Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Liên minh châu Âu: 23 nước vi phạm các quy định về chất lượng không khí

13/02/2017

     ​​Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã công bố Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chính sách về môi trường, theo đó, 130 TP của 23 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã vi phạm các quy định về chất lượng không khí của EU. Báo cáo một lần nữa bày tỏ quan ngại về tình trạng "dậm chân tại chỗ" trong xây dựng các tiêu chuẩn quy định đáp ứng mức trần theo luật châu Âu của các nước thành viên EU.

     Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, năm 2008, Liên minh châu Âu đã đưa ra một chỉ thị về chất lượng không khí và yêu cầu các nước thành viên đến năm 2020 phải giảm tỷ lệ hạt mịn trong không khí xuống còn 20% so với mức của năm 2010.

     Chỉ thị của EU cũng đưa ra quy định mức trần chất phát thải quốc gia đối với một số chỉ tiêu như hạt mịn và khí thải ôxit nitơ (NOx). Hiện nay, một bản dự thảo sửa đổi của Chỉ thị này đang được Hội đồng Bộ trưởng và Nghị viện châu Âu xem xét.

     Được biết, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng suy giảm tuổi thọ của một bộ phận người dân sinh sống tại các đô thị châu Âu, trong đó, giao thông được cho là tác nhân chính. Năm 2013, trên toàn châu Âu, khí thải NOx chủ yếu được sinh ra do các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm 68.000 người tử vong sớm.

 

 

     Cũng trong năm 2013, chất ozone (O3) cướp đi sinh mạng của 16.000 người và các hạt vật chất đặc biệt (PM2.5) được sinh ra do việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân làm 436.000 người chết.

       Trong 2 năm qua, EC đã đưa ra hành động pháp lý nhằm vào 12 nước thành viên EU không tuân thủ chuẩn chất lượng không khí đối với khí thải NOx.

      Theo đó, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp, Hungary, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, và Anh có thể phải đối mặt với các khoản phạt do vi phạm tiêu chuẩn chất lượng không khí.

      Tại Tòa án tối cao, các nhà hoạt động môi trường của Anh đã thắng kiện Chính phủ nước này vì không tôn trọng các quy định giới hạn của EU. Các vụ kiện tương tự dự báo sẽ diễn ra khắp các nước EU.

      Ngoài ra, EC cũng đã công bố các hành vi vi phạm khác đối với mức trần về hạt PM10 (kích cỡ lớn hơn hạt PM2.5).

      Hiện nhiều nước cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện do vi phạm tiêu chuẩn môi trường châu Âu về khí thải.

      Năm 2015, Bulgaria và Ba Lan đã bị đưa ra Tòa án Tư pháp EU do vi phạm các quy định của EU về mức trần ô nhiễm.

      Theo Ủy viên phụ trách môi trường EU Karmenu Vella, việc thực hiện nghiêm túc các luật về môi trường của EU có thể tiết kiệm cho nền kinh tế châu lục số tiền lên tới 50 tỷ euro mỗi năm do giảm được các chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như các chi phí trực tiếp khác dành cho việc xử lý các hậu quả về môi trường.

 

Bùi Hằng (Theo Vietnam+)

 

Ý kiến của bạn