Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Kamikatsu và hành trình trở thành “làng không rác thải” đầu tiên ở Nhật

01/06/2018

     Không nổi tiếng với những trang trại được xây dựng theo phong cách truyền thống như Shirakawa hay đẹp tựa tranh vẽ trong truyện cổ tích như Shirakawa-go, với dân số gần 2.000 người, làng Kamikatsu thuộc huyện Katsuuara, tỉnh Tokushima, Nhật Bản được thế giới biết đến nhờ khả năng tái chế tới 80% lượng rác thải. Làng cũng đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành “làng không rác thải”, “cộng đồng siêu tái chế” đầu tiên của xứ sở hoa anh đào.

     Quy định nghiêm ngặt về phân loại rác thải

     Vào những năm 1990, khái niệm phân loại và tái chế rác vẫn còn xa lạ với người dân làng Kamikatsu. Họ thường xuyên đốt rác thải sinh hoạt hoặc vứt bừa bãi ra xung quanh, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Trước tình trạng đó, từ năm 2003, Kamikatsu đã dừng việc đốt rác và tuyên bố nỗ lực trở thành “làng không rác thải”. Theo đó, tất cả các thùng rác công cộng đều bị dỡ bỏ và hiện cả làng chỉ có một nơi tập kết rác thải với 34 thùng rác phân loại như thùng để túi nhựa, đồ điện hỏng, bóng đèn, thức ăn thừa...

 

Phân loại rác thải mỗi ngày đã trở thành thói quen của người dân ở Kamikatsu

 

     Ở Kamikatsu việc đốt rác đã bỏ hoàn toàn và đặc biệt không bao giờ xuất hiện hình ảnh xe chở rác, vì vậy, người dân phải sẽ phải tự vệ sinh, phân rác thành các loại khác nhau. Rác nhà bếp phải được vắt hết nước, dùng giấy báo gói lại. Gỗ vụn, cành cây trong vườn được cắt ngắn khoảng 50 cm, dùng dây bó lại. Lọ bình xịt có thể gây nguy cơ nổ, cần cho hết khí bên trong ra ngoài trước khi bỏ đi. Những vật nguy hiểm như lưỡi dao cạo, kính vỡ… phải bọc trong giấy báo và ghi chữ “nguy hiểm”, rồi cho vào bao nhựa. Nhãn dán trên mỗi thùng đều chỉ rõ rác trong thùng này sẽ được dùng để làm gì. Sau khi phân loại, rác không thể dùng làm phân bón được đưa đến lò gồm đồ sành sứ, pin, tã trẻ em, bút bi, thủy tinh vỡ... Những thứ có thể tái sử dụng được đưa đến “cửa hàng tái sinh”, nơi dân làng đến bỏ đồ dùng cũ hoặc đem về dùng miễn phí, chủ yếu là đồ sành sứ, quần áo, đồ trang trí. Cửa hàng này có nhà máy thuê nhân công là các phụ nữ làm túi, quần áo và búp bê từ đồ phế liệu. Số ít rác được tái chế như đũa gỗ được xay thành bột làm giấy, dầu ăn làm phân bón. Chỉ các loại giày dép cũ, thảm bẩn mới phải đốt bỏ, còn sứ cách điện cùng các bóng đèn nhẹ được đem chôn, pin đưa đến nhà máy tái chế ở đảo Hokkaido... Với cách làm này, việc phân loại rác ở Kamikatsu được xem như quy trình nghiêm ngặt và hiệu quả nhất hiện nay.

     Khuyến khích việc tái sử dụng

     Tại Kamikatsu, rác thải được phân loại kỹ lưỡng và tái chế thành các sản phẩm hữu dụng trong cuộc sống, góp phần BVMT. Trên thực tế, ngày càng nhiều người trong làng dùng đũa cũ để ăn cơm và túi BVMT do những người phụ nữ làm từ đồ tái chế. Hiện đã có nhà máy bia không rác thải, nằm trong một tòa nhà xây bằng vật liệu tái sử dụng. Tất cả các cơ sở tái chế ở Kamikatsu được một tổ chức có tên Zero Waste Academy quản lý. Hàng tháng, tổ chức này đều có khóa học tuyên truyền về lợi ích của lối sống xanh cho các em học sinh địa phương và du khách nước ngoài tham gia.

     Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng khuyến khích các công ty, xí nghiệp, nhà máy tham gia ngành tái chế. Các thương nhân ở Kamikatsu cũng bỏ phần thưởng vào một vài thùng rác rỗng và người dân có thể nhận được những món quà nhỏ sau khi hoàn thành công việc phân loại rác… Việc phân loại rác thải thành 34 hạng mục đòi hỏi thời gian để người dân thích nghi với lối sống xanh này. Đến nay, phân loại rác mỗi ngày đã trở thành thói quen không thể thiếu đối với người dân nơi đây.

     Với hệ thống phân loại rác thải vô cơ hiệu quả và thông minh, tỷ lệ tái sinh rác tại Kamikatsu tăng từ 55% lên đến khoảng 80% và 98% cư dân sử dụng máy nghiền rác làm phân bón tại nhà. Cùng với đó, các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng tại đây đã biết tận dụng nhiên liệu sinh học để giữ nhiệt, mỗi năm có thể tiết kiệm được 76.000 USD, đồng thời cũng giảm được lượng khí thải ra ngoài môi trường.

     Có thể nói, với những nỗ lực không mệt mỏi trên hành trình trở thành “làng không rác thải”, Kamikatsu xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều TP khác trên thế giới học tập.

 

Phạm Thị Lan Anh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

Ý kiến của bạn