Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Lượng giá rừng ngập mặn dựa trên sự sẵn sàng chi trả của cộng đồng ở Kuala Perlis, Malaixia

30/06/2021

    Malaixia có diện tích rừng ngập mặn (RNM) lớn thứ năm trên thế giới, tổng diện tích hơn 500 triệu ha. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hoạt động khai thác, sử dụng quá mức của người dân nên diện tích và chất lượng RNM của quốc gia này đang suy giảm ở mức báo động. RNM thường bị bỏ qua trong quá trình ra quyết định chính sách do chưa được lượng giá cũng như các dịch vụ hệ sinh thái RNM chưa được xác định rõ ràng. Nằm trên diện tích bang nhỏ nhất của Malaixia - Bang Perlis, khu vực RNM ở Kuala Perlis là khu vực quan trọng trong việc bảo vệ đường ven biển hiện đang phải đối mặt nguy cơ suy thoái. Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Malaixia cùng với các nghiên cứu sinh Việt Nam (Viện địa lý nhân văn) đã tiến hành nghiên cứu áp dụng phương pháp định giá ngẫu nhiên, kết hợp với phỏng vấn người dân địa phương về việc sẵn sàng chi trả cho việc bảo tồn RNM. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị khoa học và sinh thái quan trọng của RNM Kuala Perlis, đặc biệt trong việc duy trì sự ổn định, cải thiện sinh kế cộng đồng người dân nơi đây. Nghiên cứu đề ra một số giải pháp nhằm phát triển RNM bền vững là những thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách trong công tác bảo tồn và quản lý RNM.

Địa bàn và phương pháp nghiên cứu

   Khu vực RNM Kuala Perlis nằm ở phần phía Bắc của bờ biển phía Tây Malaixia, phía Nam giáp bang Kedah và phía Bắc giáp với các tỉnh Satun và Songkhla (Thái Lan). Diện tích RNM Kuala Perlis khoảng 94,02 ha. Các loài cây ngập mặn chính là Đước (Rhizophora apiculata) và R. mucronata, bần chua… Ở Kuala Perlis, RNM được sử dụng cho mục đích bảo tồn, trong khi đất khu vực xung quanh để làm nhà ở, kinh doanh, nông nghiệp và công nghiệp nhỏ. Cảng chính và bến phà nằm tại ngôi làng nhỏ Kuala Perlis, kết nối người dân địa phương và khách du lịch đến đảo Langkawi. Ngoài ra, hoạt động khai thác thủy hải sản RNM cũng là một loại hình sinh kế phổ biến nơi đây. Mặc dù, có diện tích nhỏ nhưng RNM Kuala Perlis đóng vai trò rất quan trọng, là mái nhà trú ngụ của nhiều sinh vật biển. Đây là một trong những lá chắn giúp phòng hộ ven biển và sự bào mòn của nước biển. Tạo môi trường sống thuận lợi cho người dân nuôi trồng thủy hải sản, thu hút nhiều khách du lịch tới thăm quan và khám về RNM.

Hình 1. RNM Kuala Perlis

Phương pháp định giá ngẫu nhiên (CVM)

    Phương pháp định giá ngẫu nhiên (Contingent valuation method - CVM) được đề xuất bởi tác giả S.V Ciriacy-Wantrup, Đại học Califonia, Mỹ vào năm 1947 thông qua nghiên cứu “Capital Returns from Soil Conservation Practices” (Lợi ích thông qua các thực hành bảo vệ tài nguyên đất). Đây là phương pháp được sử dụng để ước lượng giá trị kinh tế cho tất cả các loại hệ sinh thái và dịch vụ môi trường cả giá trị sử dụng và phi sử dụng. Bằng cách xây dựng những kịch bản thị trường giả định (hypothetical market), người ta xác định được hàm cầu về hàng hóa môi trường thông qua sự sẵn lòng chi trả (Willingness to pay - WTP) của người dân hoặc sự sẵn lòng chấp nhận khi họ mất đi hàng hóa đó (Willingness to accept - WTA). 

    Áp dụng phương pháp CVM bằng cách phỏng vấn trực tiếp người dân một cách ngẫu nhiên về đánh giá của họ đối với hàng hóa môi trường ở vị trí cần đánh giá hay xem xét. Trên cơ sở tiến hành thống kê xã hội học, kết quả thu được từ các phiếu đánh giá sẽ định lượng giá trị hàng hóa môi trường. Hiện nay, phương pháp CVM đã ngày càng được hoàn thiện với một quy trình chung (Bảng 1).

Bảng 1. Trình tự tiến hành phương pháp CVM

Các bước thực hiện

Nội dung chi tiết

(1) Xác định các mục tiêu cụ thể

 

1a. Xác định đối tượng cần đánh giá

1b. Thiết lập giá trị dùng để ước lượng và đơn vị đo

1c. Xác định khoảng thời gian tiến hành điều tra

1d. Xác định đối tượng phỏng vấn

(2) Thiết kế câu
hỏi

2a. Giới thiệu

2b. Thông tin kinh tế - xã hội

2c. Đưa ra viễn cảnh

2d. Kỹ thuật để tìm hiểu WTP

2e. Cơ chế chi trả

(3) Chọn mẫu tiến hành khảo sát

 

3a. Quyết định kích thước mẫu

3b. Quyết định tiến hành điều tra như thế nào, khi nào, ở đâu

3c. Điều tra thử

3d. Tiến hành điều tra

(4) Xử lý và phân tích số liệu

4a. Thu thập và kiểm tra số liệu

4b. Xử lý số liệu

4c. Loại bỏ những phiếu điều tra không phù hợp

4d. Xây dựng các biến

4e. Phân tích số liệu

(5) Ước lượng mức WTP

 

5a. Lựa chọn mô hình WTP

5b. Ước lượng mức WTP trung bình hàng năm của mỗi cá
nhân

5c. Lợi nhuận ròng hàng năm

5d. Tổng giá trị của hàng hóa và dịch vụ môi trường

Nguồn: [1]

    Phương trình hàm lợi ích của người trả lời được xác định như sau:

Uij = Ui(yj, zj, ɛij)               (1)

    Trong đó:i: bối cảnh nghiên cứu (từ 0 -1), i = 0 nếu không thực hiện bảo tồn (như hiện tại), i = 1 nếu việc bảo tồn được trong tương lai; y: thu nhập của hộ gia đình; z: đặc điểm của người trả lời; ε là các nhân tố không quan sát được.

    Người trả lời sẵn sàng trả tiền nếu lợi ích của họ nếu bảo tồn rừng ngập mặn trong tương lai cao hơn lợi ích ở kịch bản hiện trạng.

    Phương trình (2) trình bày xác suất trả lời Đồng ý (YES):

Prob(Yesj) = Prob (U1 (yj – dj,zj, ɛij) > U0 (dj,zj, ɛ0j))                   (2)

    Nghiên cứu này đã áp dụng một khoản đóng góp cho quỹ bảo tồn sử dụng CVM và Giám đốc Sở Lâm nghiệp Perlis sẽ quản lý quỹ này. Với việc sử dụng định dạng giới hạn kép sáu giá đấu thầu khởi điểm: MYR1.00, MYR5.00, MYR10.00, 15 MYR, 20 MYR và 25 MYR. Có bốn xác suất trả lời (bảng):

Bảng 2. Xác suất trả lời các khoản đóng góp cho bảo tồn

Phương án trả lời

Kết quả

No/No (NN)

WTP ≤ bL

No/Yes (NY)

bL ≤ WTP ≤ b  

Yes/No (YN)

b ≤ WTP ≤ bU

Yes/Yes (YY)

WTP ≥ bU

(b: giá đề xuất ban đầu, bL: giá thầu thấp hơn b, bU: giá thầu cao hơn b).

lnL = ∑i=1n   [diNN PiNN + diNY PiNY  +  diYN PiYN  + diYY PiYY                  (3)

   Trong đó,

- di: biến số lưỡng phân trên câu trả lời của người được hỏi (NN, NY, YN hoặc YY),

- Pi: giá chào mua ban đầu.

    Việc tối đa hóa hàm log-khả năng của phương trình (3) sẽ ước lượng tham số của β.

    Với quy mô mẫu phỏng vấn là 256 người bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên tại Kuala Perlis và các khu vực lân cận bởi lẽ các ước tính chỉ có ý nghĩa nếu cỡ mẫu tối thiểu là 250 [2].

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

    Kết quả khảo sát cho thấy, đa số những người được hỏi (91%) đã kết hôn với độ tuổi trung bình là 48. Về trình độ học vấn, đa số người được hỏi có trình độ tiểu học và trung học cơ sở (35%), trong khi 4% chỉ đạt trình độ đại học (cao đẳng và đại học), với số năm học chính quy trung bình là 8,4 năm; sinh kế chính là khai thác và nuôi trồng thủy sản (người được hỏi làm nghề đánh cá (82%), nuôi cá lồng (12,9%), lao động tự do (2,73%) và nông dân (0,39%). Điều này cho thấy người dân địa phương phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.

    Khảo sát cho thấy, tổng thu nhập hộ gia đình của hơn một nửa số người được hỏi (53,81%) là từ 501 MYR đến 1000 MYR (tương đương 121 - 243 USD) một tháng, trong khi 7,8% người được hỏi kiếm được dưới 500 MYR một tháng, với thu nhập trung bình hàng tháng là 1081 MYR (tương đương 262 USD). Số người trung bình trong một hộ  là 5 người.

Bảng 3. Các hoạt động ưu tiên cho quản lý và bảo tồn RNM

Đơn vị tính: %

Các hoạt động ưu tiên

1

2

3

4

Trồng RNM

 

134 (52.34)

 

 

59 (23.05)

 

 

22 (8.59)

 

 

41 (16.02)

 

Phục hồi RNM

 

60 (23.44)

 

 

95 (37.11)

 

 

73 (28.52)

 

 

28 (10.94)

 

Bảo tồn rừng phục vụ du lịch

 

22 (8.59)

 

 

58 (22.6)

 

 

97 (37.89)

 

 

79 (30.86)

 

Bảo vệ các dòng sông khỏi nạn ô nhiễm

 

40 (15.63

 

 

 

44 (17.19)

 

 

64 (2

)

 

 

108 (42.19)

 

Nguồn: [2]

    Bằng phương pháp sử dụng trọng số ưu tiên với thang điểm từ 1 - 4  (thang đo Likert 4 điểm) trong đó 1 điểm là mức độ ưu tiên cao nhất và 4 điểm là mức ưu tiên thấp nhất nhằm xem xét quan điểm của người dân địa phương về các hoạt động ưu tiên trong quản lý RNM bao gồm: trồng rừng, phục hồi rừng, bảo tồn rừng phục vụ du lịch, bảo vệ các dòng sông khỏi nạn ô nhiễm. Hơn một nửa số người được hỏi (134 người trong số 256 người chiếm 52,34%) cho biết lựa chọn ưu tiên của họ là trồng RNM, tiếp theo là phục hồi rừng và bảo tồn cho mục đích du lịch và cuối cùng, ưu tiên thấp nhất là bảo vệ sông chống ô nhiễm (108 người trong số 256 người chiếm 42,19%).

Bảng 4. Mục đích phục hồi RNM

Đơn vị tính: %

Mục đích

1

2

3

4

5

Không gian xanh

 

 

 

26 (10.16)

 

 

165 (64.45)

 

 

65 (25.39)

 

Điều tiết và bảo vệ nguồn nước

 

 

 

17 (6.64)

 

 

181 (70.7)

 

 

58 (22.6)

 

Môi trường sống của động vật hoang dã

 

 

 

35 (13.67)

 

 

174 (67.97)

 

 

47 (18.36)

 

Giáo dục và nghiên cứu khoa học

 

 

 

1 (0.39)

 

 

28 (10.94)

 

 

180 (70.31)

 

 

47 (18.36)

 

Bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên

 

 

 

 

13 (15.08)

 

 

172 (67.19)

 

 

71 (27.73)

 

Môi trường sống của thực vật và động vật

 

 

 

1 (0

39)

 

 

17 (16.64)

 

 

164 (64.06)

 

 

74 (28.91)

 

Giải trí và du lịch

 

 

 

1 (0.39)

 

 

22 (8.59)

 

 

175 (68.36)

 

 

58 (22.6)

 

Giáo dục môi trường

 

 

 

 

19 (7.42)

 

 

178 (69.53)

 

 

59 (23.05)

 

Vì thế hệ tương lai

 

 

1 (0.39

 

 

 

19 (7.42)

 

 

169 (66.02)

 

 

6

 (26.17)

 

Hỗ trợ sinh kế người dân địa phương

 

 

 

 

13 (5.08)

 

 

171 (66.8)

 

 

72 (28.13)

 

Nguồn: [2]

    Bảng 4 trình bày các mục đích quan trọng để phục hồi RNM. Trên thang điểm từ 1 đến 5 (điểm 1: không quan trọng và điểm 5: rất quan trọng) với những lợi ích cơ bản của RNM như: không gian xanh, điều tiết và bảo vệ nguồn nước; môi trường số của động vật hoang dã; giáo dục và nghiên cứu khoa học; bảo tồn cảnh quan tự nhiên; môi trường sống của các loài sinh vật, giải trí và du lịch, vì thế hệ tương lai và hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương. Những người được hỏi cho rằng động cơ chính để phục hồi rừng ngập mặn là vì môi trường sống của động thực vật (74 trong số 256 người chiếm 28,91%), tiếp theo là vì sinh kế của người dân địa phương (72 trong số 256 người chiếm 28,13%), và bảo tồn cảnh quan tự nhiên (71 trong số 256 người chiếm 27,73%).

Bài học kinh nghiệm bảo vệ HST RNM cho Việt Nam

    RNM đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm (lâm sản, nguồn lợi thủy sản), bảo vệ hệ sinh thái, môi trường... Hiện nay, tại Việt Nam, các vùng RNM đang bị đe dọa bởi sức ép của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. Bảo vệ và phục hồi RNM là một trong các nội dung chính của các Chiến lược phát triển Lâm nghiệp nước ta.Trên cơ sở các kết quả khảo sát thực nghiệm về lượng giá kinh tế của RNM Kuala Perlis, nghiên cứu cho thấy, người dân địa phương sẵn sàng chi trả để bảo vệ RNM với các điều kiện như: Thực thi pháp luật hiệu quả; quản lý tài chính minh bạch và có trách nhiệm; chia sẻ lợi ích công bằng; phát triển sinh kế của những người dân… Đồng thời, nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp để bảo vệ và phát triển bền vững HST RNM ở Việt Nam như sau:

    Thứ nhất, cần xây dựng các mô hình và quy hoạch lại các khu vực nuôi trồng thủy sản xung quanh vùng RNM để nâng cao hiệu quả nuôi trồng theo hướng nâng cao năng suất hơn là phát triển diện tích. Khai thác hợp lý nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các phương tiện khai thác hủy diệt.

    Thứ hai, đa dạng hóa sinh kế cho người dân địa phương bằng cách đa dạng hóa ngành nghề, hỗ trợ vốn. Các ngành nghề có thể phát triển ở đây gồm có chăn nuôi gia súc, dịch vụ du lịch, đánh bắt xa bờ…

    Thứ ba, cần xây dựng mô hình chi trả dịch vụ môi trường thông qua Quỹ bảo tồn và phát triển RNM từ các tổ chức, cá nhân khai thác lợi ích từ RNM. Số tiền thu về hàng năm được sử dụng cho các hoạt động trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, ngoài ra, có thể hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân.

    Thứ tư, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng và tác hại của việc phá rừng đối với thế hệ hiện tại và tương lai.

Kết luận

    RNM Kuala Perlis, Malaixia cung cấp nhiều giá trị như bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương (thông qua khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, phát triển du lịch, duy trì cảnh thiên nhiên phục vụ mục đích giải trí. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi diện tích RNM sang mục đích nông nghiệp bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, làm nhà ở, làm vườn và thương mại vẫn diễn ra và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái RNM. 

    Nghiên cứu này đã sử dụng cách tiếp cận định giá ngẫu nhiên hai giới hạn để ước tính giá trị kinh tế dịch vụ hệ sinh thái của rừng ngập mặn Kuala Perlis. CVM cho phép xác định các giá trị khó lượng hóa của tài nguyên và môi trường. Cách tiếp cận đánh giá được xây dựng trên cơ sở lý thuyết về độ thỏa dụng và hàm cầu cá nhân, vì vậy mang tính hợp lệ về lý luận. Ngoài ra, thông tin ước lượng nếu được tiến hành với quy trình chuẩn mực, có độ tin cậy cao có thể sử dụng trong hoạch định các chính sách, quản lý tài nguyên.

    Kết quả nghiên cứu cũng là mô hình có thể áp dụng cho các vùng RNM ở Việt Nam trong việc thực hiện các chương trình bảo tồn RNM và mức đóng góp cho quỹ bảo tồn rừng ngập mặn để trồng và phục hồi RNM cho thế hệ tương lai. Vì vậy, nên áp dụng biện pháp quản lý thông qua giao đất giao rừng đến từng người dân địa phương, gắn quyền lợi của người dân với việc bảo vệ rừng, trả thù lao bảo vệ RNM tương tự như bảo vệ rừng trên cạn nhằm khuyến khích nhân dân tham gia bảo vệ rừng.

Nguyễn Thị Thu Hà

Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2021)

Tài liệu tham khảo

1. Anil Markandya (2002), Economic Principles and Overview of Valuation Methods for Environmental Impacts.

2. Bakti Hasan-Basri, Zaiton Samdin, Awang Noor Ghani(2020) Willingness to Pay for Conservation of Mangrove Forest in Kuala Perlis, Malaysia, Jurnal Ekonomi Malaysia 54(3) 2020, 89-99.

3.  Hamilton, S. E., & Casey, D. (2016). Creation of a high spatio-temporal resolution global database of continuous mangrove forest cover for the 21st century (CGMFC-21). Global Ecology and Biogeography, 25, 729-738.

4. Ciriacy-Wantrup (1947), “Capital Returns from Soil Conservation Practices”, Journal of Farms Economics, 29, 1180-1190.

5. Jump up↑ DAVIS, Robert K. (1963)"The Value of Outdoor Recreation: An Economic Study of the Maine Woods" Ph.D. dissertation. Harvard University.

Ý kiến của bạn