Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện kiểm toán môi trường của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

15/09/2015

     Hiện trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về kiểm toán môi trường (KTMT), tuy nhiên định nghĩa về KTMT của tổ chức ISO đưa ra (trong tiêu chuẩn ISO 14010 năm 1996) được coi là đầy đủ và hoàn chỉnh nhất. Có thể rút ra những điểm mấu chốt của KTMT là quá trình kiểm tra có hệ thống và được ghi thành văn bản; Tiến hành một cách khách quan; Thu thập và đánh giá các bằng chứng kiểm toán; Xác định vấn đề xem xét có phù hợp với tiêu chuẩn kiểm toán hay không; thông tin các kết quả của quá trình này cho khách hàng.      Tại Việt Nam, KTMT đã được đề cập trong một số văn bản như Luật BVMT năm 2014; Quyết định 1030/2009/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”; Quyết định 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2020... Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ DN thực hiện KTMT chưa được đề cập rõ ràng và cụ thể, đặc biệt là với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.      Bài viết tập trung phân tích cơ chế hỗ trợ thực hiện KTMT cho các DN nhỏ và vừa tại một số nước trên thế giới, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng cơ chế hỗ trợ các DN nhỏ và vừa thực hiện KTMT ở Việt Nam.      Cơ chế hỗ trợ thực hiện KTMT của một số nước trên thế giới      Tại Mỹ, khái niệm doanh nghiệp vừa không được sử dụng, trong khi đó các DN nhỏ được quy định là các DN có dưới 100 công nhân. Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu DN có dưới 100 công nhân nhưng có doanh thu lớn vẫn có thể được coi là các DN lớn.      Mỹ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới thực hiện KTMT, đặc biệt là trong lĩnh vực tư nhân. Để hỗ trợ các DN nhỏ thực hiện KTMT, Chính phủ Mỹ đã xây dựng hệ thống các chính sách hỗ trợ khá đồng bộ về mặt luật pháp và kỹ thuật.      Về mặt luật pháp, các quy định về KTMT của Mỹ được xây dựng ở hai cấp: Cấp liên bang và cấp bang. Ở cấp liên bang, cơ quan BVMT Mỹ đưa ra 3 chính sách để hỗ trợ các DN nhỏ thực hiện KTMT gồm:      Chính sách “Bảo đảm sự khuyến khích cho các DN nhỏ”: Trong chính sách này, các DN nhỏ được khuyến khích tham gia vào các chương trình tư vấn và hỗ trợ thực hiện KTMT. Chính sách này cũng cho phép các DN nhỏ khi tham gia thực hiện KTMT tự nguyện có thể được miễn giảm một số hình phạt về tài chính cho một số các vi phạm môi trường, được cung cấp một khoảng thời gian 6 tháng để tự khắc phục sai sót và được bỏ qua các vi phạm môi trường nếu các vi phạm đó khó xác định nguyên nhân.      Chính sách “KTMT nội bộ và Tự công bố” Chính sách này khuyến khích các DN tự phát hiện, công bố và sửa chữa các vi phạm về môi trường. Trong chính sách này, một số vi phạm về môi trường có thể xem xét để bỏ qua khi: DN chủ động công bố và khắc phục nhanh các sai phạm và DN công bố hoạt động của hệ thống quản lý môi trường nội bộ để minh chứng sự nỗ lực trong BVMT.      Chính sách “Đáp ứng Luật không khí sạch”, trong đó, Cục BVMT Mỹ khuyến khích các DN tham gia hoạt động KTMT nội bộ để phát hiện các sai sót. Khi đó, các DN sẽ được cung cấp khoảng thời gian 90 ngày để khắc phục các sai phạm về môi trường, nhận được tư vấn hỗ trợ từ các chuyên gia và được quyền bảo mật thông tin về những sai sót trên của họ.      Bên cạnh các chính sách liên bang, hầu hết các bang ở Mỹ đều có các bộ luật hoặc chính sách riêng về KTMT để hỗ trợ các DN trong phạm vi quản lý của bang mình. Các Luật và chính sách này được phân chia thành 5 nhóm: Các chính sách và Luật KTMT chung: quy định các điều khoản bắt buộc trong thực hiện KTMT nói chung; Các đặc quyền kiểm toán (Cho phép bảo mật các nội dung của báo cáo KTMT và không sử dụng báo cáo KTMT làm bằng chứng pháp lý trong quá trình kiện tụng); Sự miễn giảm của KTMT (Miễn giảm cho các DN một số thủ tục hành chính và tiền xử phạt vi phạm đối với một số lỗi vi phạm được chủ động công bố trong các báo cáo KTMT); Chính sách, luật ân xá (Bỏ qua một số vi phạm nhỏ về môi trường mà các DN nhỏ gặp phải do thiếu điều kiện vật chất hoặc chuyên môn đánh giá trong quá trình KTMT); Quy định thời gian khắc phục (Cho các DN khoảng thời gian nhất định để tự phát hiện, công bố và khắc phục các vi phạm về môi trường).      Ngoài việc ban hành các chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý, Cục BVMT Mỹ còn khuyến khích việc biên soạn và công bố các tài liệu, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thực hiện KTMT cho các DN. Một số tài liệu phổ biến như: KTMT nội bộ các DN nhỏ do cơ quan kiểm soát ô nhiễm và BVMT bang New York ban hành năm 1994; Các thủ tục KTMT liên bang do Cục BVMT Mỹ xuất bản năm 1995; Sổ tay “Thanh tra hiện trường chương trình hỗ trợ DN nhỏ” của Đại học Northern Lowa năm 1995; Hướng dẫn “Quản lý và Đánh giá môi trường” do Viện Kỹ thuật quân sự Mỹ xuất bản tháng 3/1995; “Chương trình hỗ trợ DN nhỏ” do Cơ quan BVMT bang New Jersey xuất bản năm 1995... Các tài liệu này đã cung cấp và trang bị những kiến thức và kỹ thuật cơ bản, cần thiết cho các DN nhỏ thực hiện KTMT.      Tại Anh, KTMT du nhập vào Anh từ khu vực Bắc Mỹ thông qua các cơ quan đa quốc gia trong những năm 1970. Ban đầu, KTMT chỉ được một số công ty tư nhân thực hiện đến năm 1990, hầu hết các DN của Anh đều thực hiện KTMT. Để có được thành tựu trên là nhờ Chính phủ Anh đã có những cơ chế hỗ trợ kịp thời cho các DN trong việc thực hiện KTMT.      Để hỗ trợ các DN thực hiện KTMT, Hiệp hội Công nghiệp Anh đã xuất bản tài liệu “Hướng dẫn KTMT cho các DN” nhằm thu hẹp các lỗ hổng trong hệ thống quản lý môi trường của các DN. Hiệp hội Công nghiệp Anh cũng kêu gọi tất cả các DN thành viên của họ thực hiện KTMT để tự quản lý môi trường của mình.   Chính phủ Anh có cơ chế hỗ trợ kịp thời cho các DN trong việc thực hiện KTMT        Song song với hoạt động của Hiệp hội công nghiệp, Chính phủ Anh cũng đã ban hành Bộ tiêu chuẩn BS7750 mô tả chi tiết đặc điểm của Hệ thống quản lý môi trường cho các DN. Nhiều nội dung trong bộ tiêu chuẩn là cơ sở quan trọng cho hoạt động KTMT của các DN ở quốc gia này. Tiếp đó, vào năm 1995 Chính phủ Anh tiếp tục ban hành chương trình KTMT và Quản lý sinh thái - Vương quốc Anh áp dụng cho lĩnh vực công. Điều này đánh dấu KTMT không chỉ được thực hiện ở lĩnh vực tư nhân mà còn được thực hiện trong cả lĩnh vực công. Bên cạnh đó, hệ thống các tiêu chuẩn như ISO 9000 và ISO 14000 được Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ban hành vào những năm 1990 cũng góp phần hỗ trợ các DN nhỏ và vừa ở Anh thực hiện KTMT một cách hiệu quả.      Ngoài ra, hoạt động KTMT cho các DN nhỏ và vừa ở Anh còn được hỗ trợ thông qua hệ thống các văn phòng KTMT và đội ngũ các kiểm toán viên môi trường chuyên nghiệp. Có thể nói, Anh là một trong số các quốc gia trên thế giới có hệ thống KTMT khá hoàn hảo.      Tại Trung Quốc, các DN nhỏ và vừa được xác định là các DN có dưới 2.000 công nhân hoặc có doanh thu hàng năm dưới 300 triệu nhân dân tệ hoặc có tài sản cố định dưới 400 triệu nhân dân tệ.      Khác với các quốc gia khác, việc quản lý và hỗ trợ thực hiện KTMT tại Trung Quốc không do các cơ quan về BVMT đảm nhiệm mà do Văn phòng kiểm toán quốc gia (CNAO - China National Audit Office) phụ trách. Văn phòng này đảm nhiệm quản lý các hoạt động kiểm toán nói chung, trong đó có lĩnh vực KTMT. CNAO được chia thành 9 bộ phận với những chức năng khác nhau, trong đó bộ phận “Quản lý các cuộc kiểm toán nội bộ về kiểm soát ô nhiễm và sản xuất sạch hơn cho các DN” là bộ phận có chức năng trực tiếp hỗ trợ các DN thực hiện KTMT. Do CNAO không trực thuộc Bộ Môi trường nên việc thực hiện KTMT đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn về môi trường. Chính vì vậy, tháng 3/2007, Chính phủ Trung Quốc thành lập Ủy ban đặc biệt về KTMT trực thuộc CNAO, có chức năng phối hợp với cơ quan BVMT quản lý toàn bộ hoạt động KTMT. Nhiệm vụ chính của Ủy ban này là: Xem xét, nghiên cứu và quản lý các cuộc KTMT; Cung cấp các tài liệu có liên quan tới KTMT; Phối hợp với các bộ phận khác của CNAO thực hiện các cuộc KTMT, phổ biến các thông tin về KTMT, đánh giá điểm yếu, điểm mạnh của CNAO về KTMT; Thực hiện đầy đủ các chức năng được giao, báo cáo lại kết quả với lãnh đạo CNAO.      Bên cạnh đó, Bộ Môi trường Trung Quốc cũng đã phối hợp với CNAO thực hiện nhiều chương trình lớn nhằm hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các DN thực hiện KTMT như: Chương trình làm việc về KTMT của CNAO giai đoạn 2003 - 2007; Chương trình kiểm toán về “Bảo toàn năng lượng và Giảm thiểu phát thải” áp dụng cho các DN thuộc địa bàn 20 tỉnh của Trung Quốc do CNAO thực hiện từ năm 2007 - 2009; và các chương trình quản lý môi trường tự nguyện như: Cấp chứng chỉ ISO 14000, thiết kế sinh thái, phân tích vòng đời sản phẩm, sản xuất sạch hơn được các DN thực hiện khá tích cực…      Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam     Qua nghiên cứu và phân tích cơ chế hỗ trợ thực hiện KTMT và quản lý sinh thái tại một số quốc gia như Mỹ, Anh và Trung Quốc, có thể thấy, hầu hết, các nước đã có hệ thống chính sách tương đối rõ ràng về mặt pháp lý, kỹ thuật để hỗ trợ các DN trong KTMT nói riêng và BVMT nói chung. Để hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý môi trường tại Việt Nam, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc xây dựng cơ chế hỗ trợ các DN vừa và nhỏ thực hiện KTMT và quản lý sinh thái như sau:      Xác định rõ đối tượng nhận hỗ trợ: Các DN vừa và nhỏ đều được hưởng những ưu đãi hay chỉ những DN đạt được những tiêu chí nhất định về BVMT giống như quy định của Cục BVMT Mỹ. Vì vậy, cần xác định rõ các tiêu chí cho các DN để họ có thể nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước.      Ban hành các Luật/chính sách hỗ trợ cho các DN: Trong cả ba trường hợp nêu trên đều có những chính sách và luật cụ thể quy định về cơ chế hỗ trợ cho các DN thực hiện KTMT và quản lý sinh thái. Hiện nước ta chưa có những chính sách cụ thể quy định vấn đề này. Bộ TN&MT đã ban hành Bộ tiêu chuẩn về ISO 14000 trong đó có những hướng dẫn về xây dựng hệ thống quản lý môi trường và thực hiện KTMT cho các DN nhưng chưa đủ để hỗ trợ và khuyến khích cho các DN. Ngoài ra, Việt Nam cũng có Luật Kiểm toán và cơ quan kiểm toán Nhà nước, tuy nhiên chức năng KTMT chưa được quy định rõ ràng. Khi xây dựng các chính sách hỗ trợ, cần tập trung làm nổi bật rõ những lợi ích mà các DN được hưởng khi họ tự nguyện tiến hành KTMT hoặc áp dụng hệ thống quản lý môi trường tại cơ quan của họ. Các lợi ích này phải đủ lớn để có thể hấp dẫn được các DN.      Thực hiện các chương trình truyền thông, giáo dục để hỗ trợ về kỹ thuật thực hiện KTMT và quản lý sinh thái cho các DN: Bộ TN&MT cần phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan/ban/ngành khác xây dựng và phổ biến các tài liệu kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn, sách tham khảo, tài liệu đào tạo… về KTMT và quản lý sinh thái để hướng dẫn và hỗ trợ các DN thực hiện các công việc cụ thể trong Chương trình KTMT và quản lý sinh thái ở cơ sở của họ. Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi chuyên môn và các chương trình hỗ trợ cụ thể cũng rất cần thiết để tạo ra các mô hình điểm hoặc tạo điều kiện cho các DN bàn bạc, trao đổi và học tập lẫn nhau trong quá trình thực hiện chương trình KTMT và quản lý sinh thái.   ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường; ThS. Cao Trường Sơn Khoa Môi trường, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014    
Ý kiến của bạn