Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Chai nhựa tự hủy trong nước - Giải pháp chống ô nhiễm đại dương

09/10/2018

     Các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu và hy vọng sản xuất ra loại nhựa có thể phân hủy thành những yếu tố không độc hại trong môi trường biển nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống ô nhiễm đại dương.

     Loại nhựa mới chứa các phân tử sẽ kích hoạt một phản ứng hóa học khi tiếp xúc với nước. Theo bà Vương Cách Hà (Wang Gexia) - Kỹ sư hóa học tại Học viện Khoa học Trung Quốc, quy trình này sẽ giúp nhựa phân giải thành các thành phần không độc hại chỉ trong 10 ngày.

     Nhựa mới chỉ được đưa vào sử dụng được khoảng 70 năm và đã thay đổi mọi thứ, từ đóng gói, mua sắm đến may mặc. Hầu hết những loại nhựa phổ biến đều mất nhiều năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Trong khi đó, lo ngại về tác động từ nhựa đến mối trường ngày càng tăng.

     Con người hiện thải khoảng 10 triệu tấn rác nhựa ra biển mỗi năm, theo các nhà khoa học tại Đại học Georgia, Mỹ.

 

Túi bóng này sẽ gây ra nhiều thiệt hại trước khi nó bắt đầu phân hủy (Ảnh: Getty Images)

 

     Rác nhựa sau đó theo các dòng chảy đại dương lan ra toàn cầu và có thể khiến cá voi, cá heo chết ngạt nếu vướng phải.

     Các mảnh vỡ còn tồn tại trong hệ tiêu hóa của cá cùng nhiều loại sinh vật biển khác có mặt trong chuỗi thực phẩm, gây đe dọa sức khỏe con người.

     “Tuy nhiên, nhiều loại nhựa phân hủy có chứa hợp chất có thể bị phá vỡ bởi vi sinh vật, điển hình là vi khuẩn, có khả năng chuyển hóa chúng. Tự bản thân nước biển cũng có thể giúp phân hủy nhựa”, bà Vương cho biết.

     Nhóm nhà khoa học Trung Quốc thêm vào các hơp chất thủy phân và hòa tan trong nước vào một loại polyester phân hủy sinh học. Quá trình thủy phân sẽ chuyển hóa các phân tử để tạo ra axit, nước và oxy khi nó tiếp xúc với nước, tương tự như khi hòa tan đường.

     Hỗn hợp cũng chứa các gốc tự do - nguyên tử hoặc phân tử tích điện có thể tạo thêm phản ứng hóa học đóng vai trò xúc tác giúp phá hủy nhựa.

     Nhóm nhà khoa học Trung Quốc nói họ có thể điều chỉnh kỹ thuật này để sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau như túi mua sắm, dĩa nhựa, thìa nhựa.

     Bà Vương đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế nhựa phân hủy và dự đoán Trung Quốc sẽ sớm sản xuất 75.000 tấn/năm loại vật liệu này. 4 nhà máy đã được cấp phép để bắt đầu sản xuất.

     Chan Wai-kin - Giáo sư hóa học chuyên về vật liệu polyme tại Đại học Hong Kong chia sẻ, nhựa phân hủy sinh học đã xuất hiện được vài năm nhưng việc sử dụng rộng rãi chất liệu này đã bị chi phí sản xuất cản trở.

     “Nói chung, nhựa phân hủy sinh học đắt hơn ít nhất 50% so với nhựa thông thường”, theo Chan. Ngoài chi phí, loại nhựa này cũng chưa chắc có thể sản xuất hàng loạt.

     “Quy mô 75.000 tấn vẫn còn khá nhỏ so với lượng nhựa thế giới tiêu thụ mỗi năm - hàng triệu tấn. Nó vượt qua cả khoa học”.

     Bà Vương đang tìm kiếm đối tác giúp bà sản xuất nhiều nhựa phân hủy hơn và giá của loại vật liệu này chưa được xác định. Bà thừa nhận công nghệ này có chi phí tương đương với nhựa phân hủy sinh học bằng chôn lấp nhưng quy trình sản xuất sẽ đơn giản hơn.

     Bà không lý giải thêm vì lý do bảo mật thương mại. Bà dự định công bố chi tiết nghiên cứu trong một tạp chí hàn lâm khi có bằng sáng chế.

     Trước bà Vương, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Miền nam Mississippi, Mỹ cũng nghiên cứu một loại nhựa phân hủy sinh học vào năm 2010. Nó được ứng dụng trên biển, có thể dùng sản xuất các tấm bọc cho hàng hóa cỡ lớn, container thực phẩm và dụng cụ ăn uống. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Polyme Ứng dụng năm 2010.  

 

Phạm Đình

Ý kiến của bạn