Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Bản đồ các bon giúp hạn chế phá rừng

15/09/2015

     Hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu tạo ra bản đồ các bon chi tiết nhất có liên quan đến sự sống còn của rừng Amazon. Khu rừng này hiện đang lưu trữ ước tính 120 tỷ tấn các bon và hấp thụ tới 25% lượng khí các bon dioxide thải ra từ các nguồn con người và thiên nhiên.      Những hiểm họa từ nạn khai thác gỗ, sự sụt giảm diện tích đất nông nghiệp và tình trạng khai thác dầu khí quá mức đang đe dọa tới sự gián đoạn quy trình hấp thụ các bon nhằm giữ cho khí hậu luôn được cân bằng. Nhằm cung cấp những cái nhìn chi tiết về sự thay đổi ở các khu rừng và những khu vực nơi có lượng các bon tập trung dầy đặc nhất, các nhà khoa học đã xuất bản một kỹ thuật lập bản đồ mới có độ phân giải cao bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh và một công nghệ viễn thám từ xa trong không khí gọi là LIDA, nghiên cứu đã được công bố vào ngày 10/11/2014 trên tờ Kỷ yếu khoa học hàn lâm quốc gia. Những nhà khoa học và các chính phủ có thể sử dụng những bản đồ này để xem những khu vực của rừng Amazon cần được bảo vệ nghiêm ngặt từ nạn phá rừng.      Kết quả nghiên cứu cho thấy, mối hiểm họa đe dọa rừng Amazon trong lãnh thổ nước Peru đáng báo động nhất: hơn 19,6 triệu ha hay bằng diện tích của tiểu bang Nebraska được Chính phủ cho phép khai thác gỗ hay phát triển dầu, khí. Những nghiên cứu khác cho thấy, khoảng 65% sinh khối của Amazon có thể bị mất vào khoảng 2060. Những đồn điền trồng cây dầu cọ và khai khoáng cũng đe dọa tới những cánh rừng này, nhiều nơi trong số đó có sự tập trung dầy đặc các bon. Ông Greg Asner tại Viện nghiên cứu khoa học Carnegie (CIS) ở Sanford, tiểu bang California (Mỹ) đã nghiên cứu về các cánh rừng của người Amazon và người Andea ở Peru.   Máy bay của Đài quan sát không vận Carnegie đang tiến hành khảo sát vùng rừng Amazon        Khảo sát cho thấy, các khu vực rừng ở Peru đã tồn tại nhiều khu vực chứa nhiều các bon nhất và những nơi này đang gặp rủi ro cao bởi sự phát triển của con người. Nồng độ các bon trong đất dao động từ 0 có các bon gần vùng duyên hải Thái Bình Dương đến 150 m3 tấn các bon/ha, hay 2,47 mẫu Anh nằm sâu trong cánh rừng mưa nhiệt đới. Nhóm nghiên cứu ước tính, khoảng 0,8 tỷ m3 tấn các bon (đang được lưu trữ) có rủi ro bị giải phóng vào bầu khí quyển bởi nạn phá rừng. Nhưng nếu nhiều diện tích đất rừng ở Peru với tiềm năng lưu trữ các bon cao nhất được bảo vệ, thì có thể lưu trữ tới 3 tỷ m3 tấn các bon trên toàn quốc. Nói cách khác, nếu rừng nhiệt đới của Peru không được bảo vệ kịp thời thì gần 1/3 lượng các bon bị “nhốt” trong cây cối nói chung sẽ bị phát tán vào bầu khí quyển, làm tăng sự biến đổi khí hậu và ngăn ngừa lượng các bon có thể lượng lưu trữ.      Ông Greg Asner phát biểu trên trang Climate Central: “Nghiên cứu này là đầu tiên trên thế giới nhằm cung cấp một độ phân giải cao, quy mô quốc gia và minh bạch địa lý, tính toán đến lượng các bon “bị nhốt” trong các khu rừng nhiệt đới. Làm theo cách này sẽ cho phép tạo ra 2 bước quan trọng trong việc sử dụng đất: giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái”. Kỹ thuật lập bản đồ trong nhóm của ông Asner đã giúp cho các nhà nghiên cứu khám phá ra những cánh rừng nhiệt đới đang chứa nhiều các bon nhất - là phần đất rừng cần được bảo vệ nhất, trong bối cảnh biến đổi khí hậu.      Độ chính xác và độ phân giải của bản đồ rất cao cho thấy từng diện tích bất động sản, tiến tới việc các chủ đất có thể so sánh nồng độ các bon trong đất của họ với đất của các ông bạn láng giềng lân cận. Kỹ thuật lập bản đồ cũng có thể sử dụng trong các phần khác nhau của địa cầu đối với việc lưu trữ các bon trong các cánh rừng khác, nhưng thiết bị viễn thám LIDAR sẽ được tái kiểm định đối với các cánh rừng ngoài khu vực nhiệt đới.      Kỹ thuật và sự mất các bon ước tính cũng có thể giúp ích cho các nhà khoa học trong việc quyết định xem đất đai sẽ được sử dụng như thế nào, cũng như nó đã thay đổi ra sao về hình thái mưa ở Amazon, theo ông Rong Fu, một nhà khoa học địa lý tại Đại học Texas-Austin (Texas, Mỹ), người đã tập trung nghiên cứu về những mối liên hệ giữa lượng mưa và cháy rừng ở Amazon. Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy, lượng mưa ở Amazon đã bị sụt giảm 25% trong vòng 14 năm qua, một phần bởi sự thiếu mảng xanh trong vùng. Nạn phá rừng là một trong những nguyên nhân gây nên suy giảm đó. Nếu khuynh hướng này vẫn tiếp tục tồn tại, nghiên cứu đề xuất rằng một số nơi ở Amazon có thể trở thành hoang mạc.               Nguyễn Thanh Hải Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014          
Ý kiến của bạn