Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Quần xã sinh vật Taiga - Nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật

03/05/2018

 

     Quần xã sinh vật Taiga nổi bật với các rừng cây lá kim, bao phủ hầu hết phần trên đại lục Alaska, Thụy Điển, Canađa, Phần Lan, phía Bắc nước Mỹ, Kazakhstan, Hokkaido của Nhật Bản và phần lớn Siberi (Nga). Taiga có khí hậu lục địa khắc nghiệt, là quần xã sinh vật lạnh nhất Trái đất, nhiệt độ có sự khác biệt rất lớn giữa mùa đông và mùa hè, dao động từ - 500 C đến 300 C, tùy vào từng thời điểm. Mùa đông kéo dài khoảng 5 - 6 tháng, nhiệt độ trung bình dưới điểm đóng băng của nước. Do khí hậu lạnh, lá rụng và rêu tồn tại trên mặt đất trong thời gian dài, cản trở sự hình thành, phát triển cũng như hạn chế chất hữu cơ cho đất, vì vậy, các loại đất trong khu vực Taiga chủ yếu là đất mỏng, nghèo dinh dưỡng, không có phẫu diện giàu hữu cơ và dày như các rừng sớm rụng ôn đới. Thời gian mùa hè ngắn, nhưng thời tiết ẩm, về phía Nam lại có sự biến đổi rõ nét theo lượng mưa.

​     Tài nguyên thực vật đa dạng

​     Có hai loại rừng Taiga chính là rừng kín, với nhiều loại cây gỗ mọc chen chúc, rêu che phủ và rừng địa y, gồm các cây gỗ mọc thưa hơn, địa y che phủ mặt đất, phổ biến tại khu vực rừng Taiga ở phía Bắc nước Nga. Các cánh rừng trong khu vực Taiga chủ yếu là cây lá kim, trong đó phần lớn là thông rụng lá, vân sam, linh sam, có khả năng tự thích ứng để tồn tại trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt. Rễ của các loài cây gỗ ăn nông do lớp đất mỏng, đặc biệt, nhiều loài có thể tự biến đổi hóa - sinh học theo mùa để thích nghi với thời tiết giá rét. Do mặt trời chỉ nhô lên khá thấp ở đường chân trời nên các loài thực vật gặp khó khăn trong việc sản sinh năng lượng từ quang hợp. Thông, vân sam là những loài không mất lá theo mùa, có khả năng quang hợp bằng các lá già vào cuối mùa đông và mùa xuân. Việc thích nghi của các loài lá kim thường xanh đã hạn chế sự mất nước do quá trình thoát hơi nước của cây và màu lục sẫm của lá, giúp gia tăng khả năng hấp thụ ánh nắng mặt trời. Mặc dù lượng giáng thủy (hiện tượng nước thoát ra khỏi những đám mây) không phải là yếu tố hạn chế, nhưng mặt đất bị đóng băng trong các tháng mùa đông và rễ cây không thể hấp thụ nước. Vì thế, sự sấy khô có thể là vấn đề nghiêm trọng cho các loài cây thường xanh vào các tháng cuối mùa đông.

 

Rừng Taiga ở Siberi (Nga)

​     Một số cây lá rộng (thực vật có hoa) cũng tồn tại ở Taiga, tiêu biểu như bạch dương, dương rung, liễu, thanh hương trà (chi Sorbus)… Bên cạnh đó, nhiều loài thực vật thân thảo nhỏ mọc sát mặt đất, phát triển thuận lợi nhờ các đám cháy rừng theo chu kỳ (khoảng 20 - 200 năm) làm sạch các tán cây, cho phép ánh nắng tiếp cận mặt đất, hoặc loài thông banksa có quả dạng hình nón, chỉ mở ra để giải phóng, phát tán hạt lên vùng đất mới được dọn quang sau khi có cháy rừng. Các loài cỏ có thể phát triển tại các khu vực chúng tìm thấy nắng, rêu và địa y phát triển tốt trên các vùng đất ẩm ướt ven thân cây. Ở những khu vực ấm hơn, xuất hiện các loài thông Triều Tiên, vân sam Jezo, linh sam Mãn Châu, tạo nên rừng hỗn hợp, tại các khu vực gần bờ biển Thái Bình Dương, chúng hợp nhất và tạo thành rừng lá kim ôn đới. Mặc dù, mưa không nhiều, nhưng tuyết và sương cũng góp phần làm phát triển các thảm thực vật rậm rạp. Trước kia, phần lớn rừng Taiga bị đóng băng, nhưng do thay đổi của địa hình và sự nóng lên của Trái đất, các sông băng thu hẹp diện tích, tạo thành những hồ nước, đầm lầy.

​     Hệ động vật phong phú

​     Rừng Taiga là nơi sinh sống của nhiều loài động vật ăn cỏ lớn và các loài gặm nhấm nhỏ. Các loài động vật ăn thịt lớn như gấu thường kiếm ăn vào mùa hè để tích lũy năng lượng và sau đó ngủ đông. Các động vật khác lại tạo ra lớp lông đủ dày khi mùa đông đến để tránh rét, đặc biệt, khu rừng có rất nhiều loài hoang dã quý, hiếm như tuần lộc, gấu nâu Bắc Mỹ, chồn Gulô, hổ Siberia… Bên cạnh đó, có nhiều loài chim như: hoét Siberi, sẻ họng trắng, chích xanh họng đen, đại bàng vàng, ó buteo chân thô, quạ và một số loài chim ăn hạt như gà gô, mỏ chéo cũng di cư đến Taiga, nhưng chỉ có khoảng 30/300 loài ở lại đây khi mùa đông tới.

​     Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên khẩu phần ăn của động vật ăn thịt không đảm bảo việc cung cấp năng lượng. Nhiều loài chim săn mồi như cú, đại bàng, cùng các loài ăn thịt nhỏ như cáo và chồn săn tìm các loài gặm nhấm. Động vật ăn thịt lớn như linh miêu, chó sói, săn tìm các loài lớn hơn, các loài gấu và gấu trúc Mỹ cũng khá phổ biến.

​     Tuy nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học ở rừng Taiga đang bị suy giảm do mất môi trường sinh sống bởi cháy rừng, hoạt động chặt phá rừng bừa bãi của con người… Vì vậy, cần có chính sách phát triển kinh tế bền vững, kết hợp khai thác với BVMT, tái sinh hệ sinh thái; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành luật bảo vệ rừng Taiga; có chính sách đầu tư bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của các cánh rừng, xây dựng công viên thiên nhiên, công trình phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển công nghệ gen, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào bảo tồn các nguồn gen quý, hiếm…

Taiga là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý, hiếm, trong đó có chồn Gulô

Trương Huyền

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

Ý kiến của bạn