Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Những loài chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng

17/04/2018

     Cơ quan về Động vật hoang dã của Hoa Kỳ vừa công bố danh sách hơn 90 loài đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có 10 loài chim quý hiếm với vẻ đẹp ấn tượng đang được các cơ quan chính phủ nỗ lực để bảo tồn.

 

Chim chích vàng
 

     Loài chim Setophaga chrysoparia sống chủ yếu ở Texas của Hoa Kỳ và khu vực Trung Mỹ, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Khu vực sinh sống truyền thống của chúng là Cao nguyên Edwards đã chứng kiến sự mở rộng nông nghiệp hiện đại và phá rừng ồ ạt, khiến môi trường sống của loài này bị thu hẹp.

 

Thần ưng California
 


     Thần ưng California là biểu tượng của miền viễn tây nước Mỹ. Suốt thời gian dài trong lịch sử, người dân tại đây đã không ngừng săn bắn loài chim lớn nhất nước Mỹ này để phục vụ mục đích riêng của mình, khiến số lượng loài này sụt giảm nghiêm trọng. Năm 1980, chỉ có 25 cá thể Thần ưng California còn sinh sống trong tự nhiên. Nhờ một chương trình bảo tồn tự nhiên của chính phủ, số lượng loài đã tăng lên 276 con hiện nay. Tuy nhiên, nguy cơ tuyệt chủng của chúng vẫn còn đó do môi trường sống bị đe dọa trực tiếp bởi đạn và thuốc súng cùng thuốc trừ sâu mà con người thải ra tự nhiên.

 

Ngỗng Hawaii

 

     Ngỗng Hawaii là loài chim tượng trưng và chính thức của Quần đảo Hawaii, tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ. Mặc dù mang tính biểu tượng và là một loài chim đẹp, thế nhưng nó chính thức nằm trong danh sách loài nguy cấp vào năm 1967 với số lượng loài ước tính chỉ còn khoảng 30 con. Loài ngỗng này sống ở các đảo Maui, Hawaii và Kauai của Quần đảo Hawaii. Thế nhưng do bùng nổ dân số, môi trường sống của loài này bị thu hẹp dẫn đến số lượng loài giảm rõ đi trông thấy.

 

I’iwi
 

     Loài chim hút mật hoa của Hawaii được gọi là I’iwi, là loài chim bản địa nổi tiếng của Quần đảo Hawaii. Số lượng loài I’iwi đang giảm nhanh với tốc độ đáng lo ngại. Ngoài sự phá hủy môi trường sống và biến đổi khí hậu cực đoan, sự thu hẹp quần thể I'iwi cũng có nguyên nhân bởi bệnh tật.

 

Chim chích Kirtland

 

     Chim chích Kirtland (Dendroica kirtlandii) sống ở phía bắc bán đảo Michigan. Người ta còn gọi nó là “chim lửa” do sự sống còn của nó phụ thuộc vào những vụ cháy rừng tự nhiên, rừng thông sau khi bị cháy rụi là điều kiện thích hợp để chúng làm tổ và sinh sống. Năm 1971, chỉ còn lại 201 cặp chim sống trong môi trường tự nhiên. Như một phần của nỗ lực tăng số lượng chim chích Kirtland, người ta đã cho xây dựng những khu rừng thông chuyên biệt. Quần thể chim Kirtland đã mở rộng và đến nay đã có hơn 1.800 cá thể.

 

Sếu Mỹ
 

     Grus Americana là loài chim có sự sụt giảm số lượng loài một cách đáng kể trong những năm gần đây. Năm 1941 chỉ còn 15 con Sếu Mỹ ở ngoài tự nhiên, nhờ vào những nỗ lực bảo tồn và phát triển, số lượng sếu Mỹ đã tăng lên 214 con vào năm 2015. Tuy vậy, do phần lớn Sếu Mỹ ngày nay chỉ là những con non và không có nhiều con trưởng thành hay dẫn đầu đàn để dạy chúng cách di cư về phía bắc, nơi có điều kiện thời tiết thích hợp để sinh sản. Suốt từ năm 2009 đến năm 2016, người ta đã cho lái những chiếc máy bay cỡ nhỏ đi từ Florida đến Wisconsin rồi quay về để tập cho những con chim "biết" hành trình di cư của chúng

 

Gunnison sage-grouse


     Loài Gunnison sage-grouse thuộc họ Trĩ, họ này cũng bao gồm công, cút, gà. Loài chim này sống chủ yếu ở phía nam sông Colorado ở bang Colorado và Utah. Khu vực này những năm gần đây thường xuyên xảy ra ngập lụt, khiến cây cối ngập nước và trái cây bị úng, dẫn đến môi trường sống của loài chim này bị thu hẹp.

 

Choi choi chân vàng 
 

    Loài chim Charadrius melodus làm tổ của chúng dọc theo phía bắc của Đại Bình nguyên Bắc Mỹ và bờ biển Đại Tây Dương. Chúng sống dọc theo các bờ biển, nên việc phát triển du lịch biển khiến chúng không thể làm tổ và phải sống lùi về những vùng biển nguy hiểm. Ngoài ra, tập tính của loài chim này rất nhạy cảm với sự xuất hiện và tác động của các loài khác, đặc biệt là con người. Nếu phát hiện thấy con người lai vãng gần tổ, chúng sẽ rời bỏ tổ và không bao giờ quay lại đó nữa. Điều này làm chúng bị liệt vào danh sách những loài chim có nguy cơ bị tuyệt chủng.

 

Chim chích cối xay
 

     Đây là một loài chim nhỏ, được phát hiện lần đầu ở Đảo Nihoa thuộc Quần đảo Hawaii vào năm 1923. Từ đó đến nay, người ta vẫn không biết rõ tình trạng của loài này trong tự nhiên do rất khó để tiếp cận chúng, cũng như môi trường sống trên một hòn đảo cô lập giữa đại dương.

 

Chim gõ kiến mỏ gà
 


      Đây là loài chim biểu tượng của đất nước Hoa Kỳ, với kích thước cơ thể đến 50 cm, chúng sống tập trung ở vùng đầm lầy phía nam nước Mỹ. Do nạn phá rừng và khai thác gỗ tràn lan, loài chim này không còn nơi để cư trú. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy Chim gõ kiến mỏ gà là vào năm 1987. Từ đó đến nay, chưa có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy loài chim này còn tồn tại.

 

Châu Loan

Ý kiến của bạn