, Morelos, Puebla và Tlaxcala). Họ đã cùng nhau xây dựng một lộ trình riêng cho TP. Mexico và phối hợp hành động để cải thiện CLKK của TP này.

    Riêng ở Trung Quốc, các Bộ: BVMT (nay là Bộ Sinh thái và Môi trường); Công nghiệp và Công nghệ Thông tin; Tài chính; Nhà ở và Phát triển Nông thôn, cùng với Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, Cơ quan Quản lý Năng lượng quốc gia đã tham gia xây dựng 5 kế hoạch hành động hàng năm để ngăn ngừa và kiểm soát ÔNKK cho khu vực Jing-Jin-Ji bao quanh Bắc Kinh, các đô thị Bắc Kinh, Thiên Tân (tỉnh Hà Bắc) và một số nơi khác ở tỉnh Hà Nam, Sơn Tây, nội Mông Cổ và Sơn Đông.

    Tất nhiên, câu chuyện ÔNKK tại 3 TP vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, tuy nhiên đây là một việc không dễ dàng, cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể. Trong đó, phải có sự cam kết chính trị chặt chẽ và lâu dài của các cơ quan nhà nước, cùng với các giải pháp quản lý toàn diện trong nhiều lĩnh vực, sự đồng lòng tham gia của tất cả các cấp, ngành và mọi người dân thì mới mang lại môi trường trong xanh hơn trên toàn cầu.

Phương Linh (Theo Worldbank.org)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022)

Ý kiến của bạn