Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Phần Lan áp dụng nhiều chính sách nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững

12/03/2018

     Trong thập niên 1980, nền kinh tế của Phần Lan bắt đầu bùng nổ do Chính phủ tiến hành một loạt cải cách như cổ phần hóa các công ty quốc doanh, mở cửa thị trường, hướng đến kinh tế công nghệ cao… Đặc biệt, nhờ việc đầu tư mạnh cho Tăng trưởng xanh (TTX) thông qua chính sách thuế bảo vệ môi trường đã tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước cũng như cải thiện đời sống người dân. Hiện Phần Lan cónền kinh tế phát triển với mức GDP bình quân đầu người đạt 43.090 USD vào năm 2016, tương đương với Pháp, Đức, Anh hay Thụy Điển.

     Cải cách thuế xanh và các loại thuế liên quan đến môi trường

     Để thúc đẩy TTX, ngày càng nhiều nước sử dụng công cụ “định hướng theo thị trường” như hệ thống các loại thuế, phí môi trường; giấy phép phát thải chuyển nhượng được…Đầu những năm 1990, cùng với một số nước của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) như Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Phần Lan đã đi tiên phong trong cải cách thuế xanh và mang lại hiệu quả cao.

     Trước hết, Phần Lan áp dụng một số loại thuế mới cho các sản phẩm gây hại tới môi trường như đánh vào phát thải CO2 đối với nhiên liệu. Đồng thời, tái cấu trúc một số loại thuế để đưa các yếu tố môi trường vào trong thuế đó, ví dụ như thuế các bon trên các sản phẩm năng lượng. Cùng với đó, nước này giảm dần hoặc loại bỏ một số ưu đãi thuế và trợ cấp có khả năng gây hại cho môi trường (các khoản trợ cấp nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây nên sự bào mòn và thoái hóa đất, cùng các vấn đề về môi trường khác…). Hiện nay, Phần Lan đang triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng công nghệ xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, đồng thời, lên kế hoạch giảm dần các ngành công nghiệp khai khoáng, hóa chất… gây ô nhiễm môi trường và chuyển dần sang các ngành công nghiệp xanh. Nhờ đó,Phần Lan cùng với các nước Bắc Âu hiện đang dẫn đầu thế giới trong đóng thuế môi trường lên tới 5,9% GDP thông qua các loại thuế đánh từ nhiên liệu (xăng dầu, điện, khí đốt…) và khí thải CO2, phương tiện giao thông (mua, sử dụng xe hơi), thuế ô nhiễm và khai thác tài nguyên thiên nhiên…

 

Phần Lan là 1 trong 10 quốc gia xanh, sạch nhất thế giới năm 2017

 

     Bên cạnh đó, tại Phần Lan, các chiến dịch tuyên truyền nhằm giáo dục ý thức người dân và doanh nghiệp trong việc nộp thuế BVMT cũng như những vai trò của thuế BVMT được diễn ra liên tiếp trên quy mô rộng như: Áp phích và tranh ảnh quảng cáo miêu tả lợi ích của thuế BVMT được dán tại các khu trung tâm mua sắm nhằm thu hút sự chú ý của người dân; Cung cấp thông tin qua mạng các đoạn phim, chiến lược, khẩu hiệu, tờ rơi giáo dục về thuế BVMT...Bằng việc triển khai và thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao nhận thức về BVMT nói chung và thuế cho mục đích BVMT nói riêng, ý thức của các doanh nghiệp và người dân Phần Lan được nâng cao, giúp việc thu thuế trở nên dễ dàng và chính sách thuế được triển khai hiệu quả hơn.

     Phấn đấu trở thành quốc gia không sử dụng than trước năm 2030 

     Từ khi cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới nổ ra, than đá - nhiên liệu hóa thạch, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Bước sang thế kỷ XXI, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, mặc dù than đá là nguồn nguyên liệu quan trọng song cũng chính là nguyên nhân gây ra 20% hiện tượng hiệu ứng nhà kính và khí thải, vốn là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu. Chính vì thế, các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang hướng đến việc tìm nguồn năng lượng mới thay thế cho than đá. Nhằm thúc đẩy TTX, Phần Lan đã công bố kế hoạch loại bỏ than trước năm 2030, hướng tới sản xuất hoàn toàn năng lượng sạch, không chứa các bon vào năm 2050.

     Nếu nhưmột số quốc gia như Anh và Canađa cũng lên kế hoạch cam kết sẽ dần đẩy lùi, tiến tới loại bỏ than trong vòng 10 - 15 năm tới, song vẫn cho phép các nhà máy than tiếp tục hoạt động, miễn sao các nhà máy có hệ thống thu hồi và lưu trữ lượng các bon sản sinh ra từ than đá, thì Phần Lan dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm toàn diện đối với than đá, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất năng lượng. Thay vào đó, nước này dự tính tận dụng tiềm năng từ nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện cho công nghiệp để đạt được mục tiêu về khí hậu và năng lượng dài hạn.Hiện tại, Phần Lan chỉ duy trì 8% năng lượng từ than đá, hầu hết được nhập khẩu từ Nga, còn lại, năng lượng tái tạo và hạt nhân lần lượt đóng góp 45% và 35%.

     Bên cạnh đó, Phần Lan cũng sử dụng than bùn trong các hoạt động năng lượng nhờ tính sẵn có trong nước và sản lượng gấp 3 lần than đá. Trong năm 2014, có 4% nguồn điện năng tiêu thụ được bù đắp nhờ than bùn, trong khi than đá chỉ chiếm 9%. Kế hoạch loại bỏ than nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người dân với lập luận than chỉ chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 8%) trong tổng sản lượng điện sản xuất hàng năm và nguồn cấp điện chính của Phần Lan đến từ điện hạt nhân (chiếm 33% - 2012), tiếp theo là thủy điện (chiếm 25%).

     Ngoài việc loại bỏ dần than đá vào năm 2030, Phần Lan cũng dự kiến sẽ giảm bớt việc nhập khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch khác như dầu mỏ, diesel, nhiên liệu và các loại chất đốt khác. Kết quả đạt được có thể giúp giảm tới phân nửa lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu trong năm 2020 so với năm 2005.

     Với nhiều giải pháp hữu hiệu, nỗ lực trong đẩy mạnh TTX, BVMT của Phần Lan đã được ghi nhận. Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã công bố danh sách 10 quốc gia xanh, sạch nhất thế giới năm 2017 dựa trên chỉ số hoạt động hiệu suất môi trường (EPI), Phần Lan vinh dự đứng đầu danh sách với 90,68/100 điểm. Các chuyên gia đãđánh giá toàn diện cách các quốc gia ứng xử trong cuộc chiến BVMT với 25 yếu tố quan trọng, từ ngư trường đến khí thải các bon, rừng, chất lượng nước, cây cối, động vật… và kết luận, trong năm 2017, Phần Lan đã sản xuất được khoảng 35% năng lượng từ các nguồn tái tạo, đặc biệt là điện gió và dự kiến đến năm 2050, tỷ lệ sẽ tăng trên 50%.Ngoài ra, theo trang Wonderslist, Thủ đô Helsinki của Phần Lan với những dãy núi xanh ngút ngàn, con đường trải thảm, cùng phương tiện giao thông thân thiện môi trường… cũng được bình chọn là một trong 10 thành phốsạch nhất thế giới cùng với New York (Mỹ), Kobe (Nhật Bản). Có thể khẳng định, phát triển theo hướng sử dụng năng lượng sạch, không chứa các bon của Phần Lan là hướng đi đột phá, giúp quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

 

Thanh Hà

Học viện Ngoại giao Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018

Ý kiến của bạn