Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Trung Quốc - Quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo

29/01/2019

     ​Từng là một trong những quốc gia gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất thế giới, nhưng thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực triển khai các giải pháp để giảm thiểu phát thải, cải thiện chất lượng môi trường, trở thành nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất, khai thác, sử dụng, xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là năng lượng gió (NLG), năng lượng mặt trời (NLMT), cung cấp hơn 2/3 số tấm pin mặt trời và gần 1/2 số tua bin gió của thế giới...  

     Thị trường đầu tư NLTT hấp dẫn nhất thế giới

     Trong khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu thì Trung Quốc lại đầu tư hàng trăm tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng xanh. Từ chỗ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt… quốc gia này đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển NLTT. Theo Giám đốc Nghiên cứu tài chính năng lượng của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) Tim Buckley, quyết định rút khỏi Thỏa thuận Pari của Mỹ là chất xúc tác quan trọng cho sự thống trị NLTT của Trung Quốc.

     Năm 2006, Trung Quốc ban hành Luật NLTT, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Tiếp đó, nhiều chính sách và kế hoạch ở cấp quốc gia cũng như địa phương được ban hành, nhằm đẩy mạnh phát triển NLTT. Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011 - 2015) và lần thứ XIII (2016 - 2020) của Trung Quốc cũng nêu rõ, phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh, BVMT, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải các bon và thay đổi cấu trúc thị trường than. Ngoài ra, Trung Quốc còn ban hành một số quy định, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm NLTT, điều chỉnh giá điện từ nguồn NLTT và hủy bỏ kế hoạch triển khai 104 dự án nhà máy nhiệt điện than ở 13 tỉnh, TP.

     Than đá vẫn chiếm phần lớn trong tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc, song chính quyền đang nỗ lực đóng cửa các mỏ than và đặt ra những hạn chế mới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than. Tháng 1/2017, Ủy ban Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đặt ra mục tiêu bắt buộc trong việc giảm lượng than tiêu thụ và tăng nguồn năng lượng thay thế lên mức tương đương 15% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng của cả nước vào năm 2020, đồng thời, giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống 20% vào năm 2030. Với mục tiêu này, Trung Quốc bước đầu hỗ trợ phát triển NLMT thông qua kế hoạch trợ cấp đầu tư “Mặt trời vàng”. Cùng với đó, sau nhiều năm nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất pin NLMT, tháng 7/2011, Trung Quốc thực hiện giảm thuế NLMT để tạo lập thị trường riêng trong nước. Đến năm 2013, Trung Quốc vươn lên thành thị trường pin NLMT lớn nhất thế giới. Năm 2017, nước này lắp đặt tới 53GW NLMT, gấp gần 5 lần thị trường Mỹ. 

     Thành quả mới nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực NLTT là việc hoàn thành Dự án Trang trại Điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới tại tỉnh An Huy, xây dựng trên diện tích khoảng 160 km2. Với 166.000 tấm pin NLMT và tổng công suất 40 MW, Trang trại này có thể cung cấp đủ năng lượng sạch cho 15.000 hộ dân. Đặc biệt, các tấm pin NLMT được đặt nổi trên vùng ngập nước, trước đây là một mỏ than. Hiện nay, ý tưởng về các nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước đang được Trung Quốc chú trọng, bởi nó giải quyết được vấn đề nan giải của lĩnh vực điện mặt trời là thiếu không gian.

     Bên cạnh NLMT, NLG cũng là nguồn tài nguyên quý giá, được Trung Quốc xác định là thành phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và quyết tâm đầu tư phát triển, đồng thời, khuyến khích các công ty nước ngoài sản xuất điện gió. Năm 2009, Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành thị trường NLG lớn nhất thế giới, với công suất lên đến 26GW. Năm 2015, điện gió đã cung cấp 33 GW cho đất nước, gấp 3 lần công suất năng lượng sạch tại Pháp và quốc gia này đang phấn đấu, năm 2020 sẽ tăng công suất điện gió lên 210 GW, tương đương tổng công suất điện gió của cả thế giới. 

     Năng lượng sinh khối (NLSK) cũng là một loại hình năng lượng sạch được Trung Quốc quan tâm phát triển bằng việc tận dụng chất thải từ chăn nuôi, phụ phẩm nông - lâm nghiệp, chất thải rắn ở đô thị. Theo Cục Quản lý Năng lượng Trung Quốc, trung bình mỗi năm, Trung Quốc sản xuất NLSK tương đương 460 triệu tấn than, chủ yếu là khí sinh học. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ xây dựng hơn 300 nhà máy sử dụng chất thải sinh hoạt để phát điện, phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu sử dụng NLSK tương đương 58 triệu tấn than.

 

Trang trại Điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới tại tỉnh An Huy, phía Đông Trung Quốc

 

     Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất - xuất khẩu lớn các sản phẩm NLTT, cung cấp khoảng 2/3 số lượng pin mặt trời và gần 1/2 số tua bin gió trên thế giới. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đặt cược lớn vào NLTT khi cam kết đầu tư 2.500 tỷ nhân dân tệ, tương đương 367 tỷ USD để sản xuất năng lượng từ mặt trời, gió, thủy điện và hạt nhân vào năm 2020.

     Hiện thực hóa tham vọng

     Không chỉ thúc đẩy các chính sách phát triển NLTT, Trung Quốc còn tập trung đầu tư phát triển công nghệ, sản phẩm NLTT và nhanh chóng trở thành nhà cung cấp sản phẩm NLTT hàng đầu thế giới. Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn vào NLTT trong nước với mức đầu tư 102 tỷ USD năm 2015, cao gấp đôi số vốn đầu tư trong nước của Mỹ, gấp 5 lần của Anh và khoảng 36% toàn thế giới.

     Trung Quốc hiện đã xây dựng nhiều trang trại NLG, NLMT và đang bán sản phẩm ra toàn cầu. Theo số liệu của Viện NLMT, thuộc Đại học George Washington (Mỹ), từ năm 2010 - 2012, Chính phủ Trung Quốc có chính sách hỗ trợ các công ty trong nước vay 42 tỷ USD để sản xuất pin NLMT, nhờ đó, giá pin NLMT đã giảm 90% trong hơn thập kỷ qua. Không dừng lại ở thị trường trong nước, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Năm 2016, nước này thông qua 13 dự án trị giá hơn 1 tỷ USD, trong đó có 2 dự án đầu tư tại Ôxtrâylia, 2 dự án tại Đức, 2 dự án tại Brazil, các giao dịch ở Chi Lê, Inđônêxia, Ai Cập, Pakistan và Việt Nam.

     Với 2/3 sản lượng pin NLMT trên thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc và đây cũng là quốc gia tiêu thụ một nửa lượng pin NLMT mới, việc Trung Quốc kiểm soát thị trường NLTT là điều hoàn toàn dễ hiểu. Theo xếp hạng các thị trường đầu tư NLTT hấp dẫn nhất thế giới năm 2018 của hãng kiểm toán Ernst&Young, Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trong suốt ba năm liên tiếp. Có thể nói, nhờ những chính sách hiệu quả và hướng đi hợp lý, ngành năng lượng sạch của Trung Quốc đang phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Tháng 4/2018, Trung Quốc đưa vào thử nghiệm đường NLMT dài 1.080 m tại huyện Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Con đường thông minh được xây với nhiều tấm pin NLMT nằm bên dưới lớp vật liệu trong suốt; mặt đường gắn cảm biến để theo dõi nhiệt độ, mật độ giao thông và tải trọng; có khả năng tự sạc điện cho phương tiện, cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho chủ xe. Tập đoàn phát triển giao thông Qilu cho biết, con đường này giúp tiết kiệm không gian cho việc xây dựng các trang trại NLMT và rút ngắn khoảng cách truyền dẫn. Đặc biệt, điện năng sinh ra từ đường cao tốc đủ cấp điện cho đèn đường, hệ thống làm tan tuyết, camera giám sát, biển báo hiệu, các cơ sở cầu đường và 800 hộ dân.

     Mới đây, Trung Quốc điều chỉnh lại mục tiêu phát triển NLTT, với mục tiêu đạt ít nhất 35% năng lượng tiêu thụ vào năm 2030 phải là NLTT. Đây là con số rất lớn so với mục tiêu chỉ chuyển sang sử dụng 20% năng lượng “phi hóa thạch” vào năm 2030 đã đề ra trước đó. Kế hoạch mới mang tên Tiêu chuẩn danh mục tái tạo chính là để giải quyết tình trạng ô nhiễm thông qua việc giảm thiểu sử dụng than đá. Bắc Kinh cũng nâng khung quy định cho các địa phương và yêu cầu những doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn phải đóng thêm chi phí, khoản tài chính này sẽ được sử dụng cho các dự án NLTT của Chính phủ.

     Là quốc gia luôn đòi hỏi nhiều năng lượng để phục vụ mục tiêu phát triển, việc nâng tỉ lệ sử dụng NLTT của Trung Quốc là một bước đi đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những con số Bắc Kinh đề ra vẫn khá khiêm tốn so với mặt bằng chung của thế giới. Hiện nay, Liên minh châu Âu đang ấn định mục tiêu sử dụng 40% NLTT vào năm 2030, tương đương với phần lớn mục tiêu mà các bang của Mỹ đề ra (dù quốc gia này chưa đề ra bất cứ quy định nào ở quy mô toàn quốc), thậm chí, bang California (Mỹ) còn đang nhắm tới mốc 50%. Đối với Trung Quốc, vốn đã tạo được thế mạnh trong việc sản xuất NLTTT, việc nâng tỉ lệ sử dụng loại năng lượng mới cũng giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm nhu cầu và sự lệ thuộc vào hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ các quốc gia khác trên thế giới.

 

Trương Thị Hậu

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

Ý kiến của bạn